Giúp trò vượt qua cú sốc
Cô vừa dứt lời, Mỹ đứng bật dậy, tức tưởi: “Cô có biết không… Hai giờ chiều nay cha mẹ em sẽ ra toà ly dị…”.
Giúp trò vượt qua cú sốc
Cô vừa dứt lời, Mỹ đứng bật dậy, tức tưởi: “Cô có biết không… Hai giờ chiều nay cha mẹ em sẽ ra toà ly dị…”.
Cô Nguyễn Thị Huệ Chi bên các học trò – Ảnh: M.Tâm |
Ðang giảng bài, cô Nguyễn Thị Huệ Chi (Trường THPT Phan Ngọc Hiển, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ) thấy Trần Kim Mỹ không chịu nghe giảng liền nhắc nhở. Cô vừa dứt lời, Mỹ đứng bật dậy, tức tưởi: “Cô có biết không… Hai giờ chiều nay cha mẹ em sẽ ra tòa ly dị…”.
Lớp im phăng phắc, cô lặng người bởi thấy trong đôi mắt nhòa nước của đứa học trò nhỏ ngập đầy sự buồn bã, đau đớn và cô đơn đến tận cùng.
Trong khoảnh khắc đó, tấm mạng vén lên: cô hiểu vì sao suốt học kỳ một Mỹ học rất khá nhưng đến học kỳ hai lại bết bát, uể oải đến lạ.
Cô tìm gặp người mẹ để chia sẻ cũng như mong bà quan tâm đến con nhiều hơn và đó cũng là cách để mẹ con nắm tay dìu nhau vượt qua khó khăn thử thách đời thường. Cạnh đó cô cũng nhờ những thầy cô khác chú ý đến Mỹ nhiều hơn.
Về phần mình, cô tìm cách giúp trò vượt qua cú sốc bằng cách gần gũi tâm sự, khuyên nhủ: “Cha mẹ ly hôn là chuyện người lớn nhưng con may mắn hưởng nguyên vẹn tình yêu của mẹ. Con phải ráng học để có nghề lo cho mình, cho mẹ về sau. Tương lai của con tốt hay xấu tùy thuộc vào con hôm nay…”.
Nhờ sự động viên tinh thần của cô và các thầy cô khác, cộng thêm tình thương yêu của mẹ cùng với sự nỗ lực của chính bản thân, cô học trò đã đứng dậy xốc lại tinh thần để rồi đậu đại học và sau khi ra trường đã có việc làm ổn định.
Từ dạo đó, cô Chi cứ trăn trở, có bao nhiêu em sống trong hoàn cảnh như vậy mà mình không biết, có em nào dang dở chuyện học mà mình không hay?
Mình phải cố giúp các em vững tinh thần vượt qua cú sốc này. Muốn vậy phải nắm rõ hoàn cảnh từng học sinh ngay từ đầu năm học để có thể hỗ trợ các em kịp lúc.
Ngay trong phần sơ yếu lý lịch, cô đề nghị các em phải ghi rõ cha mẹ có ly hôn không. Rồi cô gặp các giáo viên chủ nhiệm khác để biết thêm về trạng thái và kết quả học tập của những em sống trong hoàn cảnh cha mẹ ly dị. Cô còn lên mạng, tìm sách, tài liệu…
Ngoài ra, cô cũng cho rằng phối hợp với người thân là một trong những cách hay nhất. Nếu ông bà, dì cậu thật sự thương lo cho cháu thì tình thương đủ mạnh đó sẽ giúp cháu ở trạng thái cân bằng, sự bình yên cần thiết và động lực để cháu tiếp tục đến trường.
Chẳng hạn như Huỳnh Thái Bình. Cha mẹ chia tay, giao Bình cho ông bà nuôi dưỡng. Cú sốc chia lìa tình thân khiến Bình chán nản tụ tập băng nhóm, ẩu đả, gây gổ, bỏ bê chuyện học hành và bị lưu ban.
Cô đi gặp ông bà của Bình để bàn nhau kéo Bình trở lại chuyện học. Hễ hôm nào Bình cúp tiết, không thuộc bài, cô điện cho ông bà của Bình biết. Phần cô cũng gặp riêng Bình để khuyên bảo.
Ngược lại khi Bình ẩu đả, người thân Bình điện cho cô hay. Bình có những đề xuất, việc làm hay cô khích lệ. Cô mạnh dạn cử Bình làm lớp trưởng, đứng ở vị trí “lãnh đạo” buộc phải gương mẫu nên tính xấu dần bị “triệt tiêu”. Năm đó sau khi đậu tốt nghiệp, để hoàn thiện mình hơn Bình đăng ký đi nghĩa vụ quân sự bởi muốn được trui rèn trong môi trường quân đội.
* Cô NGÔ LAM THUẦN (hiệu trưởng Trường THPT Phan Ngọc Hiển): Xoay chuyển tình thế Cô Nguyễn Thị Huệ Chi là giáo viên rất có tâm huyết, khá xuất sắc trong công tác chủ nhiệm. Cô luôn quan tâm đến học sinh, đặc biệt là những em học yếu, có nguy cơ bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ly dị. Từ đó cô có biện pháp động viên, giúp đỡ các em kịp lúc. Nhờ đó mà xoay chuyển tình thế theo hướng tốt đẹp hơn. Việc làm của cô đã góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học. |