16/11/2024

Mỹ – Ấn tuyên bố kỷ nguyên “niềm tin mới”

Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố một kỷ nguyên của “niềm tin mới” trong mối quan hệ hai nước Mỹ – Ấn Độ ngày 25-1.

 

Mỹ – Ấn tuyên bố kỷ nguyên “niềm tin mới”

 

Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố một kỷ nguyên của “niềm tin mới” trong mối quan hệ hai nước Mỹ – Ấn Độ ngày 25-1.

 

 

 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Barack Obama (trái) đang uống trà – Ảnh:  PTI

Trong cuộc họp báo chung , hai ông Obama và Modi tuyên bố về một thoả thuận hạt nhân dân sự quan trọng vừa đạt được, cũng như các bước tiến về biến đổi khí hậu và quan hệ quốc phòng.

AP mô tả lãnh đạo Ấn Độ đã tiếp đón ông Obama rất nồng hậu. Thủ tướng Modi đã phá vỡ thông lệ khi trao cho ông Obama một cái ôm nhiệt tình khi ông vừa bước xuống chiếc Air Force One.

Thủ tướng Modi trao cho ông Obama một cái ôm nhiệt tình khi ông vừa bước xuống chiếc Air Force One – Ảnh: 

Thủ tướng Ấn Độ cũng gọi ông Obama bằng tên một cách thân mật và nói rằng những gì “khiến Barack và tôi gần gũi hơn cũng giúp Washington và Delhi xích lại gần hơn”. Họ đi dạo cùng nhau và ngồi uống trà, trò chuyện rôm rả.

Ông Obama là khách quan trọng nhất tại lễ mừng ngày Cộng hoàlần thứ 66 của Ấn Độ diễn ra hôm nay và là nhà lãnh đạo đầu tiên của Mỹ tham dự lễ này.  

Sự hiện diện của Tổng thống Obama không giống một vài năm trước đây. Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ tuột xuống mức thấp trong năm 2013 sau khi một nhà ngoại giao Ấn Độ đã bị bắt và bị lục soát ở New York liên quan đến cáo buộc rằng bà này đã nói dối để đưa người giúp việc sang Mỹ trong khi vẫn trả người này mức lương rẻ mạt.

Vụ việc từng khiến các quan chức Ấn Độ phẫn nộ và đòi trả đũa các nhà ngoại giao Mỹ.

Mỹ và Ấn Độ cũng bế tắc trong thực hiện các thỏa thuận hạt nhân dân sự ký kết trong năm 2008, theo đó cho phép quốc gia Nam Á này tiếp cận các công nghệ hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, thỏa thuận bị ngưng trệ do sự quan ngại của Mỹ liên quan tới các điều khoản nghiêm ngặt của Ấn Độ về vấn đề pháp lý trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân.

Tổng thống Mỹ và phu nhân từ phi cơ chuẩn bị xuống chiếc siêu xe  có khả năng bảo vệ trước các cuộc tấn công – Ảnh: Reuters

Reuters cho biết trọng tâm của thoả thuận đạt được hôm qua là vấn đề bảo hiểm nhằm khuyến khích các công ty Mỹ tham gia phát triển năng lượng hạt nhân tại Ấn Độ. Dù chi tiết kế hoạch không được thông báo, một số quan chức ngoại giao cho biết theo thoả thuận, bên bảo hiểm sẽ chịu các rủi ro tài chính trong trường hợp xảy ra tai nạn.

“Hôm nay, chúng tôi đã đạt nhất trí về các vấn đề đang là rào cản cản trở hai nước tăng cường hợp tác hạt nhân dân sự. Chúng tôi cam kết sẽ hướng tới một thoả thuận toàn diện” – Tổng thống Obama nói và nhấn mạnh đây là bước đi quan trọng cho thấy hai bên có thể hợp tác nhằm nâng cao quan hệ song phương.

Ngoài ra, Ấn Độ và Mỹ cũng nhất trí mở rộng thoả thuận hợp tác quốc phòng 10 năm và hợp tác cắt giảm hydroflurocarbons, một chất gây hiệu ứng nhà kính từ ngành công nghiệp làm lạnh.

Ấn Độ triển khai lực lượng “khủng”  bảo vệ ông Obama

Khoảng 50.000 nhân viên an ninh, 15.000 máy quay giám sát, một đội mật vụ, 40 chó nghiệp vụ, radar trên không… được triển khai để bảo vệ cho tổng thống Mỹ trong những ngày thăm Ấn Độ.

Trang Quartz India dẫn nguồn các quan chức an ninh cho biết toàn bộ trung tâm tài chính New Delhi đóng cửa trong những ngày tổng thống Mỹ Barack Obama ở đây (từ 25 đến 26-1).  

New Delhi đã triển khai một lực lượng an ninh hùng hậu để bảo vệ nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Khoảng 50.000 nhân viên an ninh, 15.000 máy quay giám sát, một đội mật vụ, 40 chó nghiệp vụ, radar trên không… được triển khai.

Trong ngày 26-6, lực lượng an ninh còn đông hơn, tạo thành bức tường an ninh bảy lớp bảo vệ ông Obama. 

Theo thỏa thuận an ninh, các vệ tinh Mỹ  cũng  được triển khai giám sát chặt chẽ tuyến đường Rajpath, nơi diễn ra hoạt động diễu binh  biểu dương sức mạnh quân sự, cùng các hoạt động văn hóa khác. Các con đường đổ về Rajpath cũng bị phong toả.

An ninh được thắt chặt trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới Ấn Độ- Ảnh: Indiatvnews

Các tay súng bắn tỉa của Mỹ cũng tham gia cùng các tay súng của lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia Ấn Độ tại các nơi mà tổng thống Mỹ đi qua, từ các tuyến đường Rajpath đến khách sạn mà ông Obama ở là Maurya Sheraton.

Khoảng 40 con chó nghiệp vụ được đưa từ Mỹ sang Ấn Độ để kiểm tra thêm lần nữa các hàng rào an ninh dù Ấn Độ cũng triển khai các cảnh khuyển của nước này.

Lần đầu tiên Ấn Độ đưa vào hoạt động Hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không trên vùng trời New Delhi. Hệ thống này nhằm phát hiện các máy bay từ khoảng cách rất rất xa.

Đây chỉ là biện pháp phòng ngừa vì vùng cấm bay  được thiết lập tại New Delhi và các thành phố lân cận như Jaipur, Agra, Lucknow và Amritsar trong thời gian diễn ra diễu hành.

Cuối cùng, các lực lượng mật vụ Mỹ được vũ trang tận răng sẽ luôn theo sát cùng lớp bảo vệ chống đạn dành cho ông Obama. Ông Obama đến buổi diễu hành trên chiếc Quái vật, một chiếc xe siêu an ninh để bảo vệ tổng thống.

Lực lượng chuyên gia y tế Ấn Độ cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng trong suốt chuyến công du của ông Obama.

Chuyên cơ chở tổng thống Mỹ  có diện tích sàn 1.200m2 gồm 6 phòng ngủ, một văn phòng làm việc lớn, một phòng vệ sinh và một phòng hội thảo, phòng bếp có thể phục vụ 100 người cùng lúc. Phòng y tế như một phòng mổ, bác sĩ trực 24/24h 

Các quan chức Ấn Độ cho biết phía Mỹ thậm chí yêu cầu loại bớt khách mời trong buổi chiêu đãi mừng Ngày Cộng Hoà tại nhà tổng thống Pranab Mukherjee nhưng bị từ chối.

Trong ngày cuối cùng, đền Taj Mahal không đón khách trong khi ông Obama đến thăm nơi đây.

TRẦN PHƯƠNG