16/11/2024

Nước Mỹ có thể “sang trang”?

Thông điệp liên bang năm nay của tổng thống Mỹ vẽ nên những chiến lược tập trung vào tầng lớp trung lưu và người nghèo.

 

Nước Mỹ có thể “sang trang”?

 

Thông điệp liên bang năm nay của tổng thống Mỹ vẽ nên những chiến lược tập trung vào tầng lớp trung lưu và người nghèo.

 


 

 

Tổng thống Obama bắt tay cử tọa sau khi đọc thông điệp liên bang tối 20-1 – Ảnh: Reuters

 Nó được dự đoán sẽ rất khó thành hiện thực trong năm nay nhưng có ý nghĩa với cuộc bầu cử tổng thống 2016.

Tổng thống Barack Obama ở đầu bài phát biểu dài một giờ đầy tự tin: “Chúng ta đã trải qua 15 năm của thế kỷ mới. 15 năm khởi đầu với nỗi kinh hoàng ập vào lãnh thổ của chúng ta, gây ra hai cuộc chiến lâu dài và tốn kém, chứng kiến đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên khắp đất nước và thế giới… Nhưng tối nay, chúng ta sẽ lật sang trang mới”.

Tổng thống Mỹ có lý do để tự tin. Gần một nửa bài phát biểu được ông dành để nói về sự bứt phá của nền kinh tế Mỹ, động cơ của nền kinh tế ảm đạm trên toàn cầu trong năm ngoái và sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm nay.

Theo ông Obama, nền kinh tế và thị trường việc làm đang phát triển mạnh nhất kể từ năm 1999, đưa tỉ lệ thất nghiệp giảm trở về mức trước cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong năm năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo ra được hơn 11 triệu việc làm mới, bằng tổng số việc làm mới của châu Âu, Nhật Bản và các nước công nghiệp phát triển cộng lại.

Mỹ không còn bị bó buộc bởi nguồn dầu nhập khẩu như trong ba thập kỷ qua. Cuối cùng, cuộc chiến tại Afghanistan cũng khép lại với quân số Mỹ tại Iraq và Afghanistan giảm từ 180.000 còn 15.000.

Chúng ta đã trỗi dậy từ suy thoái và được tự do viết nên tương lai hơn bất cứ quốc gia nào trên Trái đất. Bây giờ chúng ta sẽ quyết định tương lai của chính mình trong 15 năm và những thập kỷ tới
Ông OBAMA (nói giữa những tràng pháo tay)

Tầng lớp trung lưu

Tầm nhìn đối nội của tổng thống Mỹ tập trung vào tầng lớp trung lưu. “Sự trỗi dậy của Mỹ là sự thật và giờ đây nhiệm vụ của chúng ta là giúp mọi người dân Mỹ cảm nhận được một phần của sự trỗi dậy này” – ông nói.

Như báo chí Mỹ đã nói từ trước, Tổng thống Obama đề xuất miễn học phí hai năm cho 9 triệu sinh viên các trường cao đẳng cộng đồng, cho rằng biện pháp này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho các gia đình có thu nhập thấp mà còn tạo điều kiện cho nhiều người Mỹ được đào tạo thêm kiến thức, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

“Kế hoạch là cơ hội để các sinh viên mới ra trường sẵn sàng cho một nền kinh tế mới mà không phải mang một đống nợ” – ông nói.

Một số điểm nhấn được ông Obama đề cập bao gồm dự luật trả lương bình đẳng giữa nam và nữ, đồng thời nhắc lại đề xuất tăng lương tối thiểu.

“Với những người trong quốc hội từ chối nâng lương tối thiểu, tôi muốn nói nếu họ tin rằng có thể làm việc toàn thời gian và nuôi gia đình với mức lương 15.000 USD/năm thì hãy thử đi” – ông nói.

Tổng thống Mỹ cũng đề xuất thực thi chương trình nghỉ phép được hưởng lương có tổng kinh phí 2 tỉ USD nhằm khuyến khích các bang xây dựng chương trình phúc lợi mới để trả lương tạm thời và chăm sóc y tế cho các lao động buộc phải nghỉ việc 7 ngày/năm vì gia đình có người bệnh nặng hoặc mới sinh con.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị nâng thuế thu nhập từ 23,8% lên 28% đối với thiểu số những người giàu có nhất nước Mỹ, có thu nhập từ 500.000 USD/năm trở lên và đưa ra các khoản phí mới cho những doanh nghiệp có tài sản trên 50 tỉ USD.

Khó thành hiện thực

Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng viên tiềm năng cho cuộc đua tổng thống năm 2016, tán dương ông Obama đã “chỉ ra hướng đi cho nền kinh tế vì tất cả mọi người” và kêu gọi mọi người hành động.

Tuy nhiên thực tế sẽ khó khăn hơn cho ông Obama trong bối cảnh mâu thuẫn đảng phái ở chính trường Mỹ ngày càng gia tăng và Quốc hội mới đang do phe Cộng hoà chiếm ưu thế.

Trong bài phát biểu, tổng thống Mỹ nhiều lần kêu gọi phe Cộng hoà ủng hộ các chính sách quan trọng của ông, thậm chí bốn lần doạ sẽ phủ quyết các chính sách của các nghị sĩ Cộng hòa. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng bài phát biểu của ông Obama chỉ mang tính cổ động và các dự luật ông đề xuất sẽ khó thành hiện thực trong năm 2015, nếu không nói là bế tắc.

Bài phát biểu của ông Obama nhận hàng loạt chỉ trích từ phía đảng Cộng hoà. Chủ tịch Uỳ ban Tài chính và thuế vụ Hạ viện Mỹ Paul Rand cho rằng ngôn từ của tổng thống Mỹ mang tính chia rẽ và công kích. Còn nghị sĩ Ted Cruz mỉa mai bài phát biểu của ông Obama như một chương trình thực tế trên tivi, trong đó nam diễn viên cứ lặp câu mỗi khi gặp vấn đề hóc búa.

“Tất cả những gì tổng thống đưa ra tối nay chỉ là thêm thuế, thêm kiểm soát và thêm cách tiếp cận đã làm thất vọng các gia đình trung lưu – chủ tịch hạ viện John Boehner nói – Ðây không chỉ là chính sách sai lầm, chúng là ưu tiên sai lầm: tăng sự quan liêu của Washington thay vì kinh tế Mỹ”.

Joni Ernst, ngôi sao đang lên của đảng Cộng hoà, nói rằng bà chẳng thấy giải pháp nào trong thông điệp của tổng thống.

“Người Mỹ bị tổn thương và chúng tôi cần các giải pháp” – BBC dẫn lời bà Ernst và bà kêu gọi ông Obama hợp tác với phe Cộng hoà trong một số vấn đề có nhiều điểm chung như các thoả thuận thương mại, cải cách quy định thuế. Thượng nghị sĩ John Cornyn nói thêm ông Obama có thể nhận được sự ủng hộ của quốc hội trong một số lĩnh vực như thương mại, cải cách luật hình sự và an ninh mạng.

Đề cập ít về đối ngoại

Về đối ngoại, ông Obama nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và đề cập việc bãi bỏ các chính sách cấm vận đã lỗi thời với Cuba. Về châu Á, ông nhấn mạnh Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, phải nắm cuộc chơi thương mại tại khu vực này và kêu gọi Quốc hội ủng hộ Nhà Trắng hoàn tất các thoả thuận thương mại tại châu Á.

Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích Nga trong vấn đề Ukraine, nói Matxcơva vi phạm nguyên tắc nước lớn không được hiếp đáp nước nhỏ. Nga sau đó phản ứng gay gắt với tuyên bố của ông Obama.

TRẦN PHƯƠNG