Trái cây khó xuất, dễ nhập
Phải tốn nhiều năm, vượt qua nhiều thủ tục kiểm dịch, chứng nhận phức tạp, trái cây VN mới có thể xuất khẩu ra nước ngoài trong khi trái cây ngoại nhập vô tư tràn ngập thị trường nội địa.
Trái cây khó xuất, dễ nhập
Phải tốn nhiều năm, vượt qua nhiều thủ tục kiểm dịch, chứng nhận phức tạp, trái cây VN mới có thể xuất khẩu ra nước ngoài trong khi trái cây ngoại nhập vô tư tràn ngập thị trường nội địa.
Nhọc nhằn tìm thị trường xuất khẩu cho trái cây VN – Ảnh : Hà An
|
Cho đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp (DN) VN vẫn chưa được cấp phép trở lại để xuất khẩu rau quả sang EU. Thời hạn “treo” sẽ còn kéo dài đến hết tháng 1 năm nay vì trước đó EU đã phát đi cảnh báo lần thứ 3 liên tiếp đối với 3 chuyến hàng nhập khẩu từ VN bị phát hiện vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng bị cấm trên cây húng quế và mướp đắng. Nếu trong thời hạn 1 năm mà vẫn phát hiện trường hợp vi phạm thì EU sẽ cấm cửa luôn. Đó là lý do trong suốt gần 1 năm qua, rau quả VN gần như bị tắc đường vào thị trường EU.
4 năm đàm phán mới đưa được thanh long sang Mỹ
Anh L., chủ một cơ sở xuất khẩu rau quả đi EU cho biết: “Hàng hóa VN nhiễm khuẩn, họ cảnh báo là đúng. Nhưng đây cũng chính là rào cản kỹ thuật để bảo hộ ngành nông nghiệp trong nước họ. Trong những trường hợp cần thiết hoặc nhu cầu lên cao, họ vẫn mở cửa cho nhập vào, còn khi không cần thì họ sẽ áp dụng tiêu chuẩn cao để hạn chế”.
TS Nguyễn Hữu Đạt – Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật) kể: “Quá trình đàm phán để nhập trái cây vào Mỹ phải trải qua nhiều công đoạn như nộp đơn yêu cầu, nộp danh sách dịch hại cho nước nhập khẩu, phân tích nguy cơ dịch hại, đưa ra giải pháp. Trước khi chính thức xuất khẩu vải và nhãn sang Mỹ, Cục phải phối hợp với kiểm dịch viên Mỹ tại VN xây dựng danh sách mã vùng trồng vải, nhãn; các nhà máy phải xây dựng xong bản đồ liều lượng. Trái cây xuất đi phải có xuất xứ từ những vùng trồng đã được đăng ký, mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật xác định sản phẩm phù hợp với quy định, khi xuất phải được chiếu xạ để loại bỏ vi khuẩn dịch hại, phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm”.
Tương tự, để thanh long VN được xuất sang Mỹ, chúng ta phải trải qua 4 năm đàm phán, từ 2004. Thời gian đàm phán cho việc xuất trái chôm chôm cũng kéo dài nhiều năm và mãi đến năm 2011 mới được chấp nhận. Hiện Cục Bảo vệ thực vật còn đang hoàn tất 6 bộ hồ sơ kỹ thuật đối với các loại quả tươi: thanh long, vải, nhãn, xoài, chôm chôm và vú sữa để gửi các nước đề nghị mở cửa thị trường.
Nỗ lực đa dạng hóa thị trường nhưng lãnh đạo cục này cũng phải thừa nhận hiện nay hoạt động xuất khẩu rau, củ, trái cây của VN vẫn chỉ chủ yếu dựa vào thị trường chính là Trung Quốc (TQ). Trong năm 2014, VN đã xuất hơn 400 triệu USD rau quả sang TQ và tăng hơn 34% so với năm trước vì đây là thị trường khá dễ tính.
Buông lỏng nội địa
Xuất đi thì gian nan, nhọc nhằn như vậy nhưng VN lại đang khá dễ dãi với hàng nhập khẩu. Theo quy trình hiện nay hầu như cơ quan chức năng chỉ kiểm soát phần ngọn, các DN nhập trái cây vào nội địa chỉ phải làm thủ tục khai báo kiểm dịch thực vật. Nếu đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu của VN thì sẽ được cấp giấy chứng nhận và được thông quan nhập khẩu.
Các cơ quan chức năng đều thừa nhận tình trạng trái cây, rau củ TQ nghi chứa hóa chất độc hại đã diễn ra lâu nay, cơ quan y tế đã nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng hầu như không phát hiện được gì vì không đủ phương tiện để truy tìm tận gốc những loại hoá chất đó. “Hiện chỉ có thể kiểm tra dư lượng hóa chất trên rau quả có vượt ngưỡng cho phép hay không và việc kiểm tra này cũng đòi hỏi nhiều thời gian. Còn biết chính xác đó là chất gì, độc hại đến mức nào thì gần như không thể vì không có thông tin về nguồn gốc của loại thuốc mà nông dân/thương lái TQ sử dụng” – một cán bộ Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Một thực tế khác là phần lớn rau củ, trái cây TQ chủ yếu vào VN theo đường tiểu ngạch nên hầu như không kiểm soát được chất lượng. Chỉ cần dán tem, nhãn mác đầy đủ theo quy định của hải quan là có thể nhập khẩu vào thị trường nội địa mà không cơ quan nào kiểm tra sau đó. Theo PGS-TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia, trên thị trường có khoảng 2.000 loại chất bảo quản nhưng mới chỉ kiểm nghiệm được 600 loại. Đối với rào cản kiểm dịch thực vật, TS Nguyễn Hữu Đạt cho biết: “Khi đã hội nhập thì điều kiện, quy chuẩn kiểm dịch là như nhau, nước ngoài có các quy định an toàn dịch bệnh của họ và VN cũng vậy. Đơn cử khi Úc có dịch ruồi đục quả thì VN không cho nhập, hay như táo của Nhật Bản nổi tiếng thế giới nhưng một khi chưa hoàn thành đánh giá dịch hại tại VN thì cũng chưa cho nhập. Tuy nhiên, do nền sản xuất của ta còn thấp, các quy chuẩn đưa ra cũng không thể cao được. Ví dụ như nhiều dịch bệnh ở nước chúng ta cũng có thì làm sao cấm họ? Do đó hiện nay chúng ta không thể dựa vào lý do an toàn dịch bệnh để dựng rào cản với TQ, Thái Lan”.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng: “Để bảo vệ người tiêu dùng cũng như sản xuất trong nước, ngành nông nghiệp cần có hàng rào kỹ thuật, hạn chế việc nhập khẩu tràn lan vào VN. Các chợ nông sản lớn ở TP.HCM có lượng trái cây nhập khẩu nhiều phải có những phòng phân tích hay kiểm tra nhanh chất lượng sản phẩm ngoại nhập cũng như dư lượng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật”.
Lo ngại “hàng xóm”
Thái Lan đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu rau quả nhiều nhất vào VN, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 29% thị phần và chưa có trường hợp nào phát hiện rau quả của Thái Lan có dư lượng chất cấm vượt quá mức cho phép. TS Nguyễn Quốc Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư (Bộ NN-PTNT) nhận định: “Khi chúng ta ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AFTA) được thiết lập, sẽ có nhiều sản phẩm quả của Thái Lan được bán tại VN hơn. Mặt khác, Thái Lan cũng có thể sử dụng đường bộ của VN để xuất khẩu quả sang TQ. Khi đó, các sản phẩm quả của VN sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn so với thời điểm này”.
|
Táo bị thu hồi đã được xuất khẩu sang VN
Ngày 20.1, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết đã nhận được cảnh báo từ Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) hôm 19.1 về việc thu hồi quốc tế đối với táo và các sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn nhập khẩu từ Mỹ do bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes.
Trước đó, ngày 6.1, Công ty Bidart Bros ở Bakerfield, California đã tự nguyện thu hồi sản phẩm táo Granny Smith và táo Gala do kết quả kiểm tra môi trường đã kết luận thiết bị đóng gói táo bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes. Các sản phẩm thu hồi là toàn bộ táo Granny Smith và táo Gala được chuyển từ cơ sở đóng gói ở Shafter, California trong năm 2014. Ngoài ra, có 3 công ty khác cũng đã tiến hành tự nguyện thu hồi sản phẩm táo caramel do có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes: Công ty Lochirco Fruit & Produce (Happy Apple ở Washington, Missouri); Công ty California Snack Foods (ở El Monte, California); Công ty Sugar Daddy LTD (Merb’s Candies ở St. Louis, Missouri).
Cục ATTP cho biết thêm, theo báo cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (US CDC), tính tới ngày 9.1 đã có 32 người bị nhiễm Listeria monocytogenes trong vụ này, được ghi nhận trên 11 bang. Trong số những người bị nhiễm, có 31 ca phải nhập viện và ít nhất 3 người đã tử vong; 10 ca trong số đó đang mang thai và 1 ca bị sẩy thai. 25/28 người mắc được phỏng vấn có ăn sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn.
Theo thông tin từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), sản phẩm bị thu hồi đã được xuất khẩu sang VN và một số quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cục ATTP đã khẩn cấp rà soát các sản phẩm bị cảnh báo và thông báo với doanh nghiệp nhập khẩu để kịp thời thu hồi sản phẩm liên quan (nếu có).
Liên Châu
|
Quang Thuần