27/11/2024

Chip “made in VN” ra thị trường

Nhiều dự án cấp chính phủ về đầu tư vi mạch (chip) với số vốn lên đến hàng chục triệu USD đang cho ra lò những con chip “made in VN” đầu tiên..

 

Chip “made in VN” ra thị trường

 

Nhiều dự án cấp chính phủ về đầu tư vi mạch (chip) với số vốn lên đến hàng chục triệu USD đang cho ra lò những con chip “made in VN” đầu tiên..

 

 


 

 

Phòng thí nghiệm tại Trung tâm R&D thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM được đầu tư 10 triệu USD, nơi quy tụ nhiều dự án vi mạch của TP.HCM – Ảnh: Đ.Dân
Đây là minh chứng cho thấy những nghiên cứu của các nhà khoa học VN khi đưa vào thương mại hóa có chỗ đứng rất tốt. Điều cần làm hiện nay là làm sao để các nhà đầu tư và các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà sáng chế tìm được nhau
Ông Lê Hoài Sơn (giám đốc kinh doanh Công ty Saigon Track)

Không ít người bất ngờ bởi những chiếc khóa container, thiết bị giám sát hành trình xe hơi, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, thiết bị sử dụng cảm biến đo độ rung của cầu đường… đang sử dụng tại thị trường trong nước được sản xuất từ các kỹ sư người Việt.

Nhiều dự án cấp chính phủ về đầu tư vi mạch (chip) với số vốn lên đến hàng chục triệu USD đang cho ra lò những con chip “made in VN” đầu tiên. Riêng TP.HCM cũng đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên của cả nước với số vốn trên 300 triệu USD.

Từ những chip đầu tiên…

“Chúng tôi không còn phải đi đến từng trụ điện để ghi số điện mỗi cuối tháng nữa, thay vào đó chỉ việc ngồi ở màn hình cập nhật số liệu” – anh Trần Ngọc Hưng, một nhân viên điện lực tại TP.HCM, cho biết.

Điều thay đổi này trở nên đặc biệt hơn khi 4.000 sản phẩm thu thập dữ liệu đo đếm từ xa của ngành điện lực đang sử dụng những thế hệ chip đầu tiên do các nhà nghiên cứu người Việt tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học Quốc gia TP.HCM nghiên cứu sản xuất.

Thành quả đầu tiên

Chip cảm biến áp suất bằng công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) là sản phẩm đầu tiên trong dự án chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu – triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP LABS) và ICDREC nghiên cứu, sản xuất trong suốt hai năm sáu tháng. Đây là một trong những thành quả của chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020.

Không chỉ những nhân viên ngành điện lực mà niềm vui này đang nhân lên khi các sản phẩm chip “made in VN” tương tự lần lượt được các kỹ sư của ICDREC nghiên cứu thành công tung ra thị trường như khoá container, thiết bị giám sát hành trình, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ…

“Những chip cảm biến áp suất này sau khi “ra lò” đã được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, y tế… Chẳng hạn, ở lĩnh vực y tế chip cảm biến áp suất được dùng trong thiết bị đo huyết áp. Ngoài ra chip này còn được dùng trong các thiết bị đo mực nước của máy giặt, máy rửa chén, bồn nước…” – ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC, hồ hởi nói.

Ngay sau khi công bố sản phẩm thì Công ty Global Technical Service (tại Khu công viên phần mềm Quan Trung) ký kết thỏa thuận với ICDREC để ứng dụng chip này trong vệc sản xuất thiết bị đo và lưu trữ thông tin mực nước.

Cho đến nay, những sản phẩm ứng dụng chip Việt đã được thương mại hoá thành công như chip SG-8V1, KIT DE-8V1, khóa container, thiết bị giám sát hành trình, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, hệ thống quản lý ứng dụng RFID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ…

Ông Lê Hoài Sơn, giám đốc kinh doanh Công ty Saigon Track – doanh nghiệp đang phối hợp với ICDREC đưa hai sản phẩm đầu tiên ra khỏi phòng thí nghiệm, cho biết: “Từ tháng 3-2012, chúng tôi đã liên kết với ICDREC – “cha đẻ” của thiết bị hộp đen ôtô X200 và của xe máy XM100 – để sản xuất hàng loạt hai sản phẩm. Hiện cả hai sản phẩm này được thị trường đón nhận rất tốt. Riêng X200 đã đưa ra thị trường 10.000 sản phẩm, hiện nay bình quân mỗi tháng sản xuất ra 2.000 sản phẩm, dự kiến chỉ trong năm 2014 sản xuất 10.000 sản phẩm và thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước”.

Ông Sơn cũng cho biết thêm hiện nay sản phẩm X200 dành cho ôtô bán rất chạy vì độ bền cao, bảo hành nhanh và hợp với quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải nên đã giành lại thị phần từ các sản phẩm của Trung Quốc sản xuất.

Đến nhà máy sản xuất vi mạch

Theo Bộ Khoa học và công nghệ, cơ quan này đang giao ICDREC triển khai dự án sản xuất chip và hệ thống RSID với tổng vốn đầu tư ban đầu 124 tỉ đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định đây là dự án lớn nhất trong lịch sử ngành khoa học công nghệ tính đến nay. Sản phẩm này dự kiến trình làng vào giai đoạn 2015-2016 với các sản phẩm ứng dụng như thanh toán bằng thẻ ngân hàng, xe buýt, metro, chứng minh nhân dân điện tử…

Riêng tại TP.HCM, địa phương đang đi đầu cả nước về giấc mơ làm chủ công nghệ nguồn bắt đầu từ việc cho ra đời nhà máy sản xuất chip với quy mô hàng triệu USD.

Ông Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch UBND TP.HCM, trưởng ban chỉ đạo chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020, cho biết chương trình này gồm mười đề án, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch, đến xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch… Và quan trọng nhất là dự án nhà máy sản xuất vi mạch với tổng vốn đầu tư hơn 5.331 tỉ đồng đang được thúc đẩy triển khai.

Dự án trên được UBND TP.HCM giao cho Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) làm chủ đầu tư, hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị nhân lực, khảo sát thị trường và dự kiến vào quý 3-2016 sẽ bắt đầu đi vào sản xuất.

Dù thuận lợi là thế, nhưng dường như thách thức lớn nhất của các nhà khoa học thuộc chương trình phát triển công nghiệp vi mạch là thương mại hoá những nghiên cứu sau bước thành công từ phòng thí nghiệm.

Thạc sĩ Trương Hữu Lý, trưởng nhóm dự án thực hiện chip cảm biến Khu công nghệ cao TP.HCM, kể: “Sau khi sản xuất chip thành công, chúng tôi đã hướng tới sản xuất chip áp dụng vào ba sản phẩm chính là sản phẩm đồng hồ đo áp suất của đường ống dẫn khí, dẫn dầu; thiết bị đo và lưu trữ thông tin mực nước phục vụ các dự án chống ngập của thành phố và thiết bị đo áp suất. Tuy nhiên việc xúc tiến tìm nhà đầu tư để sản xuất các thiết bị này đang rất khó khăn”.

Theo ông Lý, thường các sản phẩm nghiên cứu xong lâu ngày không tìm được nhà đầu tư nên bị lãng quên ở phòng thí nghiệm.

Ông Ngô Đức Hoàng cho biết hiện nay ICDREC đã liên kết nghiên cứu sản xuất ra khoảng 32 sản phẩm ứng dụng dùng chip 

SG-8V1, nhưng có rất ít trong số đó tìm được nhà đầu tư để sản xuất đưa ra thị trường. Trong đó có nhiều sản phẩm nghiên cứu đã hoàn thiện khâu sản xuất mẫu, đóng gói nhưng không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập nên các nhà đầu tư vẫn không dám làm.

Cụ thể như sản phẩm điện kế điện tử đã vượt ra khỏi phòng thí nghiệm, đưa ra sản phẩm mẫu nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư sản xuất do không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.

“Dù làm nhà nghiên cứu, nhưng hiện chúng tôi gánh luôn cả việc tìm nhà đầu tư để đưa các sản phẩm này ra thị trường. Chứng kiến nhiều sản phẩm khoa học như một đứa con tinh thần của nhóm nghiên cứu bị quên lãng ở phòng thí nghiệm với biết bao nhiêu công sức và tiền bạc đổ ra thì xót lắm” – ông Hoàng nói.


ĐÌNH DÂN