Đại chiến giá dầu và cái kết nào dành cho OPEC?
“’OPEC trước giờ là một liên minh lỏng lẻo, luôn phụ thuộc vào thái độ và khả năng của Ả Rập Xê Út trong việc điều tiết hoặc sửa đổi sản xuất của họ”, Financial Times dẫn lời Bill Witte – phó giáo sư kinh tế tại Đại học Indiana (Mỹ) – cho biết.
Đại chiến giá dầu và cái kết nào dành cho OPEC?
“’OPEC trước giờ là một liên minh lỏng lẻo, luôn phụ thuộc vào thái độ và khả năng của Ả Rập Xê Út trong việc điều tiết hoặc sửa đổi sản xuất của họ”, Financial Times dẫn lời Bill Witte - phó giáo sư kinh tế tại Đại học Indiana (Mỹ) – cho biết.
Mỹ giảm số lượng giàn khoan nhưng tập trung gia tăng hiệu quả sản xuất ở những địa điểm sản xuất khác – Ảnh: Reuters
|
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ lập trường không giảm sản lượng dầu, nhằm không để mất thị phần vào tay Nga và các nước Bắc Mỹ, theo CNN ngày 12.1. Việc này khiến giá dầu thô tiếp tục giảm, hiện đang ở mức dưới 50 USD/thùng. Nhưng liệu OPEC có thể “đánh bại Mỹ” trong cuộc chiến giá dầu này?
Mỹ có “nhún nhường”?
Bloomberg ngày 17.1 đưa thông tin cho biết Mỹ đã ngưng sử dụng 55 giàn khoan trong tuần 3 của tháng này, chỉ còn 1.366 mũi khoan đang hoạt động. Tính ra Mỹ đã rút 209 giàn khoan kể từ ngày 5.12.2014. Đây là mức giảm kỷ lục trong vòng 6 tuần, theo thống kê từ năm 1987 của Công ty dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes.
Các nhà phân tích bao gồm Công ty tài chính – ngân hàng HSBC Holdings cho rằng OPEC đang chứng tỏ thành công trong cuộc chiến giành thị phần, làm chậm sự phát triển sản xuất dầu mỏ của Mỹ vốn đã gia tăng liên tục trong 3 thập kỷ qua.
“Chiến lược của OPEC đang phát huy hiệu quả, và nó sẽ rõ ràng hơn vào giữa năm nay, khi sự tăng trưởng trong sản xuất dầu mỏ của Mỹ tạm dừng lại”, James Williams, chủ tịch của công ty tư vấn năng lượng WTRG Economics ở London nói với Bloomberg.
Mặc dù vậy trong một bài phân tích khác cũng do Bloomberg đăng tải, việc rút số lượng mũi khoan không đồng nghĩa Mỹ giảm lượng sản xuất.
Michael Cohen, một nhà phân tích của Ngân hàng Barclays Plc tại New York, cho biết sản xuất dầu có thể tăng trưởng ngay cả khi lượng giàn khoan giảm do “việc tăng năng suất ở nhiều nơi khác nhau”. Theo đó, ông Cohen dự đoán trong năm 2015, Mỹ sẽ tăng sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng mỗi ngày.
Nội bộ OPEC xào xáo
Sự trỗi dậy của ngành năng lượng Mỹ, đặc biệt là dầu đá phiến đã khiến vị trí của OPEC không còn như xưa. Và trong bối cảnh giá dầu biến động theo chiều hướng bất lợi hiện nay cả sự tồn vong của OPEC cũng đang bị đặt dấu hỏi.
Trang CBS News ngày 16.1 giật dòng tít với nội dung: “Sự sụt giảm của giá dầu báo hiệu hồi kết cho OPEC?”, cho rằng việc OPEC kiên quyết sản xuất và bán với giá thấp chỉ là giải pháp ngắn và trung hạn, không thể tháo gỡ các vấn đề lâu dài.
Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Indiana Bill Witte khẳng định nội bộ OPEC sẽ xuất hiện nhiều rạn nứt trong cuộc đối đầu với dầu thô Mỹ. Lý do nằm ở chỗ họ quá phụ thuộc vào Ả Rập Xê Út, trong khi quyền lợi và mức độ thiệt hại của 12 thành viên OPEC không tương xứng.
Ngày 12.1 các thành viên OPEC đã có buổi thảo luận về giải pháp kinh tế về việc giá dầu sụt giảm dưới mức 50 USD/thùng, theo Reuters. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã gặp gỡ những thành viên khác để bàn về việc thiếu thốn lương thực của nước này. Dầu mỏ chiếm tới 96% xuất khẩu của Venezuela và họ chính là nước bị thiệt hại rõ ràng.
Ông Maduro (phải) đang muốn giảm sản lượng dầu nhưng các thành viên thuộc vùng Vịnh ở OPEC không đồng ý – Ảnh: Reuters
|
Mặc dù vậy, kết quả cuộc họp chỉ là “tìm giải pháp mới” chứ không phải cắt giảm sản lượng theo ý ông Maduro. “Giải pháp duy nhất là phải có thị trường tiêu thụ số dầu mỏ dư thừa này và tất cả sẽ được đánh giá bởi các thành viên OPEC trong cuộc họp của họ vào tháng 6”, Reuters dẫn lời một thành viên thuộc vùng Vịnh của OPEC nói.
Các nước vùng Vịnh vẫn ủng hộ quan điểm là không cắt sản lượng, vốn đang giữ mức khoảng 30 triệu thùng/ngày, theoFinancial Times. Như vậy, ngoài việc vấp phải sự cạnh tranh của Mỹ và Canada, OPEC cũng có nguy cơ tan vỡ nếu tình trạng kéo dài, vì đơn giản họ sẽ xung đột lợi ích rất lớn.
Nhật Đăng