15/11/2024

Cạnh tranh nội bộ Trung Quốc gây căng thẳng biển Đông?

Viện Lowy (Úc) vừa công bố báo cáo cảnh báo sự cạnh tranh dữ dội giữa các cơ quan dân sự, bán quân sự và quân sự của Trung Quốc đang thổi bùng nguy cơ xung đột trên biển Đông.

 

Cạnh tranh nội bộ Trung Quốc gây căng thẳng biển Đông?

 

Viện Lowy (Úc) vừa công bố báo cáo cảnh báo sự cạnh tranh dữ dội giữa các cơ quan dân sự, bán quân sự và quân sự của Trung Quốc đang thổi bùng nguy cơ xung đột trên biển Đông.

 

 

 

 

Tàu của cảnh sát biển Nhật Bản bám sát tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép tại vùng biển gần đảo Miyako hồi đầu tháng 2-2013 – Ảnh: Reuters

Bản báo cáo dày 55 trang của chuyên gia Linda Jakobson có tên “Các đối tượng an ninh hàng hải khó dự đoán của Trung Quốc” cho rằng trên thực tế chính quyền Bắc Kinh không có một “kế hoạch tổng thể và đồng bộ” về chiến lược thực hiện các hành vi khiêu khích, đòi chủ quyền vô lý trên biển Đông.

Thay vào đó, các chính quyền địa phương, tập đoàn dầu quốc gia và ít nhất năm cơ quan an ninh hàng hải Trung Quốc đang cạnh tranh nhau dữ dội để mở rộng tầm ảnh hưởng hành chính ở biển Đông.

Báo cáo cho biết việc Trung Quốc tái cơ cấu các cơ quan hàng hải từ tháng 3-2013 đã dẫn tới một cuộc cạnh tranh quyền lực ngầm giữa Tổng cục Hải dương quốc gia (SOA) và Bộ An ninh. 

“Bên cạnh lực lượng cảnh sát biển (CCG), các đối tượng khác như quan chức quân đội cao cấp, quan chức lãnh đạo các tỉnh ven biển, Bộ An ninh, SOA, Uỷ ban Cải cách và phát triển (NDRC), lãnh đạo các tập đoàn dầu khí… sẽ tận dụng mọi cơ hội để giành lợi thế thương mại ở biển Đông” – báo cáo nhấn mạnh.

Chuyên gia Jakobson dự báo trong thời gian tới, các đối tượng an ninh hàng hải Trung Quốc này sẽ tiếp tục thực hiện những hành động thiếu tính tổ chức, mang tính cạnh tranh lẫn nhau. Không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền Trung Quốc có một kế hoach tổng thể để quản lý chiến lược của các đối tượng này.

“Có một kế hoạch tổng thể sẽ ít nguy hiểm hơn, bởi việc các đối tượng khác nhau ở Trung Quốc hành động vì lợi ích riêng sẽ dẫn tới sự bất ổn trên biển Đông. Do đó, nguy cơ Trung Quốc thổi bùng xung đột trên biển hoặc trên bầu trời biển Đông là có thật và đáng lo ngại” – báo cáo của Viện Lowy cảnh báo.

Dù vậy, một số chuyên gia khác cho rằng vẫn có sự chỉ đạo xuyên suốt từ cấp cao nhất của chính quyền Trung Quốc trong những hành động gây hấn nghiêm trọng nhất trên biển Đông. Báo Sydney Morning Herald dẫn lời chuyên gia Andrew Chubb thuộc ĐH Tây Úc cho biết: “Những hành động khiêu khích nhất là những hành động có tính phối hợp cao nhất”.

Ông nhắc tới việc Trung Quốc đang cải tạo đất trên biển Đông để xây đảo nhân tạo, đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển Việt Nam, cải cách luật pháp để mở rộng hoạt động trên biển… Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cũng nhận định Bắc Kinh đang có một chiến lược lớn.

“Việc Trung Quốc cải tạo đất trên biển Đông cho thấy nước này đang theo đuổi một chiến lược lớn nhằm chiếm đoạt chủ quyền và kiểm soát cả khu vực phía nam biển Đông” – bà Glaser nhận định.


NGUYỆT PHƯƠNG