“Học cao đẳng nghề ra trường là có việc làm”
“Trong xã hội có nhiều nghề mà các em chỉ cần học cao đẳng nghề ra trường là có việc làm” – PGS.TS Hoàng Minh Sơn (phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) chia sẻ với học sinh Thanh Hoá.
“Học cao đẳng nghề ra trường là có việc làm”
”Trong xã hội có nhiều nghề mà các em chỉ cần học cao đẳng nghề ra trường là có việc làm” – PGS.TS Hoàng Minh Sơn (phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) chia sẻ với học sinh Thanh Hoá.
Ban tư vấn khối ngành ngoại giao, ngoại ngữ, tài chính, ngân hàng trả lời câu hỏi cho học sinh - Ảnh: Quang Thế |
Sáng 11-1, trận mưa rào kèm tiết trời buốt giá đã không cản hơn 5.000 học sinh Thanh Hoá có mặt tại trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Thanh Hoá và Tỉnh Đoàn Thanh Hóa lần đầu tiên tổ chức.
Muốn có việc làm… phải chạy tiền, làm sao?
Không chỉ hỏi về cơ hội việc làm, rất nhiều học sinh Thanh Hoá quan tâm hơn đến những vấn đề nghiêm túc, những điều gây bức xúc cho cả xã hội.
“Thực tế cho thấy những sinh viên đại học xong hoàn toàn không xin được việc làm nếu không chạy tiền. Thực tế cũng cho thấy có nhiều sinh viên học các trường ĐH nổi tiếng ra vẫn không xin được việc làm. Vậy với những học sinh có gia đình không có điều kiện như chúng em thì nên hay không nên học ĐH?”, một học sinh hỏi:
Câu hỏi khiến các thầy trong ban tư vấn có một thoáng trầm tư. PGS.TS Hoàng Minh Sơn khuyên các em học sinh hãy hướng đến những điều tích cực hơn khi có rất nhiều sinh viên nghèo nhưng nỗ lực học tập, trang bị các kĩ năng mềm, ngoại ngữ, luôn giữ cho mình mơ ước và không ngừng học hỏi và đã thành công mà không cần nhờ đến “giải pháp tiêu cực”.
“Vào ĐH không phải con đường duy nhất, trong xã hội có nhiều nghề cần tay nghề cao mà các em chỉ cần học cao đẳng nghề ra trường là có việc làm” – PGS Sơn chia sẻ.
TS Phạm Mạnh Hà thì cho rằng đúng là đâu đó vẫn có những tin đồn về chuyện “chạy việc” nhưng đó không phải là cách làm phổ biến nên làm theo. Vì các em chỉ có thể thành công nếu biết chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và ngành nghề xã hội đang thực sự cần. Việc chạy theo những ngành “thời thượng” nhưng đang dư thừa lao động là sự lựa chọn sai lầm.
Phản biện lại thầy Phạm Mạnh Hà, một học sinh nói: “Nếu như nghề nghiệp mà em mơ ước không phải nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động thì phải chăng nên từ bỏ mơ ước đó để đi theo đòi hỏi của thị trường?”.
Một học sinh đặt câu hỏi về những đổi mới trong công tác tuyển sinh – Ảnh: Quang Thế |
Với câu hỏi khó này, TS Phạm Mạnh Hà – phó trưởng khoa công tác thanh niên, Học viện thanh thiếu niên VN – nói: “Nếu các em đã có ước mơ thì không nên dễ dàng từ bỏ nó. Vì ước mơ có thể giúp các em có động lực vượt qua nhiều trở ngại và giúp các em thành công hơn những công việc mà các em không yêu thích. Một công việc không phải là xu thế chung của thị trường nhưng vẫn có chỗ cho những người biết đam mê, nỗ lực”.
Chia sẻ thêm tại chương trình, ông Trương Thế Hưng - Trưởng phòng quản lý doanh nghiệp và lao động Khu Kinh tế Nghi Sơn – Thanh Hoá – cũng cho biết hiện khu kinh tế này đang thu hút 64.000 lao động, trong đó 2/3 là lao động của Thanh Hoá. Ông Hưng khẳng định những bạn trẻ có trình độ, có thái độ, lối sống lành mạnh, kỷ luật trách nhiệm tốt sẽ được tuyển dụng một cách công bằng.
“Như ca sĩ hát ở sân chơi khác”
“Phải học 13 môn, nhưng chỉ phải thi 4 môn bắt buộc, như vậy chẳng khác nào chúng em bị ép phải học lệch. Chúng em đang học chương trình cũ nhưng lại đổi mới cách thức thi, như thế có phải là học một đằng, thi một nẻo?”, một học sinh hỏi.
Trả lời câu hỏi, PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, hóm hỉnh ví chuyện thi theo cách mới đối với các em học sinh chỉ giống như ca sĩ trước đây đã dự thi Việt Nam Idol rồi, bây giờ tiếp tục dự thi Vietnam’s Got Talent. Hai sân chơi đó chỉ khác nhau về cách thức tổ chức, còn ca sĩ giọng đã tốt rồi, lại chăm chỉ luyện tập thì đều có thể thành công.
Tương tự, việc đổi mới thi chỉ là đổi mới về cách thức, còn đề thi, yêu cầu của kỳ thi vẫn dựa vào chương trình-SGK hiện hành.
Nhiều vấn đề liên quan tới định hướng đề thi, hướng dẫn ôn tập, quy định thi cụm, hình thức xét tuyển và những lưu ý đối với thí sinh để có kết quả thi và xét tuyển tốt trong bối cảnh đổi mới đã được các thầy trong ban tư vấn giải thích cặn kẽ.
Phần tư vấn chung về kì thi và xét tuyển ở Thanh Hoá kéo dài hơn dự kiến vì hàng trăm học sinh vẫn háo hức giơ tay xin hỏi. Nhiều giáo viên cũng bày tỏ những băn khoăn về việc dạy học, ôn tập như thế nào để phù hợp với quy định mới về thi.
Tin người có làm được kinh tế không? “Em rất thích học kinh tế, nhưng cứ băn khoăn có nên chọn trường kinh tế đi học không khi em tự thích mình có nhiều tính cách không phù hợp với người làm kinh tế lắm. Mọi người vẫn nói em hiền lành và tin người quá” – một thí sinh tỏ ra băn khoăn với chính lựa chọn của mình. Đáp lại lo lắng của thí sinh, TS Trần Thế Hoàng – trưởng phòng quản lý đào tạo và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho rằng với những phẩm chất ấy, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn ngành theo niềm đam mê của mình. “Theo tôi, hiền lành rất tốt, tin người cũng vậy. Vấn đề là mình phải biết hiền với ai, tin thế nào cho đúng người đáng tin. Đó chính là đỉnh cao của sự khôn khéo. Người làm kinh tế có những phẩm chất này là rất đáng quý” – TS Hoàng nói. |
Lo… chiều cao, cân nặng
Khối ngành công an, quân đội được nhiều học sinh Thanh Hoá quan tâm. Nhưng nỗi lo âu lớn nhất của các em lại là tiêu chuẩn sức khỏe, chiều cao, cân nặng và thị lực.
Trong phần tư vấn chuyên sâu, một học sinh trường chuyên Lam Sơn rụt rè đặt câu hỏi: “Em ở miền núi thì có dược giảm chỉ tiêu về sức khỏe không ạ?”.
Trung tá Trần Văn Đồng - Phó trưởng phòng xây dựng lực lượng, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy – đã khiến em phấn khởi hẳn lên khi nói: “Em nặng 50kg, là người dân tộc được trừ 2kg, vậy là vừa đủ tiêu chuẩn. Cao 1m63 mà tiêu chuẩn là 1m64, nhưng do là người dân tộc nên được trừ 1cm, cũng là đạt”. Cả hội trường vỗ tay chúc mừng bạn học sinh vừa đặt câu hỏi.
Về độ nhìn của mắt, Trung tá Trần Văn Đồng cũng cho biết Bộ Công an hiện nay không yêu cầu mổ mắt trước khi thi tuyển và chỉ yêu cầu độ nhìn 10/20 cho cả hai mắt. Tuy nhiên, do tính chất công việc phải trực đêm, cứu nạn ban đêm hay sử dụng súng đòi hỏi độ tinh tường của mắt, các em cần có bản cam kết của bệnh viện và của gia đình sẽ chữa khỏi cận thị khi ra trường.
Một học sinh còn lo xa và đặt trường hợp bạn gặp tai nạn khi đã nhập học vào trường thì khi đó còn đủ điều kiện để tiếp tục học hay không. Đại tá Vũ Xuân Toàn giải thích: “Khi đã nhập học vào trường quân đội thì mọi vấn đề sức khỏe sẽ được trường giải quyết. Em không phải lo lắng về vấn đề đó mà chỉ cần thi cho tốt”.
“Nữ có thể làm thuyền trưởng, máy trưởng” Một nữ sinh hỏi TS Phạm Xuân Dương – phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam: “Ngành nào của trường Hàng Hải tuyển nữ?”. TS Dương cho biết trường có nhiều ngành đào tạo, trong đó có khối ngành kinh tế phù hợp hơn với nữ, nhiều ngành khác thì phù hợp với nam hơn. Tuy nhiên, trường chỉ có hai ngành đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng là không khuyến khích tuyển nữ, tuy nhiên nếu nữ sinh nào vẫn muốn làm thuyền trưởng, máy trưởng trường vẫn không cấm. “Thầy từng làm việc với thuyền trưởng nữ thì thấy thuyền trưởng nữ cũng rất giỏi, rất hay. Nếu em nữ nào đam mê thì vẫn có cơ hội thành công với nghề này” – TS Dương chia sẻ. TS Dương cũng cho biết sinh viên trường ĐH Hàng hải Việt Nam phải chấp hành kỷ cương rất nghiêm nhưng bù lại những sinh viên tốt nghiệp từ trường phần nhiều đều trưởng thành. |
Nâng mức học bổng, hỗ trợ sinh viên nghèo Khu tư vấn chuyên sâu nhóm ngành kinh tế – tài chính – ngoại ngữ… diễn ra ngoài trời có bạt che giữa trời mưa tầm tã và thời tiết thấm lạnh nhưng trong suốt thời gian tư vấn, toàn bộ ghế ngồi gần như kín chỗ. Bàn tư vấn của các thầy cô trong ban tư vấn được kéo lại gần với thí sinh giống không gian một lớp học gần gũi như ngày thường. Chọn ngành kinh tế giữa thời điểm nhóm ngành kinh tế – quản lý bị cảnh báo đang dư thừa nhân lực, nhiều cử nhân kinh tế, ngân hàng… tốt nghiệp chịu cảnh thất nghiệp nên nhiều thí sinh không khỏi lo lắng cho công việc sau này. Một số sinh viên còn băn khoăn về lộ trình tăng học phí của các trường ĐH kinh tế khi thực hiện tự chủ. Một thí sinh bày tỏ sự do dự khi muốn thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng gia đình khó khăn, trong khi nhà trường vừa được duyệt đề án tự chủ tăng học phí lên gấp đôi trong năm tới. TS Trần Thế Hoàng – trưởng phòng quản lý đào tạo và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – chia sẻ tâm tư này của thí sinh và xác nhận mức học phí trung bình của trường lâu nay ở mức khoảng 6 triệu đồng, nhưng với thí sinh trúng tuyển năm 2015 sẽ phải áp dụng mức học phí trung bình 13 triệu đồng/năm. “Tuy nhiên, các em cần biết rằng trong đề án tự chủ, nhà trường cũng đã nếu rất rõ việc thực hiện chính sách được bảo đảm để 100% sinh viên nghèo, thuộc gia đình chính sách được miễn giảm. Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước thì nhà trường có trách nhiệm bù đắp phần tăng thêm. Ở các trường ĐH bình thường, nguồn học phí sẽ phải đóng vào Kho bạc Nhà nước, trong khi với những trường được duyệt đề án tự chủ sẽ được gửi nguồn thu học phí vào ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất. Phần lãi suất này sẽ được dùng vào chi phí miễn giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên. Năm 2015 trường đã quyết định dành quỹ học bổng “khủng” lên đến hơn 24 tỉ đồng, chỉ dành cho đào tạo chính quy”- ông Hoàng cho biết. |
Học sinh tìm hiểu thông tin tại chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp - Ảnh: Quang Thế |
Học sinh Thanh Hoá tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Quang Thế |