Châu Âu lo ngổn ngang trước khủng bố
Theo nghiên cứu của Trường King’s College ở London (Anh), 80% những tên khủng bố đã tiến hành hoặc có âm mưu khủng bố tại châu Âu đều có quá khứ tội phạm. Cơ quan chức năng lúng túng vì khó kiểm soát.
Châu Âu lo ngổn ngang trước khủng bố
Theo nghiên cứu của Trường King’s College ở London (Anh), 80% những tên khủng bố đã tiến hành hoặc có âm mưu khủng bố tại châu Âu đều có quá khứ tội phạm. Cơ quan chức năng lúng túng vì khó kiểm soát.
Cảnh sát Đức canh gác tại chợ Giáng sinh Breitscheid được mở lại ở thủ đô Berlin hôm 22-12 – Ảnh: Reuters |
Nguồn gốc tội phạm và vũ khí dễ mua là hai yếu tố khiến các cơ quan chống khủng bố ở châu Âu lo sốt vó hiện nay. Bởi với gốc gác “có vấn đề”, những tên này thường mang mặc cảm bị đẩy ra rìa xã hội, bị xem như công dân “hạng hai” nên dễ bị nhuốm màu cực đoan hoá.
Hồ sơ hàng triệu nhưng…
Những kẻ như thế dễ tự cho rằng mình bị tổn thương và có ý định trả thù xã hội mà chúng đang sống. Và khi nung nấu ý định trả thù đời, chúng lại dễ dàng tìm mua vũ khí và học cách tấn công gây tổn hại cho đám đông bằng vô số bài học tìm thấy trên mạng.
Chuyên gia tội phạm học Stéphane Quéré của ĐH Nice (Pháp) nhận định: “Quá khứ tội phạm của những tên khủng bố có hai ảnh hưởng chính đối với các hành vi khủng bố của chúng: trước tiên chúng thuộc về số đông trong xã hội và như thế các cơ quan an ninh khó nhận diện chúng; kế đến chúng thường “có nghề” trong việc né tránh sự truy xét của cơ quan luật pháp và lại giỏi tìm mua vũ khí, giấy tờ tùy thân giả…”.
Quả thực những tên khủng bố thời gian qua tại Pháp, Bỉ hay mới nhất tại Đức đều là những kẻ có gốc gác tội phạm ở khu vực chúng sinh sống. Chúng dễ chuyển sang “thần phục” tổ chức khủng bố kiểu Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bởi xem đó như cách dễ nổi tiếng hơn thay vì chỉ là những tên tội phạm tép riu ở một khu phố nhỏ.
Đây là mối đau đầu cho các cơ quan chức năng ở châu Âu hiện nay vì không thể theo dõi tất cả mọi tên tội phạm trẻ tuổi và không thể biết khi nào chúng bị chuyển biến tư tưởng sang kiểu Hồi giáo cực đoan.
Như Anis Amri, thủ phạm vụ tấn công chợ Giáng sinh tại thủ đô Berlin của Đức, là một ví dụ. Hắn mất liên lạc với gia đình suốt nhiều năm, xin tị nạn vào Đức không được nhưng hắn có đến 6-7 cái tên xưng danh và thường xuyên tìm đến một nhánh Hồi giáo cực đoan ở Đức trước khi ra tay.
Cảnh sát Đức nhiều lần để ý đến hắn nhưng rồi lại mất dấu vì không đủ nhân lực để theo dõi đến cùng và hắn lại ranh ma luôn thoát được sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Ông Alain Rodier – phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo (CF2R) của Pháp – nhận định: các cơ quan chức năng hiện đang lúng túng với việc xử lý hồ sơ những kẻ cần theo dõi.
Thực sự là họ đã lưu trữ được nhiều triệu hồ sơ “có tiền án tiền sự” nhưng kho dữ liệu này chỉ có thể phát huy tốt khi hành vi khủng bố đã xảy ra chứ chưa thể hiệu quả trong việc ngăn chặn khủng bố.
Kiểm soát biên giới kém
Liên minh châu Âu (EU) từng tự hào với sự liên kết không biên giới. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng người tị nạn cùng các vụ khủng bố khủng khiếp thì người ta mới kịp nhận ra rằng sau nhiều năm dài yên ổn, mọi thứ đã không còn… ổn.
Ngay trong vụ Amri, khi hắn thoát khỏi Berlin và bị bắn chết ở Milan, miền bắc nước Ý, mấy ngày sau đó cơ quan chức năng giờ đây đang bị cật vấn: vì sao hung thủ dễ dàng xuyên qua Pháp tìm đường đến Ý khi đã bị phát lệnh truy nã.
Trước tình thế này, Liên đoàn hải quan Pháp Unsa Douanes tố cáo rằng giới chức chính trị đã thực thi những “chính sách vô trách nhiệm” suốt 10 năm qua và thậm chí còn cắt giảm lực lượng này ở mức trung bình “một người mỗi ngày”.
Thông cáo phát đi từ thủ đô Paris của đại diện Liên đoàn các đơn vị hải quan Pháp cho biết họ ngày càng bị mất đi nhân lực và quyền hạn để tham gia việc bảo vệ lãnh thổ.
“Dù các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra nhưng các kế hoạch cắt giảm lực lượng hải quan cứ tiếp tục: chẳng hạn chúng tôi đã nhận hàng chục quyết định giảm người sẽ phải thực thi trong năm 2017”, thông cáo của UNSA Douanes cho biết.
Lực lượng này thậm chí xin được phép trang bị vũ khí trong thực thi nhiệm vụ nhưng vẫn chưa được. Đây là một vấn đề gây nhức đầu bởi lực lượng chức năng lo sợ vì không đủ công cụ trấn áp trong khi những tên khủng bố không khó để kiếm cho mình vũ khí ngay trong lòng châu Âu.
Câu chuyện vũ khí chợ đen cũng làm đau đầu giới hữu trách. Luật về kiểm soát vũ khí ở châu Âu khá nghiêm nhưng vũ khí vẫn tuồn được vào đây nhờ từng có thời kiểm soát biên giới không quá nghiêm và vũ khí thời hậu chiến ở Nam Tư dễ dàng tuồn vào đây.
Ông Alain Rodier – vốn là cựu sĩ quan cấp cao của tình báo Pháp – cho rằng giá mua súng ống ở EU không phải rẻ như lời đồn nhưng không khó với những kẻ muốn sở hữu một vũ khí cho mình vì động cơ xấu, bởi những kẻ này thường biết cách kiếm tiền kha khá bằng các hoạt động phi pháp như cướp giật, buôn bán ma tuý…
Số vũ khí buôn lậu vào Tây Âu ngày càng tăng qua thị trường bất hợp pháp thường xuất phát từ khu vực Balkan, gồm Albania, Bosnia & Herzegovina, Croatia, Kosovo, Montenegro, Serbia và Macedonia.
Sau các cuộc chiến tranh ở Balkan vào những năm 1990, rất nhiều vũ khí còn nằm trong tay thường dân. Tổ chức Nghiên cứu vũ khí nhỏ ở Geneva (Thuỵ Sĩ) ước tính trong khu vực này có khoảng 500.000 – 1,6 triệu hộ sở hữu súng.
Có thể khẳng định tất cả thành phố lớn ở châu Âu đều có chợ vũ khí bất hợp pháp. Số vũ khí này được tuồn vào Tây Âu bằng cách buôn lậu từng đợt với số lượng nhỏ, như chở trong cốp ôtô. Đáng chú ý, theo báo The Telegraph, các thành phố Paris, Marseille, Lyon, Grenoble và Toulouse nổi tiếng là những nguồn cung cấp chính đối với bọn buôn lậu. Pháp là quốc gia có tỉ lệ sở hữu súng cao đứng thứ hai ở EU, sau Phần Lan. EU tin rằng vũ khí được chuyển theo hai tuyến chính từ Balkan vào Pháp: một ở miền Nam, qua Ý và một qua Slovenia, Áo vào miền Đông. |