Nhức nhối nạn ‘cò ngư phủ’
Để có lao động đi biển dài ngày, nhiều chủ tàu ở Kiên Giang phải ứng cho ‘cò ngư phủ’ hàng chục triệu đồng/lao động, trả tiền môi giới cho ‘cò’… nhưng chất lượng lao động cũng rất bấp bênh.
Nhức nhối nạn ‘cò ngư phủ’
Để có lao động đi biển dài ngày, nhiều chủ tàu ở Kiên Giang phải ứng cho ‘cò ngư phủ’ hàng chục triệu đồng/lao động, trả tiền môi giới cho ‘cò’… nhưng chất lượng lao động cũng rất bấp bênh.
Nhiều chủ tàu cá ở Kiên Giang phản ánh bị mất tiền do nạn “cò ngư phủ” ẢNH: MINH KHOA
Trao đổi với PV, các chủ tàu cá ở TP.Rạch Giá (Kiên Giang) đều nói họ không biết hiện tượng “cò ngư phủ” xuất hiện từ khi nào, nhưng hiện nay đã trở nên phổ biến. “Cò” ép lao động, cấu kết với một số ngư phủ lừa tiền của các chủ tàu cá, nhất là những tàu khai thác đánh bắt xa bờ cần lao động đi biển dài ngày, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Không qua “cò”, không có lao động
Có thâm niên nghề cá hàng chục năm qua với 4 cặp tàu khai thác đánh bắt xa bờ, ông Nguyễn Thanh Hải (ngụ đường Đinh Tiên Hoàng, TP.Rạch Giá) cho biết thực tế ngư phủ đi biển ở Kiên Giang không thiếu, nhưng khi vào con nước chuẩn bị ra khơi thì thiếu trầm trọng do bị các tay “cò” thao túng. “Chủ tàu không thể trực tiếp thuê mướn lao động mà phải thông qua cò, muốn bao nhiêu ngư phủ cũng có. Cò ra giá bao nhiêu thì chủ tàu cá phải chấp nhận tạm ứng trước bấy nhiêu, nếu không đồng ý sẽ không có ngư phủ ra khơi”, ông Hải nói.
Theo tìm hiểu của PV, tại TP.Rạch Giá hiện có khoảng 20 “cò ngư phủ” hoạt động. “Cò” nắm rất kỹ và chính xác số lượng tàu cá công suất lớn trên địa bàn, cần bao nhiêu lao động cho mỗi chuyến đi biển. Trước khi vào con nước, tàu chuẩn bị ra khơi hoạt động, các “cò” trực tiếp gặp chủ tàu đặt vấn đề cung cấp lao động đi biển với giá tạm ứng khá cao, từ 18 – 20 triệu đồng/người/chuyến đi 3 tháng. Nếu chủ phương tiện không chấp thuận mức giá này thì đồng nghĩa với việc tàu cá không có lao động để ra khơi, bởi “cò” thao túng, ép ngư phủ đi tàu nào thì phải đi tàu đó.
Ông Lại Ấn (ngụ đường Lê Thị Hồng Gấm, TP.Rạch Giá) có 5 tàu cá hành nghề lưới rê, bức xúc cho biết: “Lao động biển không thiếu, tôi trực tiếp gặp ngư phủ để thương lượng nhưng họ không dám ký kết xuống tàu mà buộc phải thông qua cò. Thỏa thuận đi chuyến biển 3 tháng, cò ra giá tạm ứng 18 – 20 triệu đồng/người. Mình đưa tiền cho cò, cò sẽ phân phối cho ngư phủ, đồng thời còn lấy hoa hồng của chủ tàu cá 1 triệu đồng/người. Việc này cứ thường xuyên xảy ra hết chuyến này đến chuyến biển kế tiếp”.
Chủ tàu thiệt hại đủ đường
Theo nhiều chủ tàu cá, một phương tiện đánh bắt xa bờ ra khơi cần ít nhất 10 ngư phủ trên tàu nên số tiền tạm ứng cho “cò ngư phủ” từ 180 – 200 triệu đồng, nhưng thực tế nhiều chủ tàu đã bị lừa, tiền mất tật mang. Ông Ấn cho biết thêm khi nhận tiền tạm ứng, “cò” cam kết ngư phủ làm 3 tháng, tuy nhiên khi ra biển 10 – 20 ngày thì ngư phủ quyết liệt đòi về với nhiều lý do như: ông, bà, cha, mẹ, vợ, con đang bị bệnh; doạ nhảy xuống biển, không chịu lao động, gây sự đánh nhau… buộc lòng thuyền trưởng phải giải quyết cho họ sang tàu khác trở về. Hệ luỵ là chủ tàu vừa mất tiền tạm ứng trước đó, vừa thiếu lao động trên tàu nên khai thác, đánh bắt kém hiệu quả. Bức xúc hơn, cùng thời điểm một chuyến biển nhưng “cò” liên hệ với nhiều chủ tàu khác nhau và khi tới ngày xuất bến thì không có ngư phủ, tàu buộc phải nằm bờ để tìm kiếm lao động khác thay thế. “Trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tôi đã bị lừa mất hàng trăm triệu đồng”, ông Ẩn bức xúc.
Lao động nghề cá tại Cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang
Ông Dương Thế Dẫn (ngụ đường Phan Đình Phùng, TP.Rạch Giá) phản ánh gia đình ông có 4 tàu cá, bị “cò” cấu kết ngư phủ lừa đảo lấy tiền tạm ứng triền miên. “Tàu ra khơi có ký hợp đồng cụ thể rõ ràng với lao động biển, có tạm ứng tiền cho ngư phủ cùng ký nhận. Mỗi chuyến biển ít thì vài chục triệu, nhiều thì vài trăm triệu đồng. Nhưng tình trạng lừa gạt tiền giống như căn bệnh nan y khó chữa”, ông Dẫn nói và cho biết thêm ông cùng nhiều chủ tàu khác bị lừa đã tới trình báo cơ quan chức năng địa phương.
Cần mạnh tay xử lý “cò”
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Rạch Giá, nhìn nhận tình hình lao động nghề cá hiện nay không thiếu nhưng bất ổn, chủ tàu đối mặt với rủi ro rất cao do bị “cò” cấu kết lao động lừa gạt. “Vấn đề này mấy năm trước có xảy ra nhưng chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, hiện nay đã bùng phát mạnh với thủ đoạn tinh vi và ngày càng chặt chẽ. Nhiều chủ tàu cá do không có lao động biển đã bỏ lỡ nhiều chuyến ra khơi, thiệt hại ghê gớm”, ông Ngữ nói.
Ông Ngữ nhấn mạnh Hội Nghề cá TP.Rạch Giá đã kiến nghị các cấp chính quyền có giải pháp ngăn chặn “cò”, giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn về lao động biển, hạn chế rủi ro. “Chính quyền địa phương cần có biện pháp mạnh tay, quyết liệt trong quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối tượng “cò ngư phủ”, đồng thời kiên quyết xử lý những ngư phủ có hành vi lừa đảo và buộc bồi thường thiệt hại cho chủ tàu cá. Cùng với đó, có giải pháp kêu gọi tập hợp các “cò” thành lập dịch vụ cung ứng lao động hoạt động hợp pháp thông qua tổ chức công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội nông dân… để phục vụ lao động biển cho bà con ngư dân”, ông Ngữ khuyến cáo.
MINH KHOA