26/12/2024

Tiền ảo thách thức pháp luật

Bất chấp những hệ lụy sau nghi án hàng chục ngàn nhà đầu tư bị lừa hơn 15.000 tỉ đồng liên quan tiền ảo iFan, trên thị trường các công ty, nhóm kinh doanh tiền ảo vẫn rầm rộ tổ chức các buổi giới thiệu, kêu gọi đầu tư tiền ảo như thách thức pháp luật.

 

Tiền ảo thách thức pháp luật

Bất chấp những hệ lụy sau nghi án hàng chục ngàn nhà đầu tư bị lừa hơn 15.000 tỉ đồng liên quan tiền ảo iFan, trên thị trường các công ty, nhóm kinh doanh tiền ảo vẫn rầm rộ tổ chức các buổi giới thiệu, kêu gọi đầu tư tiền ảo như thách thức pháp luật.
 
 
 
 

Ông Jan M.Pasboel (trái) trong buổi kêu gọi đầu tư tại một trung tâm hội nghị ở TP.HCM ngày 15.4	
 /// Ảnh: Hiếu - Nguyên

Ông Jan M.Pasboel (trái) trong buổi kêu gọi đầu tư tại một trung tâm hội nghị ở TP.HCM ngày 15.4    ẢNH: HIẾU – NGUYÊN

 
Qua sự giới thiệu của bà N., một nhà đầu tư (NĐT) tiền ảo, PV Thanh Niên tham dự buổi kêu gọi đầu tư vào GCC coin ở một trung tâm hội nghị trên đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình (TP.HCM).
 
Trước khi đi, bà N. nhiều lần cảnh báo PV phải đến sớm vì buổi kêu gọi này có ông Jan M.Pasboel, người sáng lập và là chủ tịch GCC Group, từ Ba Lan qua dự nên sẽ rất đông. “Trước đó, Jan M.Pasboel đã tổ chức buổi gặp mặt NĐT ở Hà Nội với hàng ngàn người tham gia”, bà N. nói.
 
Ngành công nghiệp hàng trăm ngàn tỉ USD !
Đầu giờ chiều một ngày giữa tháng 4, khi PV tới trung tâm hội nghị, khán phòng đã chật kín người. Trên màn hình ở sân khấu đang trình chiếu một video của VTV nói về lợi ích công nghệ in 3D. Phía dưới sân khấu, một máy in 3D đang in một vật dụng bằng nhựa.
 
Kéo tôi tới hàng ghế dành cho NĐT sát sân khấu, bà N. chỉ vào một phụ nữ ngoài 50 giới thiệu: “Đây là chị C. ở Đà Nẵng mới vô. Chị C. đầu tư mua cả chục đồng coin đủ các sàn mà giờ phải qua đây chơi là em biết rồi đó. Chị mới ở Thái Lan về tuần trước cũng tham dự hội nghị của GCC Group. Sang đó mới biết họ làm hoành tráng lắm”.
 
Tiếp lời, bà C. cho hay đã bỏ hơn 200 triệu đồng để mua các gói đầu tư của GCC Group dù đây là lần đầu tiên tham dự hội nghị của GCC. Tương tự, bà N. khoe cũng chi hơn 100 triệu đồng mua mấy gói ở đây. “Tập đoàn này có tới 24 dịch vụ tha hồ đầu tư. GCC có nhiều sản phẩm lắm nhưng thế mạnh vẫn là máy in công nghệ 3D có thể in mọi thứ từ nhà cửa, xe cộ, thậm chí sẽ in một toà lâu đài cao 60 tầng ở Dubai”, bà N. quảng bá.
 
Trên sân khấu, trong phần mở đầu giới thiệu về GCC, ông T.M.L – một trong những lãnh đạo của GCC Group tại VN, cho hay thế giới đang ở trong cuộc cách mạng 4.0 và không ai khác ngoài GCC Group đang dẫn đầu cuộc cách mạng này. “Trong 10 – 20 năm tới, công nghệ in 3D sẽ “hot” nhất, nổi bật nhất và ai nắm bắt được nó sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Công nghệ in 3D đang bùng nổ trên thế giới, hiện có tốc độ phát triển 25%/năm. Các chuyên gia dự đoán trong vài năm tới công nghệ này sẽ phát triển tốc độ 500%, thậm chí 1.000 %/năm và sẽ là ngành công nghiệp hàng nghìn hay hàng trăm nghìn tỉ USD”, ông L. nói và cho hay GCC Group không sản xuất máy in 3D nhưng đã hợp tác với 15 hãng sản xuất, 5 năm qua phổ cập công nghệ in 3D cho 160 nước. Ngoài ra, GCC Group còn giới thiệu sản xuất ví trữ lạnh dùng để chứa đồng coin, sản phẩm làm đẹp. Đặc biệt, GCC Group giới thiệu sáng chế ra sim điện thoại thương hiệu GCC gọi được 165 quốc gia với cước phí thấp nhất thế giới.
 
Để trấn an NĐT trước làn sóng hoang mang về “đa cấp tiền ảo” những ngày qua sau vụ iFan, ông L. khẳng định GCC không phải là công ty đa cấp, cũng không đi bán tiền ảo như những công ty khác mà đây là công ty công nghệ và dịch vụ. Thế nhưng cũng chính ông này sau đó phát biểu: “Điều chúng ta phải tự hào là thế giới có trên 1.600 đồng coin nhưng chưa đồng nào có văn phòng đại diện đặt ở Liên minh Châu Âu như chúng ta”.
 
Lộ “chân tướng” kinh doanh tiền ảo
Dù trên sân khấu chính, các “diễn giả” khẳng định không kinh doanh tiền ảo, nhưng ngay trong khuôn viên hội nghị, NĐT được tách ra từng nhóm để tư vấn mua coin GCC.
 
Tư vấn cho PV là bà H., một trong những thành viên mạng lưới GCC ở miền Nam. Bà này vào thẳng vấn đề, giới thiệu GCC Group có rất nhiều gói đầu tư, từ gói nhỏ nhất 88 EUR tới gói lớn nhất là 3.843 EUR, tùy theo túi tiền và mục đích của NĐT. “GCC Group có quá nhiều dịch vụ nhưng quan trọng nhất để chúng ta có giàu hay không chính là đồng coin. Tuy nhiên, khi chúng ta học (dự hội nghị – PV) vì tế nhị và vi phạm pháp luật nên kể cả ông chủ tịch đều không nhắc tới tiền ảo, song anh muốn sở hữu bao nhiêu coin cũng được”, bà H. nói và đưa ra các mốc thời gian để hối thúc NĐT bỏ tiền ra mua coin: sở hữu coin GCC trước ngày 18.4.2018 sẽ được trả lợi nhuận 20%/năm, còn từ ngày 18.4.2018 đến 18.4.2019 lợi nhuận giảm còn 18%/năm, năm sau nữa lợi nhuận giảm còn 16%/năm…
 
Nghe khách trình bày có ý định sở hữu 24 dịch vụ của GCC để vừa đầu tư vừa làm hệ thống, bà H. cho hay sẽ phải đạt 2.888 PCV (điểm). Cụ thể, NĐT phải mua gói 2.388 EUR (tương đương 1.288 PCV). Sau khi mua xong được tặng một máy in 3D in được 4 chất liệu: cao su dẻo, nhựa, thủy tinh và gỗ, ngoài ra còn được tặng khoảng 37.000 coin GCC (hiện giá coin GCC trên sàn có giá 0,003932 USD, xếp hạng ngoài 700, gần cuối bảng xếp hạng – PV). “Sau này giá coin GCC tăng 1 USD/coin thì NĐT tự nhiên có 37.000 USD, nếu tăng 10 USD thì có 370.000 USD. Ngoài ra, hằng tháng NĐT còn được hưởng hoa hồng thụ động tức là lợi nhuận phát sinh từ dịch vụ của GCC. Muốn giàu thì phải tìm cách sở hữu càng nhiều coin GCC càng tốt khi tiền ảo này đang được chào bán khá rẻ”, bà H. thúc giục. Theo bà này, để đạt được số điểm 2.888 PCV, NĐT phải mua nhiều gói khác như sim điện thoại, ví lạnh, dịch vụ làm đẹp… tổng cộng khoảng 200 triệu đồng. Nhưng gói lớn nhất ở GCC chính là gói “full” (đầy đủ) dịch vụ đòi hỏi tổng số điểm là 6.888 PCV.
 
Ngoài lợi nhuận khi coin GCC tăng giá, bà H. còn cho biết nếu giới thiệu thêm người chơi, NĐT sẽ được hưởng 20% gói đầu tư của người mới. Ngoài ra GCC áp dụng rất nhiều chính sách hoa hồng như 20% hoa hồng kênh nhánh, 20% tiền thưởng, 3% thưởng cho nhánh F2, 2% cho nhánh F3, hoa hồng thặng dư… “Mỗi tháng tôi nhận trung bình 3.000 – 5.000 USD cả lợi nhuận đầu tư lẫn hoa hồng giới thiệu, hỗ trợ người chơi mới”, bà H. nói.
 
“Chính sách của tập đoàn GCC không nói về đồng coin nhưng thực tế xoáy sâu khai thác nhà đầu tư mua coin. Nếu anh cần cứ gặp, tôi sẽ tư vấn để anh an tâm đổ tiền mua mã nào. Bỏ tiền mua các gói đầu tư thì phải tạo tài khoản dựa trên những thông tin số CMND, số điện thoại và email của nhà đầu tư. Sau khi có tài khoản, anh sẽ nhận mọi thông tin của GCC gửi qua email. Có nhiều cách để mua các gói đầu tư: dùng bitcoin để mua hàng, còn không có thể đổi ra tiền EUR để mua”, bà H. “chốt”.
 
Nhiều người sắp thành triệu phú, tỉ phú USD !
Trong buổi kêu gọi đầu tư, khi được mời lên phát biểu cảm tưởng, ông P.H.T, người được giới thiệu đứng đầu GCC Group tại VN, cho biết mục tiêu của ông là trong 7 tháng tới sẽ xây 2 tòa nhà (ở Hà Nội, TP.HCM) cao nhất VN. Ngoài ra sẽ xây dựng 2 trường đại học mời các doanh nhân nổi tiếng nhất nước về giảng dạy mà không lấy học phí. “Ngài chủ tịch Jan M.Pasboel rất ủng hộ nên tôi sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch này. Sau này cộng đồng GCC có người thành triệu phú, tỉ phú USD sẽ cùng tôi xây dựng 2 tòa nhà cao nhất VN chứ không để rơi vào tay nước ngoài”, ông T. “nổ”.
 
Đáng lưu ý, khi giới thiệu về GCC Group, ông T.M.L khẳng định công ty này được Tập đoàn Deloitte kiểm toán và “đây là minh chứng hùng hồn nhất chứng minh GCC làm ăn đàng hoàng. Bởi nếu doanh nghiệp nào làm ăn giả dối, phi pháp, trốn thuế hay kinh doanh 6 tháng rồi đóng cửa thì sẽ không bao giờ được Deloitte kiểm toán”. Thế nhưng, đại diện truyền thông của Deloitte VN ngày 23.4 khẳng định Deloitte VN không liên quan đến GCC. Vị này cũng cho biết Deloitte VN đã gửi thông tin PV Thanh Niên cung cấp qua cho Deloitte Ba Lan và nhận được câu trả lời ban đầu là Deloitte Ba Lan không kiểm toán cho GCC Group.
 
Tương tự, tại buổi kêu gọi, một người tự giới thiệu tên Trung từng là trưởng khoa tiếng Anh của Đại học Ngân hàng (?!), sau đó chuyển qua kinh doanh rồi làm cho một số công ty đa cấp. Ông Trung tự nhận mình là “đa cấp chúa” và quyết tâm đồng hành với GCC. PV Thanh Niên đã gửi clip, hình ảnh người tên Trung này đến Trường đại học Ngân hàng TP.HCM để xác minh và lãnh đạo trường này khẳng định từ trước đến nay không có ai tên Trung làm trưởng khoa tiếng Anh.
 

Núp bóng hợp đồng hợp tác đầu t
Cùng trong tháng 4.2018, PV Thanh Niên xâm nhập một đường dây kinh doanh tiền ảo VNDS quy mô lớn, với hình thức huy động vốn tương tự tiền ảo iFan.
 
Theo PV tìm hiểu, trung tuần tháng 3.2018, Công ty CP quản lý tài sản số (DAMH – được thành lập bởi 4 cổ đông: Công ty CP điện tử V., Công ty CP Tr.P, Công ty CP đầu tư H., Công ty CP đầu tư và phát triển D.) ra mắt dự án VNDC – tài sản số (digital asset), sau đó phát hành tiền ảo VNDS nhằm huy động vốn thực hiện VNDC với giá khởi điểm 1.500 đồng/đơn vị tiền ảo, đến nay tự tăng lên 2.000 đồng/đơn vị tiền ảo.
 
Tại buổi ra mắt dự án tổ chức rầm rộ ở một trung tâm trên địa bàn Q.Phú Nhuận (TP.HCM) với sự tham gia của hàng trăm NĐT, các diễn giả của DAMH cho biết VNDC là một loại tài sản số được phát hành trên nền tảng blockchain và được đảm bảo bằng đồng tiền pháp định VN (VNĐ). Giá trị của VNDC luôn ngang giá với VNĐ (!?), được ký quỹ tại ngân hàng đối tác. Người dùng có thể thuê VNDC làm công cụ để đầu tư, giao dịch, chuyển nhượng các khoản vay…; đồng thời có thể kết thúc hợp đồng thuê VNDC với DAMH (đơn vị chủ quản dự án) với tỷ giá không đổi là 1 VNDC = 1 VNĐ vào bất cứ thời điểm nào. Trước mắt, người dùng có thể sử dụng VNDC để trao đổi, giao dịch, chuyển nhượng các tài sản số trên sàn http://trustdex.io và các sàn quốc tế khác mà không cần quy đổi từ VNĐ ra USDT (một loại tiền được quy đổi từ USD, VNĐ để mua tiền ảo trên sàn quốc tế), giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch và chuyển đổi ngoại tệ (!?). Ngoài ra, trong giai đoạn gọi vốn cộng đồng từ tháng 3 – 5.2018, NĐT cá nhân có thể rót vốn vào VNDC theo hình thức mua tiền ảo VNDS. Dự kiến có 300 triệu VNDS được phát hành với giá từ 1.500 – 8.000 đồng mỗi đơn vị, chia thành nhiều đợt.
 
Theo DAMH, VNDC chi trả lợi tức theo doanh thu chứ không trả lãi suất huy động. Khi NĐT có 10.000 VNDS sẽ nhận 36% lợi tức dự án và 4% hoa hồng doanh thu từ các khách hàng mình giới thiệu…
 
Trưa 24.4, qua tổng đài của DAMH giới thiệu, PV Thanh Niên gặp N.T.T, nhân viên DAMH và Công ty CP điện tử V. (trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7), để tìm hiểu tiền ảo VNDS. Theo T., hiện DAMH bán VNDS online hoặc đến trực tiếp công ty sẽ có hợp đồng mua bán, đóng dấu đỏ. Trước khi đầu tư, T. nhấn mạnh VNDS là tiền ảo góp vốn vào dự án VNDC. “DAMH sẽ phát hành 300 triệu đơn vị tiền ảo, trong đó 120 triệu dành cho 4 cổ đông sáng lập DAMH, số còn lại kêu gọi NĐT ở ngoài tham gia. Dự kiến tháng 6.2018 VNDS sẽ chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán (!?)”, T. nói.
 
Trả lời câu hỏi khi giới thiệu NĐT tham gia thì có được hưởng hoa hồng hay không, T. cho biết phải mua từ 10.000 VNDS trở lên thì khi giới thiệu mới được hưởng 10% tổng số tiền NĐT mua tiền ảo, với điều kiện NĐT đó phải đăng ký mở tài khoản trên đường link của người giới thiệu gửi.
 
Trong quá trình tư vấn, T. có sẵn mẫu hợp đồng hợp tác đầu tư đưa chúng tôi điền thông tin mua VNDS. Nội dung hợp đồng ghi rõ bên nhận góp vốn là Công ty CP điện tử V. (trụ sở trên đường Xuân Hòa, P.7, Q.5 và văn phòng tại khu dân cư Kim Sơn, đường Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Phong, Q.7) do ông N.V.L làm chủ tịch HĐQT. NĐT mua cổ phần điện tử (tức tiền ảo VNDS) để góp vốn thực hiện các dự án VNDC. Sau khi nhận được VNDS, NĐT có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng VNDS có thể thực hiện giao dịch trên website http://vndc.io hoặc http://trustdex.io hoặc sàn chứng khoán (!?)…
 
Ngoài VNDS, T. còn tranh thủ giới thiệu tiền ảo BDS “đầy triển vọng của lĩnh vực bất động sản”. “Tôi đang lập website cho BDS. Tôi khuyên anh vào sớm từ đầu, giá bán BDS chỉ 1.000 đồng/đơn vị tiền ảo, chứ để lúc ra mắt sẽ tăng lên ít nhất 2.000 đồng/đơn vị tiền ảo. Tôi dự kiến phát hành 100 triệu tiền ảo BDS…”, T. chào mời.
 
 
Đàm Huy


TRUNG HIẾU – CÔNG NGUYÊN