23/01/2025

Trung Quốc sẽ đưa thêm tên lửa đến Biển Đông?

Giới chức Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ sớm điều thêm hai hệ thống tên lửa đến quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, sau khi đã chuyển chúng đến đảo Hải Nam.

 

Trung Quốc sẽ đưa thêm tên lửa đến Biển Đông?

Giới chức Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ sớm điều thêm hai hệ thống tên lửa đến quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, sau khi đã chuyển chúng đến đảo Hải Nam.




Giàn phóng tên lửa HQ-9 của Trung Quốc	 /// IHS Jane’s

Giàn phóng tên lửa HQ-9 của Trung QuốcIHS JANE’S

Ngày 24.12, một số quan chức Mỹ khẳng định với kênh Fox News rằng quân đội Trung Quốc đã vận chuyển hai hệ thống tên lửa đất đối không CSA-6b và HQ-9 tới đảo Hải Nam. Theo những quan chức này, cộng đồng tình báo Mỹ dự đoán Hải Nam chỉ là nơi trú đóng “tạm thời” của các tên lửa và chúng sẽ sớm được triển khai tới các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa hoặc đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Nếu dự đoán của giới tình báo Mỹ chính xác, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai phi pháp hệ thống tên lửa đất đối không tới Trường Sa.
 
 
Tàu Liêu Ninh sẽ tập trận ở Biển Đông
Ngày 24.12, Hoàn Cầu thời báo đưa tin tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng đội khu trục hạm và chiến đấu cơ đa nhiệm J-15 vừa tiến hành tập trận ở Hoàng Hải. Trong đó, các chiếc J-15 cất cánh từ tàu Liêu Ninh đã diễn tập tiếp liệu trên không và tác chiến. Cũng theo Hoàn Cầu thời báo, tàu sân bay Liêu Ninh cùng đội khu trục hạm sẽ tiến hành những cuộc tập trận tương tự ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
 

Hồi tháng 2, Fox News đưa tin những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã điều HQ-9 tới Phú Lâm, làm dấy lên làn sóng lên án từ nhiều nước. Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định việc Trung Quốc bố trí tên lửa đối không tại Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Còn một số chuyên gia quốc tế cho rằng động thái triển khai tên lửa đất đối không đến Phú Lâm có thể là bước chuẩn bị để Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Theo Fox News, CSA-6b là hệ thống gồm tên lửa tầm gần với tầm bắn hơn 16 km, kết hợp với súng phòng không. Còn HQ-9 có tầm bắn tới 200 km, không những có thể bắn hạ máy bay mà còn có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo, tương tự các hệ thống S-300 của Nga và Patriot của Mỹ.
HQ-9 được cho là bộ phận đầu tiên của một hệ thống có thể tạo ra một mạng lưới “chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực” (A2/AD) ở khu vực, theo tờ The Washington Post. Nói cách khác, HQ-9 có thể kết hợp với các hệ thống khác để tạo ra một bong bóng phòng thủ trên các chuỗi đảo, khiến máy bay và tàu chiến nước khác ở vào tình thế nguy hiểm khi hoạt động tại khu vực.
Nếu Trung Quốc thật sự điều hai hệ thống tên lửa đất đối không tới Trường Sa hoặc Hoàng Sa, đây sẽ là động thái mới nhất trong số hàng loạt hành động gây quan ngại của Bắc Kinh ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Mới đây nhất, ngày 22.12, Trung Quốc bắt đầu mở đường bay dân dụng phi pháp tới Phú Lâm.
Hồi tuần rồi, Trung Quốc bị Mỹ tố thu giữ trái phép thiết bị lặn tự hành ở Biển Đông. Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố báo cáo cho thấy Bắc Kinh đã lắp đặt các hệ thống vũ khí quy mô trên cả 7 đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.

 

Văn Khoa