24/12/2024

Vào đại học dễ hơn cao đẳng, cao đẳng sẽ “sống mòn”?

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 của Bộ GD-ĐT với nhiều điểm “thả” tối đa so với năm trước khiến các trường CĐ như ngồi trên lửa.

 

Vào đại học dễ hơn cao đẳng, cao đẳng sẽ “sống mòn”?

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 của Bộ GD-ĐT với nhiều điểm “thả” tối đa so với năm trước khiến các trường CĐ như ngồi trên lửa.

 

 

Vào đại học dễ hơn cao đẳng, cao đẳng sẽ "sống mòn"?
Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 của Bộ GD-ĐT với nhiều điểm “thả” tối đa so với năm trước khiến các trường CĐ như ngồi trên lửa. Trong ảnh: thí sinh xem sơ đồ hướng dẫn vào phòng thi tại cụm thi Trường ĐH Sài Gòn năm 2016 – Ảnh: HỮU KHOA

Theo dự thảo này của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường đăng ký xét tuyển; bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường có thể xét tuyển nhiều đợt trong năm (không giới hạn thời gian như năm trước).

Đối với hình thức xét tuyển bằng học bạ THPT, dự thảo cũng bỏ luôn quy định điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển, hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với bậc ĐH.

Như vậy, chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể xét tuyển vào rất nhiều trường ĐH.

“Việc Bộ GD-ĐT thả cửa cho trường ĐH, Bộ LĐ-TB&XH lại đặt ra rất nhiều quy định giới hạn nguồn tuyển bậc CĐ là vô lý. Khó khăn của các trường CĐ sẽ thêm chồng chất, khi tâm lý chuộng bằng ĐH vẫn hiện hữu trong xã hội.

Với thí sinh trúng tuyển vào trường, khoảng 30% có điểm thi trên điểm sàn ĐH, còn lại là dưới. Việc bỏ điểm sàn ĐH, liệu còn bao nhiêu thí sinh chịu xét tuyển vào trường CĐ?

Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM

Vào ĐH dễ hơn CĐ!

Năm 2016 chứng kiến một mùa tuyển sinh thất bát của rất nhiều trường CĐ so với các năm trước.

Với dự thảo mới của Bộ GD-ĐT về phương án tuyển sinh ĐH 2017, đại diện nhiều trường CĐ (nay thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH) cho biết rất lo lắng cho mùa tuyển sinh ảm đạm trong năm tới.

Điều bất hợp lý trong việc tuyển sinh năm 2017 (căn cứ trên dự thảo của hai bộ) là việc “tháo khoán” cho trường ĐH, trong khi lại “giăng rào” lớp lớp cho trường CĐ, dẫn tới việc trúng tuyển vào trường CĐ còn khó hơn ĐH!

TS Hồ Ngọc Tiến – hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex TP.HCM – lo lắng với dự thảo này của Bộ GD-ĐT, nếu thực hiện sẽ gây khó khăn rất lớn cho các trường CĐ về mặt nguồn tuyển.

“Những năm trước, Bộ GD-ĐT còn quản lý trường CĐ nên các quyết sách còn chia ra phân khúc này nọ.

Năm nay dự thảo mới của Bộ GD-ĐT thả tối đa cho các trường ĐH như vậy, các trường CĐ sẽ rất khó để tuyển sinh. Trước đây, các trường ĐH dù có muốn nhưng còn bị giới hạn một số yêu cầu về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, hay xét học bạ phải 6,0.

Năm nay bộ bỏ hết những điều này, việc vào ĐH còn dễ hơn vào CĐ, khi dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH đặt ra rất nhiều rào cản cho trường CĐ như đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; với xét học bạ THPT, điểm bình quân phải đạt 5,5”.

Cùng quan điểm này, ông Trần Mạnh Thành – phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt – bày tỏ: “Năm tới chắc sẽ có nhiều trường CĐ không tuyển được thí sinh, do nguồn tuyển đã bị các trường ĐH vét hết.

Dự thảo mới của Bộ GD-ĐT gỡ bỏ rất nhiều rào cản cho các trường ĐH như điểm sàn, điểm 6,0 khi xét học bạ…

Thậm chí, Bộ GD-ĐT còn không kiểm soát chỉ tiêu nữa, mà chỉ kiểm soát tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu ra. Như vậy, các trường ĐH sẽ tuyển rất thoải mái, bao nhiêu điểm cũng có thể vào ĐH được.

Bên cạnh đó, thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng, như thế xác suất trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1 của thí sinh là rất lớn.

Hơn nữa, khung trình độ quốc gia mới ban hành cho thấy thời gian đào tạo ĐH từ 3-4 năm, CĐ từ 2-3 năm. Như vậy, thời gian học ĐH cũng tương tự như CĐ, việc trúng tuyển ĐH lại quá dễ thì còn mấy ai học CĐ nữa”.

Vào đại học dễ hơn cao đẳng, cao đẳng sẽ "sống mòn"?
Sinh viên Trường CĐ Bách Việt trong giờ thực hành – Ảnh: M.G.

Nhiều lo ngại

Theo đại diện nhiều trường CĐ, việc thả cửa tuyển sinh ĐH như thế không chỉ gây mất cân đối giữa các bậc học, đẩy trường CĐ vào tình trạng “sống mòn”, mà còn phá vỡ quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục, mất cân đối nguồn nhân lực và nhiều hệ quả khác.

Đó là chưa kể những rắc rối về mặt kỹ thuật khi trường CĐ xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.

Ông Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM – cho rằng: “Chủ trương của Đảng, Nhà nước là tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, để lấy lại sự hợp lý trong cơ cấu nhân lực.

Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 30% số học sinh THPT vào học nghề.

Do vậy, việc dự thảo tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn, chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện vào ĐH, đã đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay; phá vỡ định hướng phân luồng người học vào học nghề; làm nặng nề tâm lý và nhận thức về bằng cấp trong xã hội; phá vỡ quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, làm trầm trọng thêm cơ cấu nhân lực đang bất cập hiện nay”.

Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại việc thả cửa ĐH cũng có thể sẽ khiến người học phải trả giá bởi quy luật đào thải của xã hội.

“Các trường ĐH tuyển sinh thoải mái đầu vào như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, nếu họ không thực sự tâm huyết. Xã hội sẽ cần có thời gian để thẩm định và đào thải những trường kém chất lượng, nhưng tới lúc đó biết bao nhiêu sinh viên và gia đình phải gánh chịu hậu quả.

Đó là một thiệt hại rất lớn, không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần và tâm lý người học” – ông Trần Mạnh Thành nhấn mạnh.

Cũng với tâm tư này, bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn, bày tỏ: “Thí sinh và gia đình phải hết sức tỉnh táo khi chọn trường, không vào ĐH bằng mọi giá. Nếu thả đầu vào mà các trường không tự quản lý chất lượng đào tạo, sẽ khiến uy tín của trường bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, sinh viên sẽ phải đánh đổi bằng cả đời mình.

Do vậy, bên cạnh việc thí sinh phải tỉnh táo chọn trường, các trường cũng phải làm giáo dục có lương tâm, chứ không phải thả đầu vào rồi tuyển vô tội vạ, bỏ mặc chất lượng”.

Chia sẻ dữ liệu thế nào?

Bên cạnh việc tuyển sinh khó khăn, điều khiến nhiều trường CĐ lo lắng là việc chia sẻ dữ liệu thế nào giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH, khi các trường CĐ xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.

“Việc tổ chức thi THPT quốc gia và cấp giấy chứng nhận, quản lý mã vạch do Bộ GD-ĐT thực hiện. Như vậy, khi thí sinh xét tuyển vào CĐ bằng kết quả thi THPT quốc gia, dữ liệu sẽ được chia sẻ thế nào?

Đó là chưa kể dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH còn cho thí sinh rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng, các trường phải cập nhật dữ liệu xét tuyển ba ngày một lần, trong khi cơ chế chia sẻ dữ liệu chưa có.

Những thông tin nói trên đến thời điểm này vẫn chưa rõ ràng, khiến trường chưa thể công bố thông tin tuyển sinh 2017 dù rất muốn” – trưởng phòng đào tạo một trường CĐ cho hay.

MINH GIẢNG