ĐH Quốc gia TP.HCM: Sẽ có trường thành viên thi đánh giá năng lực
ĐH Quốc gia TP.HCM đã chính thức thông qua phương án tuyển sinh năm 2017, theo hướng thử nghiệm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ở một số trường thành viên. Thí sinh có thể xét tuyển vào ĐH này bằng nhiều phương thức.
ĐH Quốc gia TP.HCM: Sẽ có trường thành viên thi đánh giá năng lực
ĐH Quốc gia TP.HCM đã chính thức thông qua phương án tuyển sinh năm 2017, theo hướng thử nghiệm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ở một số trường thành viên. Thí sinh có thể xét tuyển vào ĐH này bằng nhiều phương thức.
Thông tin này được đưa ra trong cuộc họp tổng kết công tác tuyển sinh 2016 và bàn phương hướng tuyển sinh 2017, do ĐH này tổ chức chiều 20.12.
Theo PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm 2017 vẫn tiếp tục duy trì điều kiện sơ tuyển dành cho thí sinh (TS) xét tuyển vào ĐH này gồm: tốt nghiệp THPT và có điểm trung bình 3 năm học (lớp 10, 11 và 12) từ 6,5 điểm trở lên với bậc ĐH và từ 6 điểm trở lên với bậc CĐ. Xét tuyển dựa trên 4 phương thức, trong đó xét tuyển thẳng TS theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, dự kiến là 5% chỉ tiêu ngành hoặc nhóm ngành. Điều kiện và thời gian xét tuyển theo đúng kế hoạch tuyển sinh của Bộ.
Bên cạnh đó, ĐH này vẫn tiếp tục sử dụng phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT chuyên, năng khiếu trên toàn quốc với chỉ tiêu dự kiến khoảng 10 – 15% mỗi ngành hoặc nhóm ngành.
Ngoài ra, sẽ thử nghiệm xét tuyển TS từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do chính ĐH này tổ chức ở một số đơn vị. Tuy nhiên, phương án xét tuyển chính dành cho 80 – 85% chỉ tiêu các ngành mà ĐH này áp dụng là dựa trên kết quả thi THPT quốc gia 2017.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH này, khẳng định năm tới chưa tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong toàn hệ thống, chỉ triển khai thí điểm tại một vài trường thành viên. “Kỳ thi đánh giá năng lực không phải điều kiện tiên quyết để xét tuyển vào các trường mà chỉ thêm một cơ hội xét tuyển cho TS bên cạnh phương thức xét tuyển truyền thống. Chỉ tiêu dự kiến để xét tuyển kết quả kỳ thi này tối đa 20% cho các ngành áp dụng”, tiến sĩ Nghĩa nói.
TIN LIÊN QUAN
ĐH Quốc gia TP.HCM công bố phương án tuyển sinh 2017
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển sinh bằng nhiều phương thức, trong đó có thí điểm tổ chức thi đánh giá năng lực ở một vài đơn vị thành viên.
Thí điểm thi đánh giá năng lực sau thi THPT
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết theo đề án đang xây dựng thi đánh giá năng lực, bài thi này gồm phần tự luận (thi 30 phút) và 100 câu trắc nghiệm (thi 150 phút). Câu hỏi được ra trong kỳ thi đánh giá năng lực này không lặp lại nội dung trong kỳ thi THPT quốc gia. Đề đã có đầy đủ dữ liệu kiến thức, TS chỉ xử lý dữ liệu này bằng năng lực của mình. Nội dung kỳ thi cũng có thể theo dạng thức kỳ thi SAT của Mỹ.
Còn theo tiến sĩ Nghĩa, dự kiến kỳ thi này tổ chức sau kỳ thi THPT quốc gia khoảng 10 ngày. TS có thể thực hiện xét tuyển vào ĐH này bằng nhiều phương thức nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện sơ tuyển tối thiểu về điểm học bạ. Việc thí điểm thi đánh giá năng lực sẽ tổ chức tại trường thành viên nào, hiện ĐH Quốc gia đang bàn tính thật kỹ lưỡng và sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.
Thông tin thêm về kế hoạch tuyển sinh, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết tổng chỉ tiêu dự kiến toàn hệ thống khoảng 13.000 và vẫn duy trì tuyển sinh bậc CĐ tại 2 trường thành viên (Khoa học tự nhiên và Bách khoa).
Mở rộng xét tuyển học sinh giỏi
Điều kiện xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT chuyên, năng khiếu trên toàn quốc như sau: TS phải tốt nghiệp THPT năm 2017, đạt danh hiệu học sinh giỏi trong năm lớp 10, 11 và 12 hoặc là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh thành tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Ngoài ra, TS phải có hạnh kiểm tốt trong 3 năm học phổ thông. Tuy nhiên, ĐH này chỉ áp dụng một lần việc tuyển thẳng vào đúng năm học TS tốt nghiệp và TS chỉ được đăng ký ưu tiên xét tuyển vào một ngành của một đơn vị thành viên. Thời gian nhận hồ sơ dự kiến từ ngày 15.5 – 15.6.2017.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, năm 2016 chỉ tiêu xét tuyển thẳng mà ĐH này đặt ra là 10% tổng chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển chưa tới 4%. Không chỉ đối tượng này mà cả TS đoạt giải kỳ thi Olympic quốc tế vào ĐH Quốc gia TP.HCM các năm qua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phân tích nguyên nhân, ông Nghĩa cho rằng có thể do đối tượng này có nhiều lựa chọn khác nhau và thông tin tuyển thẳng chưa được phổ biến rộng tới TS.
TIN LIÊN QUAN
Tuyển sinh ĐH 2017: Bỏ điểm ‘sàn’ đại học
* Không giới hạn số lượng nguyện vọng Sẽ không đặt điểm ‘sàn’, không giới hạn số lượng nguyện vọng của thí sinh, đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh của các trường…
Tuy nhiên, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, nói: “Chúng tôi thấy kết quả học tập sơ bộ sau một học kỳ của TS tuyển thẳng từ các trường chuyên và năng khiếu không nổi bật hơn nhiều so với những TS trúng tuyển vào trường bằng kết quả thi THPT quốc gia với mức điểm trung bình 7 điểm/môn. Vì vậy, cần phải có cơ sở đánh giá rõ ràng hơn về chất lượng các TS này”.
Về vấn đề này, tiến sĩ Đức Nghĩa cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM đã có văn bản pháp lý từ phía các địa phương xác nhận danh sách các trường chuyên. Tuy nhiên, sẽ có đề án theo dõi riêng đối tượng sinh viên trúng tuyển bằng phương thức này sau năm thứ nhất để có kế hoạch tiếp theo.
Hà Ánh