26/12/2024

Phanh phui chiêu né thuế của Apple

Vài tuần tới, EU dự kiến công bố chi tiết cuộc điều tra vụ Apple né thuế. Apple cũng sẽ chủ động nộp đơn kháng cáo lên toà án châu Âu.

 

Phanh phui chiêu né thuế của Apple

Vài tuần tới, EU dự kiến công bố chi tiết cuộc điều tra vụ Apple né thuế. Apple cũng sẽ chủ động nộp đơn kháng cáo lên toà án châu Âu.

 

 

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (bìa trái) gặp gỡ các lãnh đạo công nghệ tại Mỹ, trong đó có giám đốc điều hành Tim Cook của Apple (thứ hai từ phải sang) tại toà nhà Trump Tower ở New York – Ảnh: Reuters

 Vụ việc đang đặt ra nhu cầu cấp thiết phải thay đổi luật thuế quốc tế liên quan tới các tập đoàn đa quốc gia.

Liên quan tới khoản truy thu thuế 14 tỉ USD của Apple, Hãng tin Bloomberg mới đây có một bài phân tích kỹ lưỡng về lực lượng đặc nhiệm đã phanh phui các chiêu trò né thuế tinh vi của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có Apple.

Đội đặc nhiệm 
chống né thuế

Maxforce – biệt danh của nhóm chuyên gia đặc biệt của EU – chính là đơn vị đã nêu ra yêu cầu Ireland phải truy thu hơn chục tỉ euro tiền thuế của Apple.

Cái “nickname” này thoạt đầu tưởng như có ý nói EU đã triển khai một lực lượng tối đa trong quá trình điều tra chống các hành vi tài chính ám muội, song trên thực tế nó chỉ đơn giản với nghĩa tổ chức này do một người tên Max đứng đầu.

Uỷ ban châu Âu đã dùng biệt danh này để gọi lực lượng đặc nhiệm về các thủ tục hoạch định cách đóng thuế (Task Force on Tax Planning Practices) nhằm tôn vinh người lãnh đạo của tổ chức này, ông Max Lienemeyer, luật sư người Đức có dáng cao gầy và phong thái luôn nhẹ nhõm.

Ông Lienemeyer bắt đầu thành lập Maxforce vào cuối mùa xuân năm 2013, với sứ mệnh được ủy thác là điều tra các chính sách thuế trên toàn châu Âu để truy lùng bất cứ dạng thức thoả thuận nào có tính chất ám muội, không công bằng.

Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2013, Maxforce đã bắt tay vào công cuộc săm soi tình trạng thuế của hàng trăm công ty trên toàn lãnh thổ châu Âu, trong đó vụ việc đáng kể nhất chính là bản thoả thuận về chính sách thuế của Apple với Ireland.

Đội ngũ các “đặc nhiệm thuế” của ông Lienemeyer, bao gồm 15 chuyên viên quốc tế, đã đeo đuổi cuộc điều tra suốt ba năm về bản thoả thuận đóng thuế ở Ireland của Apple.

Sau quãng thời gian điều tra kỳ công đó, Maxforce kết luận rằng Chính phủ Ireland đã cho phép Tập đoàn Apple của Mỹ thành lập những thực thể phi quốc gia, từ đó giúp hãng công nghệ này có quyền tự quyết việc họ đóng bao nhiêu, nói chính xác hơn là đóng ở mức thấp bao nhiêu, khoản thuế doanh nghiệp của họ.

Các nhà điều tra cho biết Apple đã điều chuyển lợi nhuận từ hàng chục nước trên thế giới về hai công ty của họ có trụ sở tại Ireland.

Trong một hệ thống mà ít nhất cũng đã có được sự ủng hộ ngấm ngầm của chính quyền Ireland, các khoản lợi nhuận của Apple được phân chia với phần lớn lợi nhuận được gán cho một “trụ sở chính” không có nhân viên và không có một địa chỉ văn phòng cụ thể.

Cũng vì thế mà không có trách nhiệm pháp lý nào trong việc đóng thuế cho bất cứ khoản lợi nhuận nào thu được từ doanh số hàng hoá bán ra bên ngoài lãnh thổ Ireland.

Trong khi đó, phía Mỹ cũng không thể thu được đồng thuế nào từ các đơn vị của Apple tại Ireland vì chúng không được hợp nhất thành một tổ chức.

Apple kiên quyết “không sai”

Mặc dù EU cho rằng mục đích của việc yêu cầu Apple phải nộp lại 14 tỉ USD thuế truy thu cho Ireland nhằm “đảm bảo sự đối xử công bằng với các công ty” trên toàn châu Âu, nhưng Apple khăng khăng cho rằng EU thực tế chỉ nhằm ứng phó riêng với họ.

Trong thông báo ngày 8-12, Apple cũng cho rằng các nhà điều tra của EU đã không hiểu gì về sự khác biệt giữa hệ thống thuế của châu Âu và Mỹ.

Apple có khoảng 6.000 nhân viên tại Ireland. Hãng này biện luận rằng các đơn vị kinh doanh tại Ireland đã thanh toán cho công ty mẹ một khoản phí bản quyền để sử dụng các tài sản trí tuệ của Apple trong các sản phẩm của họ.

Vì các công ty ở Ireland đã không sở hữu những tài sản trí tuệ của Apple, nên họ không hề nợ thuế ở Ireland. Tuy nhiên, họ sẽ đối mặt với việc phải nộp thuế tại Mỹ nếu họ muốn đưa về Mỹ những lợi nhuận phát sinh từ các công ty này.

Theo đó, dự kiến Apple phải nộp thuế với tỉ lệ 26% tổng số lợi nhuận của họ trong năm tài chính gần đây nhất. Apple cũng đã bỏ riêng ra một khoản 32 tỉ USD để thanh toán các khoản thuế tập đoàn này sẽ phải trả nếu họ đưa các lợi nhuận từ nước ngoài về lại Mỹ.

Đó là lý do Apple cho rằng vấn đề không phải là họ đóng thuế bao nhiêu, mà là việc họ đóng thuế ở đâu và khẳng định: “Chúng tôi luôn đóng thuế cho mọi khoản chúng tôi kiếm được”.

Dù vậy, Apple vẫn sẽ phải nộp tiền thuế đã bị EU yêu cầu trong vài tuần tới. Trong lúc mọi sự tranh chấp pháp lý về thuế vẫn chưa ngã ngũ, số tiền 14 tỉ USD này sẽ được tạm giữ làm bằng. Vụ việc này có thể sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể giải quyết xong.

Tháng 8-2016, EU tuyên bố Ireland đã vi phạm luật pháp châu Âu khi ký kết một thỏa thuận mờ ám có lợi cho cả hai bên với Apple. EU yêu cầu Apple phải trả lại cho Ireland khoản thuế truy thu là 13 tỉ euro (gần 14 tỉ USD) cộng thêm tiền lãi trong khoảng thời gian từ năm 2003-2014.

Ủy ban châu Âu dẫn ra một ví dụ cụ thể: năm 2011, một công ty có tên là Apple Sales International thống kê mức lợi nhuận khoảng 16 tỉ euro từ doanh số bán hàng bên ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, chỉ 50 triệu euro trong đó được xem là khoản lợi nhuận phải đóng thuế ở Ireland, còn 15,95 tỉ euro lợi nhuận còn lại không bị đánh thuế.

“Bất đồng sâu sắc”

Ngày 9-11, Ireland đã nộp đơn kháng cáo phán quyết của Uỷ ban châu Âu tại Toà sơ thẩm châu Âu ở Luxembourg, với lập luận họ không hề trao một cơ chế đối đãi đặc biệt nào với Apple.

Bộ trưởng tài chính Ireland Michael Nooman cho biết ông “bất đồng sâu sắc” với phán quyết đó và khẳng định Ireland đã luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thuế.

Sau khi EU công bố phán quyết truy thu thuế với Apple hồi tháng 8, ông Nooman nói: “Phần in chữ nhỏ trên một chiếc iPhone nói rằng nó được thiết kế tại California, được sản xuất tại Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa mọi lợi nhuận phát sinh từ sản phẩm này không phải phát sinh tại Ireland, vậy nên tôi không thấy trách nhiệm pháp lý nào về thuế tại Ireland cả”.

 

D.KIM THOA