08/01/2025

Những bước đi hoà giải trên bán đảo Triều Tiên

Tiếp nối thành công của cuộc gặp thượng đỉnh ở Bàn Môn Điếm, hôm qua cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều có những động thái hướng tới thống nhất và hoà giải hai miền.

  

Những bước đi hoà giải trên bán đảo Triều Tiên

Tiếp nối thành công của cuộc gặp thượng đỉnh ở Bàn Môn Điếm, hôm qua cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều có những động thái hướng tới thống nhất và hoà giải hai miền.
 
 
 
 
 
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này sẽ đẩy giờ lên sớm 30 phút nhằm hợp nhất múi giờ với Hàn Quốc từ ngày 5.5. Quyết định này đã được quốc hội Triều Tiên thông qua. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nhấn mạnh đây là bước thực tế đầu tiên cho sự hòa giải và thống nhất quốc gia. Trước đó, trong lần đầu gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27.4, ông Kim nói cảm thấy đau lòng khi nhìn hai chiếc đồng hồ chỉ giờ khác nhau trên bán đảo. Phía Seoul đánh giá quyết định lịch sử của Bình Nhưỡng thể hiện mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước.
 

Cũng trong hôm qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo sẽ bắt đầu dỡ bỏ loa phóng thanh tuyên truyền dọc vùng phân giới tạm hai miền trong ngày 1.5. “Chúng tôi nhận thấy đây là bước đi đầu tiên dễ dàng nhất để xây dựng niềm tin quân sự. Chúng tôi đang mong chờ động thái tương tự của Triều Tiên”, theo Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo. Quyết định của Seoul phù hợp với tuyên bố Bàn Môn Điếm được hai nhà lãnh đạo ký kết sau cuộc hội đàm, trong đó nêu rõ hai bên sẽ chấm dứt mọi hoạt động tuyên truyền chống phá lẫn nhau từ hôm nay.



Hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý khả năng tổ chức cuộc gặp với lãnh đạo Kim Jong-un tại làng Bàn Môn Điếm. Ông Trump viết trên Twitter: “Nhiều quốc gia đang được cân nhắc cho cuộc gặp, nhưng Nhà Hoà Bình/Nhà Tự do ở biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ có tính đại diện, quan trọng và trường tồn hơn lựa chọn một nước thứ ba? Chỉ gợi ý vậy thôi”.

Những tín hiệu tích cực trên góp phần tạo hy vọng về một tương lai hoà bình lâu dài giữa hai miền Triều Tiên. Tuy vậy, các nhà quan sát nhận định “quả bóng” giờ đã chuyền tới chân Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cuộc gặp lịch sử Mỹ – Triều chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra.

Hiện một trong những vấn đề được quan tâm nhất là cách thức phi hạt nhân hoá. Tuyên bố Bàn Môn Điếm không đề cập biện pháp chi tiết hay thời gian cho tiến trình này.
 
Mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ có thể cân nhắc áp dụng mô hình Libya để giải quyết vấn đề ở Triều Tiên. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm (từ 2003 – 2004), quá trình giải giới hạt nhân ở Libya hoàn tất, từ khâu thanh sát cho đến việc chuyển các thiết bị hạt nhân sang Mỹ.
 
Mặc dù vậy, việc áp dụng mô hình Libya đối với Triều Tiên được cho là khó khả thi. Thứ nhất, chương trình hạt nhân của Libya khi đó chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, trong khi Triều Tiên hiện đã đạt năng lực đáng tin cậy. Thêm vào đó, khó có khả năng Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ hoàn toàn mà không nhận được sự đảm bảo nào từ Washington như trường hợp của Tripoli trước đây.
 
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng tiến trình này càng không thể bỏ qua vai trò của Trung Quốc. Theo Reuters, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ sớm tới Triều Tiên trong ngày 2.5.
 
 
NGỌC MAI