Chủ bài mới của không quân Ấn Độ
Ấn Độ khẳng định tiêm kích Tejas có thể sánh với các chiến đấu cơ tiên tiến của phương Tây, nhưng một số chuyên gia tỏ ra chưa thật sự tin tưởng.
Chủ bài mới của không quân Ấn Độ
Ấn Độ khẳng định tiêm kích Tejas có thể sánh với các chiến đấu cơ tiên tiến của phương Tây, nhưng một số chuyên gia tỏ ra chưa thật sự tin tưởng.
Không quân Ấn Độ vừa thành lập phi đội Flying Daggers (tạm dịch: Đoản kiếm bay) gồm 2 máy bay tác chiến hạng nhẹ (LCA) dòng Tejas đầu tiên được phát triển nội địa. Tejas được xem là máy bay chiến đấu siêu thanh đa nhiệm nhỏ nhất và nhẹ nhất trong các loại LCA trên thế giới, hơn cả chiếc TA-50, vốn là một trong những niềm tự hào của không quân Hàn Quốc.
Theo tờ The Economic Times, đây là sản phẩm do Cơ quan Phát triển hàng không (ADA) hợp tác với Tập đoàn hàng không Hindustan (HAL) của Ấn Độ thiết kế, chế tạo và phát triển.
Bước ngoặt lớn
Sau lễ biên chế 2 chiếc Tejas, tờ The Indian Express bình luận rằng giấc mơ sở hữu tự sản xuất chiến đấu cơ năng lực cao của Ấn Độ đã thành sự thật, còn tờHindustan Times gọi đây là “bước ngoặt lớn” trong ngành hàng không quân sự nước này.
Tejas có chiều dài 13,2 m, sải cánh 8,2 m, trọng lượng tối đa lúc cất cánh 13,5 tấn, vận tốc tối đa 2.205 km/giờ, tầm hoạt động 3.000 km và bán kính tác chiến 500 km. Chiến đấu cơ này được trang bị các loại tên lửa đối không, đối đất và chống hạm cũng như bom thông minh dẫn đường bằng laser. Đặc biệt, nhờ phần thân được chế tạo bằng vật liệu tổng hợp composite kết hợp với kích thước nhỏ gọn nên Tejas rất khó bị radar phát hiện và luôn duy trì được năng lực chiến đấu cơ động.
Hãng tin IANS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đánh giá Tejas tốt như chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale của Pháp mà New Delhi vừa ký hợp đồng trị giá 8,7 tỉ USD để mua 36 chiếc. “Đây là máy bay được sản xuất hoàn toàn trong nước và có thể cạnh tranh với bất kỳ chiến đấu cơ khác trên thế giới”, ông tự hào nói. Ngoài ra, nguồn tin từ không quân Ấn Độ khẳng định Tejas “vượt trội hơn hẳn” máy bay cùng loại JF-17 do Pakistan và Trung Quốc hợp tác chế tạo.
Hồi tháng trước, Hội đồng mua sắm quốc phòng Ấn Độ đã thông qua đề xuất mua 83 chiếc Tejas, với tổng trị giá gần 7 tỉ USD để hướng tới dần thay thế phi đội MiG-21 do Liên Xô chế tạo. New Delhi đã bắt đầu cho MiG-21 “về hưu” từ năm 2013 và sẽ hoàn tất kế hoạch này vào năm 2019.
“LCA là lựa chọn thay thế hoàn hảo cho MiG-21, vốn vừa cũ vừa khó tìm phụ tùng khi cần”, Bộ trưởng Parrikar nhận định. Sắp tới, Tejas được kỳ vọng sẽ đóng vai trò nổi bật trong kế hoạch tác chiến năm 2017 của không quân và có thể sẽ được triển khai tới các căn cứ tiền tiêu, theo The Indian Express. Bên cạnh đó, hải quân Ấn Độ cũng tỏ ý muốn sở hữu phiên bản dành cho hàng không mẫu hạm.
Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng Parrikar xác nhận New Delhi đã bắt đầu thảo luận với một số đối tác về khả năng xuất khẩu Tejas nhưng không tiết lộ chi tiết, theo Sputnik. Các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng thì tiết lộ máy bay này đang “nhận được sự quan tâm từ Đông Nam Á” nhờ năng lực hứa hẹn và giá không quá cao.
TIN LIÊN QUAN
Tương quan vũ khí hạt nhân Ấn Độ – Pakistan
Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ chạy đua hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan trong bối cảnh căng thẳng song phương đang dâng cao.
Tranh cãi
Tuy nhiên, bất chấp những thông tin đầy hứa hẹn, một số nhà phân tích cho rằng Tejas vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Trong đó, biên tập viên chuyên san The National Interest (Mỹ) Dave Majumdar nhấn mạnh Ấn Độ bắt đầu phát triển LCA từ thập niên 1980 nhưng 2 chiếc Tejas vừa được đưa vào biên chế vẫn phải đợi đến năm sau mới có thể sẵn sàng tác chiến.
Trước đây, chính không quân Ấn Độ cũng từng lo ngại chiến đấu cơ này sẽ trở nên lạc hậu trước khi được đưa vào tác chiến và cho rằng có nhiều lựa chọn tốt hơn trên thị trường quốc tế, với những sản phẩm từ các nhà sản xuất uy tín và nhiều kinh nghiệm, theo Đài NDTV.
Chuyên gia Majumdar cũng tỏ ra nghi ngờ khả năng Tejas có thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu vì còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Ông còn khẳng định sau hơn 33 năm phát triển, Tejas tiếp tục gặp phải nhiều vấn đề cần khắc phục về động cơ và thiết kế. Theo chuyên gia này, các loại chiến đấu cơ Saab JAS-39 Gripen của Thụy Điển hay F-16 và F/A-18 của Mỹ sau khi được nâng cấp có chất lượng vượt hơn và thậm chí giá cả có thể thấp hơn Tejas.
Bên cạnh đó, dù được gọi là hàng nội địa, nhưng khoảng 25% bộ phận và hệ thống kỹ thuật của phiên bản Tejas Mk-1 hiện nay được chế tạo với phụ tùng nhập khẩu từ Israel, Anh và Mỹ, trong khi phần lớn vũ khí có nguồn gốc từ Nga, theo ông Majumdar. Đáng chú ý là do Tejas sử dụng động cơ Mỹ nên nước này có quyền can dự vào quá trình chọn khách hàng để xuất khẩu của Ấn Độ.
Dù vậy, giới chức Ấn Độ vẫn tỏ ra rất lạc quan. Đại diện Tập đoàn HAL khẳng định những vấn đề của Tejas sẽ sớm được khắc phục và máy bay “sẽ chứng minh độ tin cậy”. Để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu, tập đoàn này vừa thiết lập thêm nhiều cơ sở chế tạo có khả năng cho xuất xưởng 8 chiếc Tejas/năm và sẽ tăng công suất lên 16 chiếc/năm vào năm 2019.
Vòng đời ngắn ngủi của HF-24 Marut
Tejas là chiến đấu cơ siêu thanh thứ 2 do Tập đoàn hàng không Hindustan (HAL) của Ấn Độ chế tạo, sau máy bay tiêm kích – ném bom HF-24 Marut. Chiến đấu cơ thế hệ trước do Công ty Kurt Tank của Đức thiết kế và là máy bay đầu tiên được phát triển ở Ấn Độ. Marut thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 6.1961 và đến năm 1967 thì chính thức được giao cho không quân Ấn Độ.
Dù được quảng cáo có khả năng bay với vận tốc siêu thanh, Marut thực tế chỉ đạt tầm cận siêu thanh (1.112 km/giờ). HAL xuất xưởng tổng cộng 147 chiếc Marut, phần lớn từng tham gia chiến tranh Ấn Độ – Pakistan năm 1971. Tuy nhiên, khoảng 10 năm sau, Marut bị đánh giá là lỗi thời và dần dần bị cho “nghỉ hưu” trong thập niên 1980.
|
Văn Khoa