28/12/2024

Không còn môn nào bắt buộc ở lớp 11, 12?

Tiến độ và cách thức chuẩn bị thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông từ năm 2018 là vấn đề được các chuyên gia hàng đầu về GD-ĐT quan tâm, khi mà chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa phải triển khai đại trà.

 

Không còn môn nào bắt buộc ở lớp 11, 12?

Tiến độ và cách thức chuẩn bị thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông từ năm 2018 là vấn đề được các chuyên gia hàng đầu về GD-ĐT quan tâm, khi mà chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa phải triển khai đại trà.



GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại buổi tọa đàm /// Ảnh: Tuệ Nguyễn

 

GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại buổi toạ đàmẢNH: TUỆ NGUYỄN

Sáng qua (15.12), Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) tổ chức toạ đàm tham vấn chuyên gia về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông.
Học theo sở thích, sở trường
Một trong những vấn đề mà nhiều chuyên gia hồ nghi chính là việc có thể tổ chức dạy học tự chọn theo nhu cầu của học sinh (HS) ở cấp THPT hay không? Tại buổi toạ đàm, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu QH gây chú ý đặc biệt khi đưa ra một số giải pháp để có thể hiện thực hoá chủ trương này vì nếu dạy học tự chọn mà không cho HS quyền lựa chọn môn học thì không thể hình thành, phát triển cho HS năng lực tự học, tự làm chủ bản thân.
Theo GS Thuyết, với điều kiện của nước ta hiện nay, năm lớp 10 của bậc THPT sẽ là năm “dự hướng”, HS vẫn được học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn chương trình (CT) hiện hành. Trừ 3 môn công cụ toán, ngữ văn, ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại, mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ, môn thì học ở học kỳ 1, môn thì ở học kỳ 2. Đến lớp 11, 12 “sẽ không còn môn học nào bắt buộc nữa, tất cả các môn sẽ thành môn tự chọn”, vì nếu đặt ra một môn bắt buộc thôi thì lập tức chúng ta sẽ phải giải bài toán bao nhiêu môn bắt buộc và sẽ kéo thành “một cái dây không dứt”, môn nào cũng sẽ cho mình là cần thiết, là môn công cụ không thể thiếu.
GS Thuyết đề xuất nên cho HS tự chọn 5 môn, trong đó có 3 môn theo định hướng nghề nghiệp sau này, 2 môn còn lại để HS được chọn theo ý thích, sở trường. Làm được như vậy, HS có điều kiện học sâu, học thực hành, trải nghiệm… các môn theo định hướng nghề nghiệp nhưng lại không bị quá tải, không bị áp lực học hành. Đặc biệt, khi đào tạo ĐH cho phép rút xuống còn 3 năm thì việc học như vậy ở THPT sẽ giúp hỗ trợ cho ĐH. Cho HS chọn môn như vậy, dành quyền cho các trường căn cứ vào điều kiện của mình để sắp xếp các tổ hợp môn khác nhau.
Bên cạnh đó, GS Thuyết cũng đề xuất phải bổ sung môn mỹ thuật, âm nhạc vào chương trình THPT vì chương trình THPT hiện hành vắng bóng hoàn toàn các môn học phục vụ cho HS có định hướng theo các chuyên ngành nghệ thuật, kiến trúc.
Lo chậm tiến độ, đổi mới mông lung
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cũng tỏ ra băn khoăn liệu có đảm bảo thời gian thực hiện đổi mới CT, sách giáo khoa (SGK) theo tiến độ mà nghị quyết của QH đề ra hay không?
Còn PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm uỷ ban này, cũng đề nghị: “Ở cấp THPT, phân hoá theo hướng tự chọn thì cần làm rõ ra kiến thức cốt lõi là gì thì sẽ giảm được số môn học bắt buộc. Giải trình với xã hội rõ thì có thể làm nhanh được chứ không đến nỗi ngồi “ngâm nga” lâu. Cụ thể, đổi mới cái gì về mặt chuyên môn? CT định hướng phát triển năng lực là cái gì? Xây dựng CT phải xuất phát từ người học, dạy học là phải dạy cách học chứ không phải dạy từng thứ một. Dạy theo định hướng phát triển năng lực thì người giáo viên phải đổi mới ra sao”.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie (Hà Nội), phát biểu: “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT là vấn đề quá mênh mông và bản thân chúng tôi trực tiếp thực hiện ở trường thì thấy… chơi vơi”. Trong 4 vấn đề chính của giáo dục phổ thông là CT, SGK, đội ngũ, cơ sở vật chất, phương pháp dạy học, theo ông Khang, vấn đề khả thi và cần tập trung làm trước mắt là CT, SGK. Đổi mới thật tốt nội dung thì phương pháp dạy học và các điều kiện đi kèm sẽ dần dần thay đổi theo với một lộ trình dài hơi, thích hợp.
Lo ngại địa phương hoá SGK

GS Đào Trọng Thi lo ngại về hiện tượng hiểu chưa đúng về chủ trương một CT, nhiều bộ SGK. Cụ thể, một số địa phương như Sở GD-ĐT TP.HCM đã tuyên bố và đang chuẩn bị biên soạn bộ SGK riêng. Khi các địa phương cục bộ thực hiện sách sẽ dẫn tới tình trạng các trường của địa phương đó dù muốn hay không cũng sẽ phải chọn bộ SGK do sở GD-ĐT địa phương mình biên soạn. “Điều này là sai hoàn toàn về tư tưởng khuyến khích nhiều bộ sách”, ông Thi nói và cho rằng nghị quyết của QH cho phép vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết nhiều sách để các nhà trường, giáo viên và HS được lựa chọn phù hợp với đối tượng HS và điều kiện giảng dạy của trường mình.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên bên lề buổi toạ đàm, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình với nhận định của GS Thi và cho rằng phải xác định đúng quy định thế nào là “tổ chức biên soạn SGK”, đối tượng đứng ra tổ chức biên soạn phải chừa cơ quan quản lý ra, thực hiện theo đúng luật Xuất bản hiện hành, đó là phải qua một nhà xuất bản. Các tổ chức đứng ra biên soạn tất nhiên phải là các tổ chức hợp pháp trong xã hội, thông qua một nhà xuất bản để họ chịu trách nhiệm biên soạn, phát hành…
GS Thuyết cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần bày tỏ quan điểm rõ ràng về việc các sở GD-ĐT đứng ra tổ chức viết SGK, tránh tạo ra tiền lệ, cục bộ địa phương, tỉnh thành nào cũng cho rằng mình có đặc thù riêng và dẫn tới tình trạng địa phương hoá SGK thì sẽ rất sai so với mục tiêu ưu việt khi cho phép có nhiều bộ sách.


TP.HCM có thể sử dụng SGK mới từ năm học 2018 – 2019?

Trong báo cáo với Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của QH vào ngày 2.12 tại TP.HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM có đề cập đến việc sở này thực hiện bộ SGK mới.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay trong hơn một năm qua đội ngũ làm sách là các chuyên gia, học giả hàng đầu của TP cùng nhiều giáo viên giỏi, năng động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiều kinh nghiệm, đã liên tục được tham gia các buổi tọa đàm, thảo luận về đổi mới giáo dục. Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK đã mạnh dạn mời những chuyên gia hàng đầu của các nước đến nói chuyện, định hướng về bộ sách mới, mở ra nhiều ý tưởng và phương pháp tiếp cận mới cho đội ngũ. Bên cạnh đó là những buổi trao đổi sâu, thẳng thắn về chuyên môn của từng nhóm tác giả để hình thành nên khung của từng bài, từng phần trong bộ sách.
TP dự kiến thử nghiệm ở quy mô hẹp trong năm học này, tiếp tục mở rộng hơn từ năm học 2017 – 2018 và có thể sử dụng chính thức từ năm học 2018 – 2019.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay bộ SGK mới phải khắc phục được những tồn tại, thiếu sót của bộ sách hiện hành và tiếp cận được với xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến như cơ bản, tinh giản về mặt kiến thức nhưng lại đảm bảo tính hiện đại và thực tiễn. Sở sẽ đưa vào nhiều hơn những nội dung sát hợp với đặc thù riêng của TP về lịch sử, địa lý, văn hoá, con người, kinh tế… hướng đến xây dựng một thế hệ HS có năng lực, trình độ, phẩm chất, hoài bão… đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của TP trong tương lai.
Bích Thanh

 

Tuệ Nguyễn