29/12/2024

Nguồn gốc nhóm Hồi giáo nổi dậy ở Myanmar

 

Nguồn gốc nhóm Hồi giáo nổi dậy ở Myanmar

Cuộc khủng hoảng tại Myanmar chuyển sang bước ngoặt mới với thông tin người Hồi giáo Rohingya có liên hệ với các lực lượng nổi dậy nước ngoài.




Biểu tình tại Pakistan phản đối biện pháp cứng rắn của Myanmar đối với người Hồi giáo Rohingya /// Reuters

 

Biểu tình tại Pakistan phản đối biện pháp cứng rắn của Myanmar đối với người Hồi giáo RohingyaREUTERS

 

Hãng Reuters ngày 15.12 dẫn báo cáo mới công bố của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế (ICG) tiết lộ phong trào Harakah al-Yakin của người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar có mối liên hệ với những người gốc Pakistan và Ả Rập Xê Út.
Nếu thông tin trên là xác thực, Myanmar có thể gặp khó khăn lớn trong việc giải quyết khủng hoảng về người Hồi giáo Rohingya. Đây còn là một tiền đề nan giải cho các nước thành viên ASEAN dự kiến sẽ nhóm họp khẩn cấp tại Yangon vào ngày 19.12 tới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng theo lời kêu gọi của bà Aung San Suu Kyi.
Theo ICG, phong trào Harakah al-Yakin được thành lập từ năm 2012 và thu hút sự quan tâm của quốc tế sau vụ tấn công tại bang Rakhine ngày 9.10 vừa qua khiến 9 cảnh sát thiệt mạng. Vụ tấn công đã dẫn đến việc quân đội Myanmar tiến hành các chiến dịch bố ráp khiến ít nhất 86 người thiệt mạng và 27.000 người Rohingya đã chạy nạn sang Bangladesh.
Tổ chức quy củ
Tổ chức ICG có trụ sở ở Bỉ cho biết đã phỏng vấn một số thành viên phong trào Harakah al-Yakin sau khi nhóm này nhận trách nhiệm vụ tấn công đẫm máu ngày 9.10. Theo đó, những người Hồi giáo Rohingya đang chiến đấu ở Pakistan và Afghanistan đã bí mật huấn luyện cho những người dân địa phương ở bắc Rakhine suốt 2 năm trước đó. “Họ được huấn luyện về sử dụng vũ khí, chiến thuật đánh du kích, và đặc biệt chú trọng về chất nổ và thiết bị nổ tự chế, theo lời kể của những thành viên Harakah al-Yakin”, báo cáo của ICG cho hay.
ICG cũng truy ra thông tin một trong các thủ lĩnh của Harakah al-Yakin là Ata Ullah, con trai của một người đàn ông Rohingya nhập cư, sinh ra ở thành phố Karachi của Pakistan nhưng lớn lên tại thánh địa Mecca ở Ả Rập Xê Út. “Dù chưa chắc chắn nhưng có dấu hiệu cho thấy ông ta đã sang Pakistan và nơi khác để được huấn luyện thực hành về chiến tranh du kích hiện đại”, báo cáo tiết lộ và cho biết thêm Harakah al-Yakin có tổng hành dinh tại Mecca với uỷ ban điều hành gồm 20 thành viên.
Đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bóng dáng của một tổ chức quy củ, có nguồn tài trợ dồi dào đứng sau cuộc khủng hoảng ở Myanmar, đánh dấu sự xuất hiện của một phong trào nổi dậy Hồi giáo ở nước này. Tuy nhiên, bất chấp những hoạt động huấn luyện và sự câu kết, Harakah al-Yakin dường như không theo đuổi các mục tiêu khủng bố hoặc thánh chiến xuyên quốc gia.
Dẫu vậy, ICG cảnh báo nếu chính phủ Myanmar xử lý sai lầm tình hình, bao gồm sử dụng vũ lực bừa bãi, thì điều này có thể tạo ra các điều kiện cho việc cực đoan hoá một bộ phận dân số Rohingya, cho phép các nhóm thánh chiến xuyên quốc gia lợi dụng để theo đuổi các ý đồ của họ tại Myanmar. Từ đó, ICG kêu gọi chính phủ Myanmar nên chú trọng đến những vấn đề của cộng đồng này, ngoài các biện pháp quân sự.
Trung Quốc sợ đạn lạc
Theo tờ South China Morning Post, Tư lệnh chiến khu miền tây của quân đội Trung Quốc Triệu Tông Kỳ vừa yêu cầu Myanmar không để các mâu thuẫn trong nước ảnh hưởng đến người dân Trung Quốc gần khu vực biên giới. Cụ thể, ông kêu gọi Myanmar thắt chặt kiểm soát biên giới và ngăn ngừa đạn lạc sang Trung Quốc.
Yêu cầu được đưa ra trong chuyến thăm của ông Triệu đến Myanmar sau cuộc đụng độ giữa lực lượng nổi dậy và quân chính phủ hồi tháng 11 khiến một người Trung Quốc ở bên kia biên giới bị thương do đạn lạc và một quả đạn pháo rơi vào địa phận thành phố Lâm Thương thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Trước đó, ngày 20.11, các nhóm vũ trang ở Myanmar đã đồng loạt tấn công các chốt an ninh tại 2 thị trấn Muse và Kutkai ở bang Shan khiến 8 người thiệt mạng và 29 người bị thương.


Khánh An