10/01/2025

Hàng không trước mối lo phát triển nóng

Không chỉ sân bay, bầu trời quá tải mà đã có tiếp viên khẳng định đã bị giảm thời gian nghỉ xuống mức tối thiểu. Trong khi đó, các hãng tiếp tục sắm thêm máy bay…

 

Hàng không trước mối lo phát triển nóng

 Không chỉ sân bay, bầu trời quá tải mà đã có tiếp viên khẳng định đã bị giảm thời gian nghỉ xuống mức tối thiểu. Trong khi đó, các hãng tiếp tục sắm thêm máy bay…

 

 

 

Hàng không trước mối lo phát triển nóng
Hai phi công người nước ngoài vừa hoàn thành chuyến bay tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, chiều 14-12 – Ảnh: HỮU KHOA

Theo Cục Hàng không VN, năm 2016, thị trường hành khách hàng không có sự tăng trưởng mạnh, ước đạt 52,2 triệu khách, tăng tới trên 29% so với năm 2015.

Tăng trưởng nóng

Với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, các hãng hàng không VN đã tung nhiều tiền ra mua, thuê máy bay, nâng số lượng máy bay tăng mạnh trong năm 2016.

Đến thời điểm hiện tại, đội máy bay của các hãng VN là 147 chiếc, tăng 14 chiếc so với năm 2015. Từ nay đến hết năm 2016, các hãng hàng không VN dự kiến sẽ nhận thêm 5 máy bay.

 

Trong khi đó, không chỉ có mối lo của hành khách về hoãn, huỷ chuyến, ngay hạ tầng theo quy hoạch cũng có mối lo.

Theo dự thảo chiến lược phát triển giai đoạn 2016 – 2020 do Cục Hàng không VN trình Bộ GTVT, nếu đầu tư khoảng 70.000 tỉ đồng phát triển hệ thống đường hạ cất cánh, nhà ga… thì đến năm 2020, các cảng hàng không được các hãng hàng không VN chọn làm căn cứ (để đậu máy bay qua đêm như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi) chỉ đáp ứng được 259 vị trí đỗ qua đêm.

Hàng không trước mối lo phát triển nóng
Theo Cục Hàng không VN, đến năm 2020 số lượng phi công cần bổ sung là khoảng 1.320 người – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trừ số chỗ đỗ cho các hãng hàng không quốc tế, số lượng chỗ đỗ còn lại chỉ đáp ứng được đội bay 230 chiếc.

Với tổng đội bay theo kế hoạch phát triển của các hãng tới năm 2020 là 263 chiếc thì sẽ vượt 33 chiếc so với khả năng đáp ứng chỗ đỗ tại 5 sân bay nói trên.

Tiếp viên than
 ít được nghỉ…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nữ tiếp viên một hãng hàng không lớn (đề nghị không nêu tên) cho biết theo quy định một năm tiếp viên được nghỉ 118 ngày.

Tuy nhiên do lịch bay dày nên một số người không được nghỉ đủ theo quy định. Mới đây, hãng có thông báo sẽ quy đổi ngày nghỉ thiếu thành tiền cho tiếp viên.

Mặc dù có quy định giờ làm việc, giờ nghỉ cụ thể sau từng chuyến bay, nữ tiếp viên này cho biết có một số trường hợp do việc sắp xếp lịch bay dày quá nên chỉ được nghỉ đủ thời gian tối thiểu.

Quy định giữa hai chuyến bay, tiếp viên phải nghỉ tối thiểu 11 tiếng. Nhưng nếu lúc nào cũng chỉ được nghỉ tối thiểu 11 tiếng về lâu dài không đảm bảo sức khoẻ.

“Ai cũng biết đi bay về phải chăm con, công việc gia đình chứ đâu phải… đi ngủ ngay được. Có lịch bay dày khó đủ sức khỏe cho chuyến bay kế tiếp” – nữ tiếp viên cho biết.

Trước thực tế đội máy bay trong nước liên tục tăng, liệu có đảm bảo số lượng, chất lượng và thời gian cho phi công khai thác an toàn, ông Lại Xuân Thanh khẳng định số lượng phi công tương ứng với đội bay là bắt buộc và phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Tổ bay phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về giờ giấc một ngày, một tuần, một năm bay bao nhiêu giờ, nghỉ bao nhiêu. Nếu quá thì bị xử lý rất nghiêm và đây là vấn đề sống còn.

Trước khả năng phi công nước ngoài khai khống số giờ bay để được bay máy bay A320 như từng bị phát hiện ở Vietnam Airlines và nguy cơ khan hiếm phi công khiến các hãng tuyển phi công kém chất lượng, ông Thanh cho rằng tiêu chuẩn phi công dân dụng của VN theo chuẩn chung được ICAO ban hành.

Ông Thanh nêu đã từ lâu không phát hiện những vi phạm khi tuyển dụng phi công nữa. Trong quá trình khai thác vẫn còn có sự cố này khác nhưng “đến nay chưa phát hiện tình trạng gian lận bằng cấp như trên lặp lại” – ông Thanh nói.

Khó tuyển phi công

Theo Cục Hàng không VN, căn cứ kế hoạch phát triển đội máy bay của các hãng hàng không trong nước, đến năm 2020 cả nước cần khoảng 2.680 phi công thương mại.

So với số lượng phi công hiện có (1.360 người), số lượng phi công cần bổ sung là khoảng 1.320 người.

Công nhận hiện vẫn khó tuyển phi công nhưng các hãng đã đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo phi công, ông Lại Xuân Thanh nêu khác với ngày trước, bây giờ các hãng đã thông qua các đầu mối có uy tín để đào tạo phi công.

81 triệu khách qua các cảng hàng không

Năm 2016, có 52 hãng hàng không nước ngoài thuộc 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác đi/đến VN với 78 đường bay.

Với sự tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không, tổng lượng khách thông qua các cảng hàng không VN đạt gần 81 triệu khách, tăng 28,6% so với năm 2015.

TUẤN PHÙNG – ĐÌNH DÂN – TRUNG TÂN