28/12/2024

Aleppo chưa yên tiếng súng

Mặt trận Aleppo tại Syria vẫn chưa thể thật sự khép lại sau 4 năm khói lửa khi thoả thuận ngừng bắn có dấu hiệu bị vi phạm.

 

Aleppo chưa yên tiếng súng

Mặt trận Aleppo tại Syria vẫn chưa thể thật sự khép lại sau 4 năm khói lửa khi thoả thuận ngừng bắn có dấu hiệu bị vi phạm.



Một gia đình cố di tản khỏi vùng chiến sự Aleppo /// Reuters

Một gia đình cố di tản khỏi vùng chiến sự AleppoREUTERS

Theo tờ Le Figaro, thỏa thuận ngừng bắn dân thường và quân nổi dậy rút khỏi Aleppo đạt được qua trung gian là Nga (đồng minh của chính phủ Syria) và Thổ Nhĩ Kỳ (ủng hộ phe nổi dậy). Thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực từ sáng 14.12 và dân thường sẽ được ưu tiên chuyển đến các vùng khác bằng xe buýt.
Các tay súng nổi dậy cũng được rút lui đến những khu vực lân cận của thành phố hoặc về miền bắc Syria hiện vẫn do lực lượng này kiểm soát. Họ cũng có quyền giữ lại vũ khí. Tính đến trưa 14.12, theo Hãng thông tấn Sputnik của Nga, khoảng 6.000 người đã ra khỏi Aleppo.
Tuy nhiên, vào chiều 14.12, truyền thông phương Tây dẫn nguồn tin địa phương cho biết quá trình sơ tán đã bị đình lại sau khi hai bên tiếp tục đụng độ. Quân chính phủ được cho là đã nã hơn 10 quả pháo vào nhiều địa điểm trong thành phố để đáp trả một đợt tấn công của đối thủ. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng Damascus vi phạm lệnh ngừng bắn trước.
Theo dự kiến, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ thảo luận về nỗ lực giữ cho thoả thuận ngừng bắn không sụp đổ. Trong khi đó, Reuters tối 14.12 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dự đoán các tay súng nổi dậy sẽ hoàn toàn chịu thúc thủ trong “2 hoặc 3 ngày tới”.
Hiện hầu hết các khu vực tại Aleppo do phe nổi dậy chiếm giữ từ tháng 7.2012 đã trở lại quyền kiểm soát của chính phủ sau đợt tấn công quyết liệt bắt đầu vào tháng 6.2016 với sự yểm trợ của Nga. Trong thời gian qua, hàng chục ngàn người dân ở Aleppo phải sống trong tình cảnh mà Liên Hiệp Quốc mô tả là “thảm họa nhân đạo”. Họ thường xuyên bị thiếu thực phẩm, thuốc men nghiêm trọng và xung quanh không lúc nào ngơi tiếng bom đạn.
Giành lại được Aleppo là thắng lợi lớn của chính phủ Syria trong cuộc chiến nhiều phe phái kéo dài từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều vùng ở phía đông và tây bắc Syria thuộc quyền kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và một số lực lượng Hồi giáo cực đoan khác.
Đặc biệt, lợi dụng việc Damascus dồn quân về Aleppo, IS đã điều 4.000 tay súng chiếm lại thành phố cổ Palmyra cùng các khu vực lân cận. IS từng chiếm địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới này từ tháng 5.2015 cho đến khi bị quân đội Syria đẩy lùi vào tháng 3.2016.
Ngày 14.12, AFP dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis chỉ trích binh lính Syria “buông” Palmyra quá nhanh chóng và bỏ lại nhiều khí tài quân sự như xe tăng, súng máy rơi vào tay IS.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng diễn biến này là do thiếu sự hợp tác của Mỹ: “IS phát động tấn công từ Iraq và đã đi qua nhiều vùng mà các chiến đấu cơ của liên quân do Mỹ đứng đầu vẫn thường xuyên tuần tra. Sự tình cờ này cho thấy – tôi mong rằng mình đã nhầm – đợt tấn công Palmyra được bày ra để tạo cơ hội phản công cho lực lượng đang bị vây hãm ở Aleppo”.
Hiện các tay súng IS đang tiếp tục tiến về phía tây để uy hiếp căn cứ không quân T4. Theo tờ Le Monde, cả Nga và Syria đều đã cho sơ tán chiến đấu cơ khỏi cơ sở này.

 

Lan Chia