03/01/2025

ASEAN hướng đến chính sách đánh bắt chung

Các nước ASEAN đang tích cực thảo luận và nghiên cứu nhằm đưa ra chính sách chung về quản lý bền vững tài nguyên biển trong khu vực.

 

ASEAN hướng đến chính sách đánh bắt chung

Các nước ASEAN đang tích cực thảo luận và nghiên cứu nhằm đưa ra chính sách chung về quản lý bền vững tài nguyên biển trong khu vực.



ASEAN đang hướng đến cơ chế chung về bảo vệ và khai thác bền vững nguồn thủy sản /// Khánh An

 

 

ASEAN đang hướng đến cơ chế chung về bảo vệ và khai thác bền vững nguồn thủy sảnKHÁNH AN

 

Theo tờ The Nation, chính phủ Thái Lan thông báo sẽ đứng ra chủ trì và xúc tiến các hoạt động nghiên cứu, tham vấn, thảo luận… nhằm thúc đẩy thành lập cơ chế chính sách chung của ASEAN về ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp và quản lý bền vững nguồn lợi thuỷ sản trong khu vực.
Cơ chế này được đánh giá sẽ có tác động lớn về nhiều mặt như kinh tế, pháp lý, quan hệ ngoại giao và cả bảo vệ chủ quyền, do nhiều nước thành viên trong khối có vùng biển tiếp giáp, ngư trường chồng lấn nên rất cần thiết có sự hợp tác sâu rộng.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Chatchai Sarikulya, nước này sẽ đăng cai tổ chức nhiều hội nghị cấp quốc gia và ASEAN để tìm đồng thuận chung hướng tới chính sách đánh bắt và quản lý thuỷ sản tầm khu vực.
“Cộng đồng ASEAN là khu vực sản xuất thuỷ sản lớn và có vùng biển tiếp giáp nên cần quản lý tài nguyên biển, cụ thể là thuỷ sản với những mục tiêu và định hướng chung theo hướng bền vững lâu dài”, ông nói, đồng thời nhận định thêm nếu các bên phối hợp tốt thì có thể đạt được mục tiêu quản lý biển bền vững trong khu vực vào năm 2019.
Lợi ích chung
Trước mắt, Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm ASEAN vào tháng 3.2017, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu bộ ngành trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản từ tất cả các thành viên.
Tiếp theo sẽ là một hội thảo mở rộng quy tụ nhiều nhà hoạch định chính sách, quan chức chính phủ và chuyên gia quốc tế. Trong đó, Bangkok sẽ chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình phòng chống đánh bắt bất hợp pháp và bảo vệ ngư dân đã áp dụng trong mấy năm qua, như Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống đánh bắt bất hợp pháp, Kế hoạch quản lý thuỷ sản, Quy trình chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản và Hệ thống theo dõi, quản lý và giám sát MCS để giám sát tàu ra vào cảng cũng như hoạt động trên biển.
Bộ trưởng Sarikulya cho biết kết quả từ 2 sự kiện trên sẽ là nền tảng quan trọng cho chính sách thuỷ sản chung ASEAN với nguyên tắc “mọi người cùng tiến về phía trước và không bỏ sót bất cứ cá nhân hay thành phần nào”. Ngoài ra, Thái Lan cũng sẽ tổ chức cuộc họp giữa chính phủ với khu vực tư nhân để đưa ra kế hoạch phối hợp hành động về chế biến thủy sản bền vững trong khu vực.
Theo giới quan sát, một chính sách về quản lý đánh bắt chung của ASEAN còn giúp giải quyết được vướng mắc lâu nay về vấn đề ngư dân một nước trong khối hoạt động trái phép trong vùng biển của thành viên khác. Trong đó, quan trọng là các bên thống nhất được phương thức xử lý đủ để răn đe nhưng không trái với tinh thần nhân đạo và quan hệ hợp tác chặt chẽ, đoàn kết của ASEAN. Điều này sẽ giúp tránh được tình trạng quá nhẹ tay hoặc quá cứng rắn như hiện nay, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa các thành viên.
Ngăn chặn bên ngoài xâm phạm
Trả lời Thanh Niên, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết hội rất ủng hộ phương án bảo vệ nguồn lợi chung mang tính bền vững giữa các nước ASEAN, vì cơ chế này chắc chắn sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển Việt Nam. Ông Thắng cho hay đã có nhiều tàu cá nước ngoài thường đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển Việt Nam, nhất là tàu xuất phát từ một số nước bên ngoài ASEAN.
“Hội Nghề cá Việt Nam đã có nhiều hoạt động lên án và phản đối hành động của tàu cá nước ngoài vi phạm khai thác thủy hải sản trên biển Việt Nam; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp để xử lý nghiêm tình trạng các tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam”, ông Thắng phát biểu.
Theo Chủ tịch Hội Nghề cá, cơ chế mới cũng có thể giúp Việt Nam kiểm soát tốt hơn những tàu cá trong nước với những vi phạm phổ biến như sai vùng, sai tuyến quy định, tàu lớn trên 90 CV lại hoạt động ven bờ, một số ngư dân sử dụng ngư cụ có kích thước không phù hợp để đánh bắt thuỷ sản…
Trước việc ASEAN đang hướng đến cơ chế chính sách chung về thuỷ sản, Hội Nghề cá Việt Nam đã có những đề xuất như tăng cường đầu tư mạnh hơn về công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, xây dựng lực lượng kiểm ngư cho các địa phương để thực thi nghiêm pháp luật. Bên cạnh đó, hội cũng đề xuất chính sách tổ chức đội tàu hợp tác khai thác tại vùng biển các nước trong khu vực, đồng thời phát triển đội tàu khai thác viễn dương theo đúng pháp luật Việt Nam và nước sở tại.

 

Khánh An