27/12/2024

Khởi nghiệp với nghề nuôi rắn ráo trâu

Nghề nuôi rắn ráo trâu mang lại cho Nguyễn Ngọc Quyết doanh thu tiền tỉ mỗi năm và giúp người nông dân xã Minh Phú, H.Sóc Sơn, Hà Nội có nghề mới, thu nhập cao.

 

Khởi nghiệp với nghề nuôi rắn ráo trâu

Nghề nuôi rắn ráo trâu mang lại cho Nguyễn Ngọc Quyết doanh thu tiền tỉ mỗi năm và giúp người nông dân xã Minh Phú, H.Sóc Sơn, Hà Nội có nghề mới, thu nhập cao.



 

Nguyễn Ngọc Quyết dành nhiều tâm huyết để phát triển nghề nuôi rắn ráo trâuẢNH: T.NGỌC

Quyết (32 tuổi) đã được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của và vinh danh thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi.
Bỏ việc lương cao về quê nuôi rắn
Gần 10 năm khởi nghiệp với nghề nuôi rắn ráo trâu, Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Quyết Tâm, đang có trong tay trang trại nuôi rắn trị giá hàng tỉ đồng.
Trước khi đến với nghề này, Quyết là “dân” lái máy xúc được đào tạo bài bản tại một trường cao đẳng ở Vĩnh Phúc. Nhớ lại những ngày mới tốt nghiệp, thợ lái máy xúc là nghề thời thượng. Gần như ai ra trường đều có việc làm ngay, riêng Quyết được doanh nghiệp tiếp nhận với mức lương cao. “Tôi nhớ khi đó lương khởi điểm của nhiều đồng nghiệp thợ máy cơ khí là 1,8 – 2,5 triệu đồng/tháng thì lương tháng đầu tiên của tôi đã hơn 5 triệu đồng”, Quyết kể. Công việc thu nhập cao nhưng Quyết lại phải rong ruổi khắp nơi theo các công trình, dự án, ít có dịp về gần gia đình. Ở quê nhà, Quyết là hình mẫu ly hương thành công khi có việc làm thu nhập cao.
Nhưng một lần nhìn lại tương lai nghề nghiệp, Quyết trăn trở: “Nếu cứ chấp nhận đi làm thuê, dù lương cao nhưng khi sức khoẻ giảm sút, mình trắng tay thôi. Nghĩ vậy nên tôi đầu tư học nghề nuôi rắn”.
Trong số nhiều loại rắn được nuôi làm nguyên liệu bào chế thuốc chữa bệnh và làm thực phẩm, Quyết chọn con rắn ráo trâu vì thịt có giá trị dinh dưỡng cao, dễ nuôi và an toàn khi nọc rắn không chứa độc tố nguy hiểm đến tính mạng con người.
Khởi nghiệp với nghề này từ năm 2007, những năm đầu tiên Quyết “dính” nhiều thất bại. Chưa có nhiều kinh nghiệm, đàn rắn bị sụt giảm khi có hiện tượng cắn xé, nuốt chửng lẫn nhau. Thất bại mà Quyết nhớ nhất ở nghề này là khi nuôi rắn sinh sản. Đầu tư hàng chục triệu đồng chọn mua rắn cái nuôi, nhưng nuôi mãi không thấy đẻ trứng. Quyết nghi ngờ đưa đi kiểm tra thì ngã ngửa khi biết bị tiểu thương đánh tráo lừa bán cả đàn rắn toàn giống đực.
Nuôi rắn bằng thịt gà
Sau nhiều lần thiệt hại, Quyết rút kinh nghiệm sáng tạo quy trình nuôi rắn khác với cách nuôi truyền thống. Anh cho biết thức ăn chủ yếu dùng trong nghề nuôi rắn là chuột, cóc, nhái còn sống. Khi cho ăn chỉ cần thả vào chuồng, con mồi này di chuyển rắn lập tức đớp mồi. Nhưng ở nhiều thời điểm trong năm, nguồn thức ăn này rất khan hiếm, giá cao làm đội chi phí chăn nuôi. Nếu làm theo cách truyền thống, người nuôi rất khó nâng đàn rắn lên quy mô lớn. Đam mê với nghề này, mỗi lần cho rắn ăn Quyết quan sát và nghiên cứu rất tỉ mỉ. Ý tưởng về nguồn thức ăn mới nảy sinh khi chứng kiến rắn trưởng thành bắt, nuốt cả gà con. “Rắn ăn thịt gà nhưng mua cả con thì chi phí rất tốn kém. Tôi tìm đến cơ sở giết mổ gia cầm thu mua các loại chân, cánh, cổ gà thải loại mang về chế biến. Phụ thuộc vào trọng lượng, kích thước của rắn, thức ăn được cắt nhỏ thành thanh thỏi cho vừa miếng. Khi đặt khay vào chuồng, rắn theo thói quen tìm đến nơi có mùi tanh để nuốt thức ăn”, Quyết nói.
Sau khi chế biến thành công loại thức ăn mới, Quyết liên tục mở rộng quy mô đầu tư, nâng số lượng rắn chăn nuôi tại trang trại. Hiện mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường từ 2.500 – 3.000 con rắn thương phẩm và hàng nghìn rắn giống với tổng doanh thu tiền tỉ. Hạch toán chi phí, Quyết thu lãi từ 500 – 700 triệu đồng/năm.
Ở xã Minh Phú (H.Sóc Sơn, Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quyết là người đầu tiên nuôi rắn ráo trâu làm thương phẩm. Qua gần 10 năm nay, xã thuần nông này đã có hơn 80 hộ nông dân học nghề theo Quyết chăn nuôi rắn thương phẩm. Theo thời giá hiện tại, rắn thương phẩm xuất chuồng có giá 570.000 đồng/kg và 130.000 đồng/quả trứng rắn sinh sản. Nhiều hộ thuần nông trước đây ở Minh Phú nay có thêm nghề nuôi rắn ráo trâu thương phẩm có lãi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Mong muốn xây dựng nó trở thành một làng nghề mới, Nguyễn Ngọc Quyết đi tiên phong vận động thành lập Hợp tác xã Quyết Tâm, tập hợp các hộ nông dân nuôi rắn. Trong đó, Quyết chịu trách nhiệm tìm kiếm thị trường, bao tiêu toàn bộ rắn ráo trâu thương phẩm của các hội viên. Còn trang trại của Quyết vừa nuôi rắn thương phẩm vừa cung cấp rắn giống và hỗ trợ quy trình kỹ thuật, chăn nuôi.
“Thị trường chính tiêu thụ rắn ráo trâu là các nhà hàng đặc sản tại Hà Nội và các thành phố lớn hoặc xuất bán qua Trung Quốc. Rắn nuôi đến đâu bán hết đến đấy nên nghề này vẫn còn nhiều cơ hội giúp người dân làm giàu”, Quyết nhận định.

 

Hoàng Phan