27/12/2024

Trung Quốc quan ngại phát biểu của ông Trump

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và truyền thông nước này đã có phản ứng mạnh sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tỏ ý nghi ngờ chính sách “một Trung Quốc”.

 

Trung Quốc quan ngại phát biểu của ông Trump

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và truyền thông nước này đã có phản ứng mạnh sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tỏ ý nghi ngờ chính sách “một Trung Quốc”.




 

Tổng thống đắc cử Donald Trump tại cuộc thi đấu thể thao giữa hải quân và lục quân Mỹ ngày 10.12REUTERS

Ngày 12.12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Bắc Kinh “cực kỳ quan ngại” về việc Tổng thống đắc cử Donald Trump tỏ ý Mỹ không nhất thiết phải trung thành với lập trường lâu nay là Đài Loan thuộc “một Trung Quốc”.
Ông Cảnh cảnh báo nếu chính sách “một Trung Quốc” “bị làm tổn hại hoặc bị phá vỡ, sự phát triển đều đặn và lành mạnh của quan hệ Mỹ – Trung cũng như sự hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực lớn sẽ không thể diễn ra”, theo AFP. Ông Cảnh còn nhấn mạnh Bắc Kinh xem Đài Loan là “lợi ích cốt lõi” ảnh hưởng tới chủ quyền, cũng như tính toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và việc tuân theo chính sách “một Trung Quốc” là “nền tảng chính trị” cho quan hệ Mỹ – Trung.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phản ứng một ngày sau khi ông Trump trả lời phỏng vấn kênh Fox News về cuộc điện đàm lịch sử hôm 2.12 với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Cụ thể, ông Trump nói với Fox News: “Tôi hiểu đầy đủ chính sách “một Trung Quốc”, nhưng tôi không biết tại sao chúng ta phải bị ràng buộc với chính sách “một Trung Quốc” trừ khi chúng ta có được thỏa thuận với Trung Quốc về các thứ khác, bao gồm thương mại”.
Tổng thống đắc cử Trump còn nhấn mạnh Bắc Kinh không thể quyết định liệu ông có nên nghe một cuộc gọi từ lãnh đạo Đài Loan hay không. “Tôi không muốn Bắc Kinh ra lệnh cho tôi và đây là cuộc gọi đến cho tôi… Tôi nghĩ rằng sẽ rất thiếu tôn trọng nếu không nhận nó”, ông Trump nhấn mạnh và khẳng định ông chỉ biết trước cuộc gọi từ bà Thái khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa một tổng thống đắc cử hoặc đương nhiệm của Mỹ với lãnh đạo Đài Loan, kể từ khi Tổng thống Jimmy Carter cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc vào năm 1979, thừa nhận Đài Loan thuộc “một Trung Quốc”, theo Reuters.
Không chỉ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 12.12 cũng đăng bài xã luận chỉ trích gay gắt ông Trump. “Ông Trump ngây thơ khi nghĩ ông ấy có thể dùng chính sách “một Trung Quốc” làm thứ mặc cả để giành các lợi ích kinh tế từ Trung Quốc”, bài xã luận viết.
Hoàn Cầu thời báo còn cảnh báo nếu ông Trump từ bỏ chính sách “một Trung Quốc”, công khai ủng hộ Đài Loan độc lập và bán vũ khí cho hòn đảo này, Bắc Kinh sẽ không còn cơ sở để hợp tác với Washington về những vấn đề quốc tế và sẽ ủng hộ hoặc thậm chí hỗ trợ quân sự cho các kẻ thù của Mỹ. Tờ báo là phụ bản của Nhân Dân nhật báo còn đe dọa nếu ông Trump tiếp tục khiêu khích về vấn đề này, Trung Quốc có thể ưu tiên sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan thay cho việc thống nhất hòa bình.
Trong khi đó, giáo sư về quan hệ quốc tế Bàng Trung Anh thuộc Đại học Nhân dân ở Trung Quốc nhận định với tờ South China Morning Post rằng ông Trump có thể thổi phồng vấn đề Đài Loan và động thái này sẽ gây căng thẳng với Bắc Kinh. “Rất có khả năng ông Trump sẽ dùng Đài Loan để yêu cầu Bắc Kinh nhượng bộ. Tình hình sẽ rắc rối”, ông Bàng bình luận.
Nghị sĩ Mỹ đòi điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử
Bốn thượng nghị sĩ có thế lực ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vào ngày 11.12 (giờ địa phương) đã lên tiếng kêu gọi các nghị sĩ lưỡng đảng cùng hợp lực điều tra nghi ngờ Nga nhúng tay vào tình hình chính trị tại Mỹ, cụ thể là quá trình bầu cử tổng thống.
Theo Đài NBC News, những người đề nghị điều tra bao gồm các thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện; Lindsey Graham; Charles Schumer, người sắp trở thành thủ lĩnh thiểu số tại Thượng viện và Jack Reed thuộc Uỷ  ban Quân vụ Thượng viện. Trong tuyên bố chung, các nghị sĩ Mỹ cho rằng vụ việc lần này “quá sức nghiêm trọng”, nên cần phải được quốc hội điều tra một cách thích đáng.
Trước đó, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) kết luận rằng Moscow đã tiến hành chiến dịch tình báo ngầm với mục tiêu đưa ông Donald Trump vào Nhà Trắng. Dự kiến, bất kỳ cuộc điều tra nào cũng phải đợi phiên họp kế tiếp của quốc hội vào đầu tháng 1 mới được quyết định.
Bên cạnh đó, các ông McCain và Graham thường xuyên chỉ trích ông Trump trước và sau bầu cử, nên quan điểm của họ về việc tổ chức cuộc điều tra dựa trên kết quả thu được từ CIA cũng không có nghĩa rằng những nghị sĩ khác của Cộng hoà, bao gồm thủ lĩnh đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, sẽ ủng hộ.
H.G

 

Văn Khoa