26/12/2024

Sách lược “hải quân nhỏ”

An ninh hàng hải đang trở thành một trong những thách thức chủ yếu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bối cảnh đó thúc đẩy việc nghiên cứu vai trò của hải quân và cảnh sát biển ngày càng trở nên cần thiết.

 

Sách lược “hải quân nhỏ”

An ninh hàng hải đang trở thành một trong những thách thức chủ yếu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bối cảnh đó thúc đẩy việc nghiên cứu vai trò của hải quân và cảnh sát biển ngày càng trở nên cần thiết.

 

 

Sách lược “hải quân nhỏ”
Đội hình luyện tập của tàu ngầm Kilo Hà Nội với hai tàu hải quân và hai trực thăng săn ngầm của hải quân Việt Nam – Ảnh: Hoàng Hà

Tìm hiểu về các cơ chế phối hợp giữa hai lực lượng này là đề tài nối kết những học giả châu Âu và châu Á ngồi lại với nhau tại Singapore cuối tháng 11 vừa qua.

Tính toán trên bàn cờ chiến lược

Hội thảo xoay quanh hai nội dung. Thứ nhất, các học giả bàn luận về vai trò và những điểm yếu của các lực lượng hải quân nhỏ trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển.

Thứ hai, các học giả cho rằng sự hợp tác giữa hải quân và cảnh sát biển là quan trọng và là xu hướng đang ngày càng phổ biến không chỉ ở khu vực. Các biến chuyển địa chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương thời gian qua cho thấy: đối với các nước nhỏ, cần phối hợp hoạt động của tất cả các lực lượng chấp pháp biển nhằm tối ưu hóa năng lực cũng như gia tăng hiệu quả các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Theo Ian Bowers (Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng Na Uy), chiến lược hải quân từ trước tới nay chủ yếu tập trung vào phân tích lực lượng hải quân của các nước lớn. Hải quân các nước nhỏ ít được quan tâm.

Thông thường, hải quân có chức năng bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên biển thông qua các hình thức răn đe truyền thống. Đối với một lực lượng hải quân tiên tiến sở hữu đầy đủ năng lực và công nghệ, họ có khả năng răn đe thông qua trả đũa và chống tiếp cận.

Còn với những lực lượng hải quân nhỏ hơn, việc thực hiện tấn công trả đũa là điều bất khả thi, đặc biệt khi phải đối đầu một đối thủ lớn hơn với sức mạnh vượt trội.

Chính vì thế đối với các lực lượng hải quân nhỏ hơn, điều quan trọng là làm thế nào ngăn chặn khả năng triển khai lực lượng của đối phương tại những vùng biển gần. Khi đó, hải quân nhỏ có khả năng tận dụng lợi thế về địa lý và công nghệ để tạo ra những lợi thế riêng biệt trong tác chiến.

Ngăn chặn hiệu quả không đồng nghĩa với việc coi thắng lợi trong hải chiến là mục tiêu tiên quyết. Năng lực hải quân cần phải được duy trì nhằm tạo ra thiệt hại cần thiết tới đối phương, qua đó khiến đối phương phải thay đổi mục tiêu ban đầu đặt ra.

Khả năng duy trì hải chiến lâu dài cũng được coi là một lợi thế. Khi đó quốc gia nhỏ hơn có thể cố gắng giành lấy sự ủng hộ của dư luận quốc tế, khiến chi phí về mặt quân sự của đối thủ gia tăng và uy tín quốc tế của họ bị tổn hại.

Xem xét vấn đề an ninh phi truyền thống

Ở khu vực Đông Á hiện tại, theo Bowers, một cuộc tấn công xâm lược hướng biển khó có khả năng xảy ra. Thay vào đó, các nước phải đối phó nhiều hơn với những vấn đề an ninh phi truyền thống.

Điều này khiến các biện pháp răn đe trở nên phức tạp hơn, khi các lực lượng hải quân phải điều chỉnh mục tiêu và các biện pháp răn đe phù hợp với từng mục đích.

Trong nội bộ khu vực, Bowers chia làm ba dạng khác nhau: bảo vệ tài nguyên, bảo vệ lãnh thổ và gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp rốt ráo khi có xung đột hay vấn đề đối ngoại xảy ra đối với các nước nhỏ hơn là tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Giáo sư Geoffrey Till thuộc chương trình “Nghiên cứu an ninh hàng hải” thuộc RSIS (Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam) lại đề cập tới hàng loạt điểm yếu của các lực lượng hải quân nước nhỏ nói chung.

Thứ nhất là khả năng cân bằng giữa nguồn lực hiện có và những cam kết an ninh mà lực lượng hải quân phải thực hiện. Các cam kết này được định hình bởi các thách thức an ninh biển mà một quốc gia gặp phải và cả những vấn đề đối nội cũng như tài chính mà quốc gia đó đang trải qua.

Các lực lượng hải quân nhỏ thường xuyên phải đối mặt với một số vấn đề cấu trúc khiến việc đối phó với một môi trường an ninh bất định trở nên khó khăn hơn.

Thứ hai và cũng là vấn đề hiển nhiên nhất, chính là thiếu hụt nguồn lực về con người và trang thiết bị. Điểm yếu này tồn tại hầu như ở tất cả mọi lực lượng hải quân nhỏ.

Thiếu hụt trang thiết bị khiến quá trình vận hành, bảo dưỡng hay sửa chữa trở nên thiếu tính kinh tế (thông thường thì càng sở hữu nhiều trang thiết bị sẽ khiến giá thành bảo dưỡng giảm đi). Đồng thời điểm yếu này cũng hạn chế khả năng quy hoạch một chiến lược hải quân cụ thể, rõ ràng và hiệu quả.

Vấn đề cấu trúc thứ hai tới từ khả năng đào tạo sĩ quan và nhân lực hạn chế của các lực lượng hải quân nhỏ.

Điều này là hết sức quan trọng khi một nguồn nhân lực mạnh và có chất lượng sẽ giúp hải quân chiến đấu tốt hơn, ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn, đồng thời hoạch định chính sách hữu hiệu hơn.

Hệ quả của việc thiếu nhân lực dẫn tới thiếu các cá nhân xuất sắc để định hình chiến lược ở tầm quốc gia. Các chính sách thiếu khoa học có thể dẫn tới tạo ra mục đích hoạt động không đúng với nhiệm vụ thật sự của hải quân.

Thứ ba là các lực lượng hải quân nhỏ thường không được hỗ trợ bởi một nền tảng công nghiệp quốc phòng nội địa mạnh mẽ. Điểm yếu này dẫn tới hai hệ quả khác.

Một là hải quân phụ thuộc quá nhiều vào các trang thiết bị vũ khí ngoại nhập. Trong trường hợp của một số quốc gia, các nỗ lực nội địa hoá vũ khí hải quân là một lựa chọn, mặc dù cách tiếp cận này có khả năng gia tăng chi phí bảo dưỡng và vận hành.

Tuy vậy, nội địa hoá cũng tạo ra một số vấn đề khi chi phí chế tạo vũ khí có thể mắc hơn và gây ra gánh nặng không cần thiết cho nguồn lực tài chính dài hạn của quốc gia.

Hai là vẫn tồn tại một số lực lượng hải quân nhỏ nhưng hiện đại và hiệu quả, tiêu biểu là hải quân Israel và Singapore. Hiện tại có nhiều khó khăn và thử thách trong quá trình phát triển và xây dựng một lực lượng hải quân nhỏ.

Một hệ thống xây dựng chính sách quốc phòng hiệu quả cùng một chính sách quốc phòng quốc gia toàn diện, minh bạch, cả trên lý thuyết lẫn trên thực tế sẽ phần nào giúp cải thiện năng lực của các lực lượng hải quân.

Phân loại các đảo, đá… và quy chế pháp lý 

Trong các vùng nước (đại dương, biển, sông ngòi, hồ, ao…) tồn tại các cấu trúc địa lý, hay còn gọi là các thực thể địa lý với nhiều tên gọi khác nhau như đảo nổi, đảo chìm, cù lao, cồn, ngọn, sơn, đá, bãi cạn, bãi ngầm…

Ngày nay, các cấu trúc địa lý này, nhất là các cấu trúc địa lý vô chủ, đã và đang là đối tượng của những cuộc tranh chấp về chủ quyền quốc gia. Vì vậy về mặt pháp lý, chúng đã trở thành một loại phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia và quốc tế.

Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) là một trong số các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Kết quả là trên thế giới đang tồn tại khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực Đông Nam châu Á còn khoảng 15 tranh chấp.

Theo quy định của UNCLOS 1982 và được phán quyết của Toà trọng tài (ngày 12-7-2016) phân tích khách quan, khoa học thì các thực thể địa lý được chia làm hai loại:

Một là “đảo”: bất kể được cấu thành tự nhiên từ đất, đá, rạn san hô, cát, sỏi… nhưng phải là một cấu trúc luôn nổi lên trên mặt nước khi thuỷ triều lên cao nhất.

Hai là “các thực thể địa lý không phải là đảo”: bất kể chúng được cấu thành từ đất, đá, san hô, cát, sỏi… nếu chúng lúc nổi, lúc chìm hay chìm hoàn toàn dưới mực nước khi thủy triều lên hay xuống.

Khoản 3 điều 121 UNCLOS 1982 đã quy định rất rõ hiệu lực khi xác lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng:

Đảo nào thích hợp cho đời sống của con người và có đời sống kinh tế riêng thì có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Còn đảo nào không thích hợp cho người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải không quá 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Như vậy theo phán quyết của Tòa trọng tài thì các thực thể địa lý như Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Ba Bình, Thị Tứ… là “đảo” đúng theo quy định tại khoản 1 điều 121 UNCLOS 1982 dù chúng không đủ điều kiện để xác lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, chứ không phải là “đá” như nhiều người nhầm tưởng, phê phán tính xác thực của phán quyết Tòa trọng tài ngày 12-7-2016.

Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng các thực thể là đảo, hay không phải là đảo, nếu tồn tại cách bờ biển đất liền hay một đảo dưới 12 hải lý thì có thể sử dụng làm điểm cơ sở nhằm vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải cho bờ biển đất liền hay đảo đó.

Tuy nhiên, điều kiện để các thực thể không phải là đảo được dùng làm điểm cơ sở nhằm vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là phải xây dựng trên đó một ngọn hải đăng hay một thiết bị tương tự.

Còn nếu chúng ở cách bờ biển đất liền hay một đảo trên 12 hải lý thì không được sử dụng làm điểm cơ sở nhằm vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Các công trình nhân tạo, kể cả là đảo nhân tạo được xây dựng trên đó, chỉ được phép xác lập một vùng an toàn bán kính 500m bao quanh các công trình nhân tạo đó.

Các thực thể là đảo, kể cả các đảo thuộc một quần đảo xa bờ, nếu ở cách bờ đất liền hay bờ của một đảo khác trên 12 hải lý thì từng đảo đều có đường cơ sở để tính phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng.

Tất nhiên, đối với các đảo không thích hợp cho người ở và không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải rộng không quá 12 hải lý.

 Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC

TRẦN THẮNG (từ Singapore)