24/12/2024

Tập trung đào tạo các ngành nông và ngư nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương chuyển Trường ĐH An Giang về ĐH Quốc gia TP.HCM. Việc thay đổi sẽ tác động đến sự phát triển của trường ĐH này trong thời gian tới như thế nào là vấn đề dư luận quan tâm.

 Trường ĐH An Giang là thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM

Tập trung đào tạo các ngành nông và ngư nghiệp

 

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương chuyển Trường ĐH An Giang về ĐH Quốc gia TP.HCM. Việc thay đổi sẽ tác động đến sự phát triển của trường ĐH này trong thời gian tới như thế nào là vấn đề dư luận quan tâm.




Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại cụm thi Trường ĐH An Giang /// Ảnh: Thanh Dũng

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại cụm thi Trường ĐH An GiangẢNH: THANH DŨNG

Phát triển ngành thế mạnh của địa phương
 
 
ĐH Quốc gia muốn đầu tư phát triển mạnh 2 mảng của Trường ĐH An Giang là nông nghiệp và sư phạm nhưng có nhiều điểm đặc thù của địa phương cần phải tính toán tiếp. Chẳng hạn, việc lấy điểm xét tuyển đối với thí sinh vào trường sẽ không thể cao bằng các trường thành viên khác được. Tuy nhiên, việc sáp nhập này sẽ có nhiều thuận lợi. Đó là trường sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng, sử dụng sự hỗ trợ về giảng viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, có nhiều kinh phí hoạt động… (Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang)
Đăng Nguyên (ghi)
 

Trả lời phóng viên Báo Thanh Niênchiều 8.12, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH này hiện đã có 6 trường thành viên và 1 khoa, nhưng chưa có đơn vị đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực nông – ngư nghiệp. Trong khi đó, Trường ĐH An Giang được đặt tại một trong những địa phương phát triển hàng đầu cả nước về lúa và cá, có những ngành nghề đào tạo về lĩnh vực này. Vì vậy, việc ĐH Quốc gia TP.HCM có thêm một trường ĐH thành viên như vậy là sự bổ sung cần thiết.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, đến thời điểm này quá trình chuyển giao mới chỉ trên nguyên tắc đồng ý về chủ trương, 2 đơn vị sẽ tiến hành các bước tiếp theo đúng lộ trình trong thời gian tới. Chia sẻ về định hướng đào tạo của thành viên mới, tiến sĩ Nghĩa cho biết sẽ tập trung phát triển các ngành vốn là thế mạnh của địa phương về lĩnh vực nông – ngư nghiệp. Với những ngành khác mà trường đang đào tạo (trong đó có nhiều ngành sư phạm) sẽ vẫn tiếp tục duy trì để giữ ổn định trong năm tới. Ngoài trình độ ĐH, trường sẽ phát triển thêm các chuyên ngành thạc sĩ, tiến sĩ để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Phía địa phương mong muốn Trường ĐH An Giang trở thành thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM để có thêm nguồn lực phát triển tốt hơn. “Trở thành một thành viên, Trường ĐH An Giang cũng sẽ tham gia vào hệ thống chung, trong đó có những hoạt động để đảm bảo văn hoá chất lượng như: đánh giá ngoài, kiểm định chất lượng các ngành đào tạo… Bên cạnh đó, trường cũng sẽ tập trung vào những nghiên cứu gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương”, tiến sĩ Nghĩa thông tin.
Có thể tham gia đề án tuyển sinh của ĐH Quốc gia
Riêng về tuyển sinh, hiện ĐH Quốc gia TP.HCM đang xây dựng đề án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để phục vụ tuyển sinh năm 2017. Dự kiến kết quả kỳ đánh giá năng lực này có thể được các trường thành viên sử dụng để xét tuyển một số ngành hoặc một phần chỉ tiêu các ngành (bên cạnh kết quả kỳ thi THPT, tuyển thẳng học sinh giỏi trường chuyên và năng khiếu).
Theo tiến sĩ Nghĩa, Trường ĐH An Giang có thể chủ động nghiên cứu đề án này để phục vụ việc tuyển sinh của trường.
Đã từng có doanh nghiệp đề nghị mua Trường ĐH An Giang

Trường ĐH An Giang được thành lập cuối tháng 12.1999, là trường ĐH công chịu sự quản lý chuyên môn của Bộ GD-ĐT, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh An Giang. Trường được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho An Giang và một số tỉnh lân cận, do tỉnh An Giang lo kinh phí đảm bảo hoạt động mỗi năm tới 70 – 80 tỉ đồng. Vào tháng 8.2015, một lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết từ khi đi vào hoạt động vào năm 2000, Bộ chỉ cấp 5 tỉ đồng, từ đó đến nay không hỗ trợ thêm gì dù UBND tỉnh nhiều lần kiến nghị. Trong khi đó, mỗi năm nguồn thu của trường chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hoạt động, còn lại ngân sách tỉnh phải bù đắp. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, do ngân sách khó khăn nên An Giang từng đề nghị chuyển giao trường về Bộ nhưng không được.
Trước tình hình này, năm 2015, một doanh nghiệp của tỉnh đề nghị mua lại hoặc nếu trường cổ phần hoá thì sẽ tham gia với tư cách là cổ đông. Bên cạnh ý kiến đề nghị nên giao trường này về lại Bộ, cũng có đề xuất nếu doanh nghiệp thật sự có ý muốn cải thiện tình hình thì giai đoạn đầu An Giang có thể giao cơ sở vật chất cho thuê, chuyển đội ngũ cán bộ cho doanh nghiệp quản lý như tinh thần của Quyết định 22/2015/QĐ-TTg Thủ tướng ký ban hành ngày 22.6.2015, trong đó nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục được “thí điểm cho thuê quản lý, thuê cơ sở vật chất, thí điểm cổ phần hoá trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn”.
Trường ĐH An Giang hiện có 16.000 sinh viên, học viên, gần 900 cán bộ công nhân viên.


 

Hà Ánh