Không chôn vốn trong DNNN
Quan điểm trên được Thủ tướng đưa ra khi kết luận hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 – 2020.
Không chôn vốn trong DNNN
Quan điểm trên được Thủ tướng đưa ra khi kết luận hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 – 2020.
Không thể chôn một lượng vốn rất lớn trong các doanh nghiệp nhà nước mãi trong khi nợ công tăng cao, cần nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tăng tốc thu hẹp quy mô khối này để vừa lấy tiền đầu tư, vừa tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
Quan điểm trên được Thủ tướng đưa ra khi kết luận hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 – 2020.
Lực cản từ những “ông chủ giả”
Theo Báo cáo việc thực hiện đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà trình bày, 5 năm qua, cả nước đã sắp xếp được 591 DN, trong đó cổ phần hoá được 499 DN, đạt 96% kế hoạch về số lượng. Tuy nhiên, điều khiến Thủ tướng không hài lòng và cho rằng việc tái cơ cấu chưa thực chất là vì tỷ lệ cổ phần bán ra mới chỉ vỏn vẹn 8% tổng số vốn nhà nước trong các DN.
Thảo luận về vấn đề này, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may, thẳng thắn cho rằng việc cổ phần hoá chậm là do tâm lý người đứng đầu DNNN muốn “làm ông chủ giả”, kinh doanh bằng tiền nhà nước thích hơn bỏ tiền túi ra làm ăn. “Trong khi đó, áp lực với họ chỉ là bảo tồn vốn nhà nước chứ không phải yêu cầu về tỷ lệ chi trả cổ tức, tăng trưởng nên họ chỉ cần không phá phách là yên tâm tại vị”, ông Nghị nhìn nhận. Đặc biệt, đại diện tập đoàn này cho hay theo lẽ thường, khi ông chủ nhà muốn bán một ngôi nhà thì phải làm mới để được giá thì trên thực tế, một số người đứng đầu DN lại muốn DN mình xấu đi, che đi các lợi thế để bán với giá thấp hoặc bán không được chỉ vì nhóm lợi ích.
Cũng là vấn đề tâm tư của cán bộ các DNNN, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, chia sẻ trước khi cổ phần hóa thì nhiều lãnh đạo không muốn, nhưng khi cổ phần hóa rồi thì họ lại muốn… nghỉ hưu sớm.
Không phủ nhận có những lý do chủ quan như ở nhiều thời điểm thể chế còn vướng mắc, phối hợp các bộ chưa trơn tru song vướng mắc lớn nhất, rào cản chính là do lợi ích cục bộ mà lãnh đạo DN, bộ sợ mất đi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tâm sự rằng từng nghe kể có bộ trưởng không muốn đẩy nhanh cổ phần hóa DN thuộc bộ mình chỉ vì khi bán xong thì tiếp khách không còn DN đứng sau lo liệu.
Bán vốn để giảm đi vay
Dẫn lại báo cáo của Bộ Tài chính, Thủ tướng cho biết 350 DN đã cổ phần hoá trong năm 2015 thì hầu hết đều làm ăn hiệu quả khi lợi nhuận trước thuế tăng 49%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39% và doanh thu tăng 29%, điển hình như Vinamilk, Tập đoàn xăng dầu, Vietnam Airlines…
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh nợ công tăng cao mà một nguồn lực rất lớn, lên đến 5 triệu tỉ đồng, trong DNNN chưa được sử dụng một cách hiệu quả là điều đáng tiếc. “Không thể để một lượng vốn rất lớn trong các DNNN mãi. Việc cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn 2011 – 2015 giúp ngân sách có thêm 78.000 tỉ đồng trong khi tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận vẫn tăng, nộp ngân sách của khối này vẫn tốt thì sao ta lại không làm”, Thủ tướng nói.
Nhắc lại thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng liên hệ trong vấn đề cổ phần hoá, kiến tạo thể hiện ở chỗ thấy được lĩnh vực nào tư nhân làm được thì nhà nước rút ra, ở những lĩnh vực độc quyền tự nhiên như điện lực, quốc phòng thì phải làm cho hiệu quả. “Khu vực DNNN phải nhỏ đi nhưng hiệu quả cao hơn. DNNN phải được đặt trong môi trường cạnh tranh hơn từ thị trường đầu vào cho đến đầu ra vì kinh tế thị trường thì trước hết phải cạnh tranh từ giá bán đến chất lượng, thương hiệu”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết sẽ sớm ký ban hành văn bản thay thế Quyết định 37 về phân loại danh mục DN để chỉ rõ lĩnh vực nào, công ty nào nhà nước phải nắm 100% vốn, cái nào cần tiếp tục chi phối trên 50% và những công ty 49% trở xuống thì sẽ bán hết. Báo cáo của Ban Chỉ đạo sắp xếp và đổi mới DN cho hay sau 15 năm sắp xếp, số DNNN đã giảm từ 6.000 trong 60 ngành, lĩnh vực xuống còn 718 DN hoạt động trên 19 lĩnh vực, tính đến hết tháng 10.2016.
|
Yêu cầu báo cáo vụ lãng phí biển cảnh báo cột điện
Trả lời báo chí bên lề hội nghị sắp xếp, đổi mới DNNN, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực VN (EVN) Dương Quang Thành cho hay đã yêu cầu Tổng công ty điện lực miền Bắc (NPC) báo cáo vụ việc có nguy cơ lãng phí hàng chục tỉ đồng khi thay biển cảnh báo cột điện và tính vào giá điện các chi phí này như Báo Thanh Niên đã nêu. Theo ông Thành, hiện EVN đang chờ NPC báo cáo nên chưa thể nói thêm.
|
Chí Hiếu