24/12/2024

Mới ra trường, lương 2.000 USD mới vừa?

“Em phải học tập như thế nào để lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?” – câu hỏi thú vị của nữ sinh viên sinh viên gần đây gợi mở: sinh viên mới ra trường mức lương bao nhiêu là vừa? Nhà tuyển dụng sẽ trả lương cho sinh viên mới ra trường như thế nào?

 

Mới ra trường, lương 2.000 USD mới vừa?

“Em phải học tập như thế nào để lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?” – câu hỏi thú vị của nữ sinh viên sinh viên gần đây gợi mở: sinh viên mới ra trường mức lương bao nhiêu là vừa? Nhà tuyển dụng sẽ trả lương cho sinh viên mới ra trường như thế nào?

 

 

 

Mới ra trường, lương 2.000 USD mới vừa?
Các bạn sinh viên tìm việc làm tại một ngày hội việc làm tổ chức ở TP.HCM – Ảnh: Q.PHƯƠNG

Câu hỏi của nữ sinh viên “Em phải học thế nào để lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?” được đặt ra tại một buổi tọa đàm ở Hà Nội vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Vậy sinh viên mới ra trường mức lương bao nhiêu là vừa? Nhà tuyển dụng sẽ trả lương cho sinh viên mới ra trường như thế nào?

Tốt nghiệp loại khá ngành ngữ văn tại một trường ĐH ở Bình Định, chị Ng.T.Ng.B. (25 tuổi, quê Bình Định) dò tìm thông tin tuyển dụng nhiều nơi ở quê hơn hai tháng nhưng vẫn không xin được việc làm. Chị quyết định khoác balô vào Sài Gòn tìm việc.

Có việc làm là mừng rồi

Vào Sài Gòn, B. lân la dò tìm thông tin tuyển dụng giáo viên ở các trường học nhưng khi gọi đến đều nhận được thông báo: cứ gửi hồ sơ đến nhà trường xem xét và sẽ phản hồi, gọi phỏng vấn nếu hồ sơ đáp ứng nhu cầu.

B. cho biết gửi hồ sơ khoảng năm đơn vị nhưng chờ hoài vẫn không thấy trường nào gọi phỏng vấn. Sau đó, được một trường nghề nhận làm việc nhưng công việc của B. không đúng chuyên môn. B. làm được hơn một tháng thì nghỉ việc vì trường hết mùa cao điểm tuyển sinh.

Cuối cùng chị đành nộp hồ sơ xin làm công nhân may ở một công ty tại khu công nghệ cao Q.9, với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng.

“Đi làm công nhân tạm thời trước đã, kiếm tiền lo cho cuộc sống, khi nào gặp được chỗ làm đúng chuyên ngành thì chuyển việc chứ chờ xin đúng chuyên ngành không biết đến khi nào mới có việc. Thời buổi này thấy thông tin cả trăm nghìn cử nhân thất nghiệp nên xin được việc làm là mừng rồi” – B. chia sẻ.

Trong không gian đông nghịt khách ở một quán nhậu tại đường 79 (Q.9) trong bộ đồng phục một hãng bia, Tr. (25 tuổi) tất bật đi lại lấy bia khui cho khách, rồi tới bàn khác mời khách dùng bia của hãng mà mình tiếp thị.

Ít ai biết rằng Tr. là cử nhân quản trị kinh doanh vừa tốt nghiệp tại một trường ĐH lớn ở TP.HCM. “Công việc này mình làm từ năm 2 ĐH đến nay. Ra trường, gửi hồ sơ ở nhiều doanh nghiệp nhưng chưa xin được việc nên tiếp tục đi làm thôi” – Tr. nói.

Chuyện sinh viên ra trường thất nghiệp, không tìm được việc đúng chuyên ngành, phải làm trái ngành nghề không còn là xa lạ. Tại nhiều nơi như công trường, xưởng may, quán ăn, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cử nhân đi làm công nhân, tiếp thị, phục vụ quán…

“Các bạn cần xác định rằng mình ứng tuyển vào vị trí đó là vì mức lương hay để học hỏi, tích luỹ  kinh nghiệm cho bản thân. Nếu vì tiền lương thì hãy quên việc ứng tuyển đó! Nhà tuyển dụng cần ở sinh viên mới ra trường là thái độ, tác phong đối với công việc” - Ông TRẦN ANH TUẤN (phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)

Đâu dễ có lương khởi điểm 15 triệu đồng

Nguyễn Việt Tiến (29 tuổi), hiện là kỹ sư giám sát công trình xây dựng cho một công ty xây dựng tại Q.Tân Bình, cho biết khi tốt nghiệp, được công ty phỏng vấn và nhận vào làm việc với mức lương 15 triệu đồng/tháng.

“Với một kỹ sư mới ra trường mức lương này là tương đối cao. Tuy nhiên để có mức lương đó, tôi đã trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm làm việc thời sinh viên, chứng minh cho nhà tuyển dụng mình sẽ làm được những gì cho công ty.

Sau thử việc ba tháng, tôi chính thức được làm việc lâu dài tại công ty. Nhà tuyển dụng biết họ phải chi trả lương bao nhiêu ở vị trí công việc của từng ứng viên” – Tiến nói.

Để có mức lương cao, sinh viên cần phải làm gì? Tiến sĩ Trần Đức Hạnh, tổng giám đốc Công ty Marphavet, mới đây đã chia sẻ với sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM rằng nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương cao cho ứng viên, với điều kiện đó là người thực sự xuất sắc hơn những gì nhà tuyển dụng yêu cầu. Nhưng những trường hợp đó rất hiếm.

Ông Hạnh cho biết các doanh nghiệp lớn đã trả lương 3-5 triệu đồng cho sinh viên ngay khi họ đang thực tập tại doanh nghiệp.

“Muốn có mức lương cao, bạn phải chứng minh được mình làm được gì, mục tiêu của bạn ở vị trí công việc đó là gì. Bạn phải biết rằng phải làm như thế nào thì doanh nghiệp mới trả mức lương đó cho mình? Không nhà tuyển dụng nào lại bỏ một số tiền lớn trả lương cho ứng viên khi họ mới chỉ nghe ứng viên nói mà chưa thấy hiệu quả ứng viên làm” – ông Hạnh nói.

Ông Nguyễn Quang Tiệp, giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, chia sẻ một bộ phận sinh viên mới ra trường hiện nay vẫn mang tâm lý tự thoả mãn, đôi khi là ảo tưởng.

“Nhà tuyển dụng khi đưa ra vị trí tuyển dụng nào đều dự trù mức lương và những tiêu chuẩn cụ thể. Khi ứng viên đáp ứng được các tiêu chí tuyển dụng và đồng ý với mức lương thì ứng viên và nhà tuyển dụng sẽ hợp tác cùng nhau.

Bạn muốn nhà tuyển dụng trả 10 đồng thì bạn phải làm thế nào để mang về cho doanh nghiệp nhiều hơn số tiền đó nhiều lần. Không có nhà tuyển dụng nào lại trả cho bạn 10 đồng để bạn làm việc khi hiệu quả bạn mang về dưới 10 đồng cả” – ông Tiệp nói.

Theo Bản tin thị trường lao động quý 2-2016 của Bộ Lao động – thương binh và xã hội vừa công bố, trong quý 2-2016 cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.

Con số này đã tăng 16.400 người so với quý 1-2016. Trong đó, có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật; 191.300 người trình độ từ ĐH trở lên; 94.800 người trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp bị thất nghiệp.

QUANG PHƯƠNG