Chê sáng kiến biển báo 18.000 đồng để đặt giá 180.000 đồng
Ngay sau khi đăng tải bài viết Lãng phí hàng chục tỉ đồng rồi tính vào giá điện?, Thanh Niên tiếp tục nhận được nhiều phản ánh bức xúc về câu chuyện lãng phí cũng liên quan đến việc lắp đặt biển báo an toàn điện tại NPC.
Vụ lãng phí biển cảnh báo an toàn điện:
Chê sáng kiến biển báo 18.000 đồng để đặt giá 180.000 đồng
Ngay sau khi đăng tải bài viết Lãng phí hàng chục tỉ đồng rồi tính vào giá điện?, Thanh Niên tiếp tục nhận được nhiều phản ánh bức xúc về câu chuyện lãng phí cũng liên quan đến việc lắp đặt biển báo an toàn điện tại NPC.
Công nhận sáng kiến rồi “xếp xó”
Từ năm 2014, Tổng công ty điện lực miền Bắc (NPC) có chủ trương vận động các đơn vị thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến sản xuất hạ giá thành chi phí sản xuất. Hưởng ứng cuộc vận động này, Công ty điện lực Lào Cai đã có sáng kiến “Dùng phương pháp in mầu trên bạt trắng kết hợp với keo sữa Latex để làm biển báo nguy hiểm, biển số cột, tên lộ các đường dây”. Với phương pháp này, giá thành các biển báo an toàn điện chỉ khoảng 18.000 đồng/biển báo. Ngày 14.1.2015, NPC đã có Văn bản số 172/TB về việc Họp xét duyệt sáng kiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất cấp tổng công ty công nhận sáng kiến của Công ty điện lực Lào Cai và khuyến khích áp dụng trong thực tế.
Nhưng dù công nhận, sáng kiến này cũng bị vứt xó để rồi NPC lại buộc các đơn vị thành viên mua biển báo theo cách thức khác với chi phí gấp hàng chục lần là điều khó hiểu, gây ra bức xúc cho cán bộ nhân viên của NPC.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, phương pháp in màu trên bạt trắng kết hợp với keo sữa Latex để làm biển báo nguy hiểm, biển số cột, tên lộ các đường dây mặc dù bị “chê” tại NPC nhưng lại đang được triển khai tại một số tổng công ty của EVN. Đơn cử tại Công ty điện lực Quảng Ngãi thuộc Tổng công ty điện lực miền Trung, phương pháp này đã được áp dụng từ năm 2009 cho đến nay đã gần như áp dụng đồng bộ cho toàn bộ lưới điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo tính toán với phương pháp này, chi phí cho mỗi một biển báo chỉ hết khoảng 13.000 đồng, tuổi thọ khoảng 5 năm.
Việc lắp đặt biển báo an toàn điện hiện đang là bài toán đau đầu cho nhiều đơn vị thành viên thuộc NPC. Như Thanh Niên đề cập gói thầu mua sắm biển báo: “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người”, trị giá hơn 31 tỉ đồng đã được NPC áp dụng từ tháng 7.2016. Đến nay một số đơn vị thành viên của NPC như Điện lực Lào Cai, Điện lực Thái Nguyên… vẫn đang áp dụng phương pháp sơn biển báo trực tiếp trên cột điện. Tuy nhiên nếu thực hiện theo cách này và chiếu theo các văn bản chỉ đạo từ NPC thì những người đứng đầu các đơn vị thành viên đang phải đối mặt với mức kỷ luật “không hoàn thành nhiệm vụ” từ tổng công ty.
Kỳ công nên đắt!
Hôm qua (5.12), ông Trần Xuân Mai, Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Mai – đơn vị trúng thầu biển báo với NPC, đã chủ động liên lạc qua điện thoại với Thanh Niên. Qua đó, biện minh vì sao một chiếc biển báo có giá hơn 180.000 đồng, ông Mai cho biết: “Biển báo của chúng tôi làm bằng thép, sơn lót nhiều lần, có gắn cả phản quang. Mỗi thợ của chúng tôi mỗi ngày cũng chỉ làm được 4 – 5 cái biển báo rất kỳ công. Đắt nhưng mà xắt ra miếng”.
Để làm rõ thêm thông tin, cùng ngày 5.12, Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo NPC nhưng đều bị cáo bận. Đến cuối ngày, ông Dư Cao Minh, Phó tổng giám đốc NPC đã có văn bản gửi Báo Thanh Niên. Trong văn bản này, NPC cho biết: Do 13 tỉnh thuộc khu vực quản lý NPC có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên các biển báo theo hình thức sơn trực tiếp trên cột, dán đề can… bộc lộ những nhược điểm như: dễ bong tróc, ăn mòn ở những nơi điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thường bị cộng đồng sơn quảng cáo khác đè lên, đêm tối hoặc ở những vị trí đông dân cư khó nhận biết do không có sơn phản quang… Do đó, năm 2016, NPC đã tiếp tục tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung các biển báo an toàn điện.
Về biển báo “Cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” đã mua với giá hơn 180.000 đồng/biển theo gói thầu đã ký, ông Dư Cao Minh cho rằng đây là các biển báo bằng thép sơn phản quang, do có những ưu điểm như: thời gian sử dụng kéo dài (10 – 15 năm), chịu được trong các địa hình, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, biển có sơn phản quang nên dễ nhận biết ngay cả khi đêm tối, biển có thể tháo rời để sử dụng trong trường hợp cột điện bị hư hỏng, gãy đổ để tận dụng lắp đặt sang cột điện khác, không phải sơn sửa hằng năm…
Thái Sơn