23/12/2024

Hoá đơn khống bán tràn lan

Tình trạng mua bán trái phép hoá đơn diễn ra tràn lan, gây thất thu cho ngân sách và rủi ro cho các doanh nghiệp chẳng may nhận phải các hoá đơn ma này.

 

Hoá đơn khống bán tràn lan

Tình trạng mua bán trái phép hoá đơn diễn ra tràn lan, gây thất thu cho ngân sách và rủi ro cho các doanh nghiệp chẳng may nhận phải các hoá đơn ma này.



Từ phản ánh của bạn đọc, PV Thanh Niên tìm hiểu, phát hiện một nhóm người ngang nhiên phân chia lãnh địa tổ chức mua bán hóa đơn (HĐ) bán hàng, HĐ giá trị gia tăng (GTGT) ngay giữa trung tâm Sài Gòn từ nhiều năm nay. 

 
 
Hóa đơn khống bán tràn lan - ảnh 1
Người bán hoá đơn 300.000 đồng mà nói là muốn về ghi bao nhiêu tiền trong đó thì người mua hãy cẩn thận. Quy định của cơ quan thuế 3 liên của hoá đơn sẽ phải trùng khớp thông tin, còn không thì hoá đơn đó là bất hợp lệ
Hóa đơn khống bán tràn lan - ảnh 2
 
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang
 
Theo đó, địa phận đường Lê Lợi (đoạn Nguyễn Trung Trực – Nam Kỳ Khởi Nghĩa) do ông H. “xe ôm” cát cứ; góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi của bà T.; góc đường Nguyễn Trung Trực – Lê Lợi (Q.1) của bà H… Để tránh sự phát hiện của công an, họ sử dụng tiếng lóng “đổi đô” để giao dịch.
Mua bao nhiêu cũng có
Chiều 21.11, chúng tôi vừa tấp xe vào lề đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì bà T. luôn miệng: “Đổi đô, đổi đô phải không?”. Sau cái gật đầu của chúng tôi, bà T. chào hàng: “Mua loại nào em trai? Nếu mua HĐ GTGT giá 300.000 đồng/tờ. Em muốn ghi bao nhiêu tiền vào đó thì tuỳ…”. Nói xong, bà T. đưa 2 tờ HĐ GTGT của “Công ty TNHH H.L ở Q.Gò Vấp”, “Công ty CP XD TM-DV T.Đ ở Q.3” cho chúng tôi xem và đồng ý giảm còn 250.000 đồng/tờ. Trước khi chia tay, bà T. dặn dò: “Lần sau có mua thì a lô, chị cho người giao tận nơi. Mua bao nhiêu tờ cũng có hết, chứ mua bán ngoài đường như vậy dễ bị công an bắt”. Bà H. trên đường Nguyễn Trung Trực còn chịu chơi hơn: “Mua của cô là cô “bao” hết. Về đối chiếu trên mạng, nếu thấy công ty đó còn hoạt động và mã số thuế giống nhau thì được rồi. Nếu phát hiện công ty đó ngưng hoạt động thì cứ tới đây cô đổi HĐ khác”.
Hóa đơn khống bán tràn lan - ảnh 3

Chân dung bà T. bán hóa đơn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa


Ngày 24.11, chúng tôi trong vai đi mua bán HĐ, gặp ông H. với vỏ bọc chạy xe ôm, đang ngồi trên chiếc xe máy, ra giá: “HĐ bán hàng của nhà hàng B.Đ ở Q.Phú Nhuận giá 350.000 đồng/tờ. Giá hơi cao vì mấy bữa nay gần cuối năm nhiều người mua nên không có hàng”. Sau một hồi trả giá, H. giảm xuống còn 300.000 đồng/tờ. Khi chúng tôi đặt vấn đề cần mua số lượng lớn, H. nói bao nhiêu cũng có nhưng liên lạc qua điện thoại, giao tận nơi để tránh bị công an phát hiện. 

 
 
Để làm rõ các HĐ trên, đầu tháng 12.2016, chúng tôi tìm gặp người đại diện của Công ty TNHH H.L (Q.Gò Vấp, TP.HCM) và nhà hàng B.Đ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) xác minh nhưng các đơn vị này đều khẳng định không bán HĐ, đồng thời xác nhận các HĐ trên là giả. Tương tự, một lãnh đạo của Công ty CP XD TM-DV T.Đ ở Q.3 cho biết : “Công ty không có chủ trương bán HĐ nhưng có trường hợp HĐ đỏ của công ty bị làm giả vì công an từng đến đây hỏi về vấn đề này”.

 


Tràn lan trên mạng
Chỉ cần gõ “mua bán HĐ” trên Google, hàng loạt số điện thoại, công ty hiện ra với nhiều thông tin xuất bán HĐ khống trên mọi lĩnh vực, có để lại số điện thoại, địa chỉ email liên lạc… Dịch vụ mua bán HĐ trên Facebook còn tiếp thị liều lĩnh hơn: “Chuyên cung cấp HĐ đỏ, xuất HĐ GTGT, xuất HĐ khống, xuất HĐ xuất khẩu; chuyên viết HĐ đỏ, xuất HĐ tất cả mặt hàng do quý khách yêu cầu để quyết toán thuế…”. Phía dưới thu hút cả trăm comment, trong đó có nhiều người đặt mua số lượng lớn HĐ với số tiền từ hàng trăm triệu đồng đến nhiều tỉ đồng.
Chúng tôi chọn một dịch vụ này đặt hàng thì đầu dây bên kia tự giới thiệu tên Quý, là nhân viên Công ty TNHH TM DV H.N.P (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Sau khi chúng tôi hỏi mua HĐ để hợp thức hoá đất san lấp dự án mặt bằng trị giá 3,5 tỉ đồng, Quý nhiệt tình tư vấn, khuyên nên chia thành 5 – 6 HĐ, mỗi HĐ trị giá khoảng 500 – 600 triệu đồng cho cán bộ thuế không nghi ngờ. Để tạo niềm tin, Quý đọc mã số thuế cho chúng tôi gõ tra cứu tên công ty trên mạng nhằm chứng minh công ty cung cấp đúng chức năng kinh doanh và vẫn đang hoạt động bình thường, chứ không phải công ty “ma”. “Công ty của em cung cấp HĐ cho nhiều công ty lớn và số tiền lớn hơn anh nhiều nên anh yên tâm đi. Sau khi anh xin thông tin của đối tác, gửi qua cho em thì em sẽ cho người mang HĐ qua giao tận nơi cho anh với tiền phí 5% trên tổng số tiền đầu tư dự án”, Quý tiết lộ.
 
Hóa đơn khống bán tràn lan - ảnh 4

Hóa đơn khống bán tràn lan - ảnh 5

H. “xe ôm” bám trụ trên đường Lê Lợi (ảnh trên) và bà H. bán hóa đơn trên đường Nguyễn Trung Trực


Quá nhiều rủi ro
Thực tế, việc mua – bán HĐ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Giám đốc một công ty thép tại TP.HCM bức xúc cho hay hồ sơ xin hoàn thuế của doanh nghiệp (DN) bị găm từ nhiều năm nay khi cơ quan thuế thông tin trong hồ sơ có nhiều HĐ “ma”. Không được hoàn thuế, công ty khốn đốn vì thiếu vốn quay vòng nhưng cũng chưa biết phải giải quyết thế nào.


Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho hay một số đơn vị không có HĐ đầu vào nên phát sinh việc mua HĐ hợp thức các chi phí hoặc mua HĐ nhằm tăng chi phí để giảm phần thuế phải nộp. Cũng có trường hợp dùng để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường, hay để hoàn tất thủ tục xin hoàn thuế… Từ nhiều năm nay, cơ quan thuế quản lý chặt chẽ việc bán HĐ cho các hộ kinh doanh, cá nhân và cả phần tự in HĐ của DN. Đối với những đơn vị thu thuế khoán, cơ quan thuế sẽ thực hiện bán HĐ lẻ hoặc cuốn (trong trường hợp hộ khoán nhưng có doanh số bán cao). Vì vậy việc mua bán HĐ là rất rủi ro.
Hóa đơn khống bán tràn lan - ảnh 7

Cơ quan công an thu giữ tài liệu của một công ty mua bán hoá đơnẢNH: ĐÀM HUY


Ông Xoa cảnh báo: “Người bán HĐ 300.000 đồng mà nói là muốn về ghi bao nhiêu tiền trong đó thì người mua hãy cẩn thận. Quy định của cơ quan thuế 3 liên của HĐ sẽ phải trùng khớp thông tin, còn không thì HĐ đó là bất hợp lệ”. Theo ông Xoa, ngay cả việc những người bán nói rằng có thể thực hiện kiểm tra tính chính xác của HĐ trên hệ thống của cơ quan thuế cũng vẫn rủi ro. Bởi cơ quan thuế thường thực hiện kiểm tra DN 3 – 4 năm sau đó, đây cũng có thể là thời điểm DN bán HĐ biến mất và công ty sử dụng HĐ mua “lụi” sẽ gặp phiền phức, có thể không được hoàn thuế. Đã có trường hợp DN thực hiện hồ sơ xin hoàn thuế nhưng cơ quan thuế phát hiện trong hồ sơ có sử dụng HĐ của những DN bị nghi là “ma” và DN mua HĐ không chỉ khó được hoàn thuế mà còn đứng trước nguy cơ bị cơ quan chức năng “hỏi thăm”.
Dùng CMND người khác lập công ty, bán khống 1.500 hóa đơn
Ngày 5.12, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng cho biết đã bắt tạm giam Nguyễn Phước Toàn (33 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) về hành vi mua bán trái phép HĐ, chứng từ. Theo điều tra, từ tháng 9.2014, Toàn cùng nhiều đồng phạm ra TP.Đà Nẵng thành lập Công ty TNHH Tâm Khang Nguyễn (Q.Sơn Trà) và Công ty TNHH Nguyên Gia Bảo (Q.Thanh Khê). Toàn đã mua lại các CMND của người khác để làm thủ tục và giả chữ ký để đứng tên công ty nhằm xóa dấu vết. Do đó, dù đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng nhưng 2 công ty này không hoạt động mà in và bán HĐ. Cơ quan CSĐT xác định đến khi bị bắt ngày 1.12.2016, Toàn và đồng phạm đã bán khống khoảng 1.500 HĐ cho hàng trăm đơn vị, thu gần 50 tỉ đồng.
Văn Tiến


Đ.Huy – T.Huy – T.Xuân