Đó là khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú (ảnh) khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên khi thời gian qua trong dư luận có thông tin VN sắp đổi tiền.
Tung tin đổi tiền là có dụng ý xấu
Đó là khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú (ảnh) khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên khi thời gian qua trong dư luận có thông tin VN sắp đổi tiền.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 29.11, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức bác bỏ thông tin đổi tiền.
Theo ông, nguyên nhân của tin đồn đổi tiền này là từ đâu? Ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc này như thế nào?
Vừa qua, một số nước trên thế giới thay đổi những đồng tiền có mệnh giá lớn như ở Ấn Độ, đồng tiền 500 euro của châu Âu. Thay đổi này cũng là việc rất bình thường của các nước và nó hoàn toàn không có tác động, không làm ảnh hưởng và cũng không liên quan gì đến giá trị đồng tiền VN. Nhưng cũng có thể, đây là nguyên nhân dẫn đến những suy diễn về việc đổi tiền hiện nay. Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 29.11 vừa qua, đã có phóng viên hỏi và chúng tôi cũng đã trả lời rất rõ ràng: Đó là những thông tin không chính xác, thông tin thất thiệt, gây hoang mang cho một số người dân. Nhân đây, tôi khẳng định lại một lần nữa đó hoàn toàn là thông tin thất thiệt, bịa đặt và thậm chí có dụng ý xấu.
Trong điều kiện kinh tế xã hội đang ổn định, không có lý do gì lại phải đổi tiền, kể cả thay đổi cơ cấu mệnh giá. NHNN VN hoàn toàn không có động tác nào, không có hoạt động nào liên quan đến đổi tiền. Bởi đồng tiền của VN hiện nay kể cả về giá trị, cơ cấu, mệnh giá là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng yêu cầu trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế.
Tỷ giá VND/USD nằm trong kiểm soát
Thời gian gần đây, tỷ giá giữa VND và USD biến động, có xu hướng tăng trên 1% trong khi cung – cầu ngoại tệ trong nước khá cân đối; thanh khoản nội – ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng ổn định; các yếu tố vĩ mô không có biến động… Ông lý giải thế nào về biến động tỷ giá này?
Chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, người dân, kể cả các ngân hàng thương mại cần thận trọng trong chính sách kinh doanh và sử dụng ngoại tệ của mình. Việc mua vào nhiều hoặc găm giữ ngoại tệ phải hết sức cân nhắc thận trọng để tránh những thiệt hại
Đúng thế, yếu tố nội tại không phải là nguyên nhân tạo nên biến động tỷ giá mà yếu tố khách quan mới là nguyên nhân chính. Chúng ta có thể thấy rất rõ, sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ thì một số chính sách kinh tế của Mỹ có những biến động, nhất là chính sách về USD được tăng giá. Chỉ trong vòng 25 ngày của tháng 11, USD đã tăng giá 3,4%, buộc đồng tiền của các nước, kể cả những đồng tiền chủ chốt trên thế giới cũng phải có những chính sách thay đổi phù hợp với việc tăng giá của USD. Ngay cả Trung Quốc, một nền kinh tế lớn và các nước trong khu vực ASEAN cũng đều phải điều chỉnh giảm giá đồng tiền của mình để phù hợp với sự lên giá của USD. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, VN không thể “neo” tỷ giá theo ý thức chủ quan, mà phải chủ động điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, phù hợp.
Chính vì thế, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm để đạt được một tỷ giá hợp lý, vừa đảm bảo cung cầu ngoại tệ trong nước, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, đảm bảo quan hệ tỷ giá của đồng VN với đồng tiền các nước. Đó là lý do, dù tỷ giá giữa VND với USD thời gian qua có sự biến động nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát, nằm trong sự chủ động điều hành, điều chỉnh của NHNN.
Nhưng không thể phủ nhận, thị trường có kỳ vọng tăng tỷ giá ngoài và thực tế, giá USD tự do cuối tuần qua đã vượt ngưỡng 23.000 đồng/USD thưa ông?
Dịp cuối năm, tâm lý kỳ vọng điều chỉnh mạnh tỷ giá do nhu cầu ngoại tệ tăng là có. Tâm lý này cũng “đẩy” tỷ giá, nhất là tỷ giá ngoài thị trường tự do đã có lúc lên đến 23.000 đồng/USD. Tuy nhiên, sau khi NHNN điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm cũng như đưa ra những thông điệp một cách rõ ràng trong việc điều hành thì tỷ giá đã giảm. Hiện nay thị trường chính thức đang có xu hướng giảm dần và ổn định.
Tiếp tục cho doanh nghiệp xuất – nhập khẩu vay ngoại tệ
Thời gian tới, việc thay đổi chính sách giá trị đồng tiền của các nước, nhất là Mỹ và các nước có đồng tiền chủ chốt, chắc chắn sẽ tiếp tục tác động đến tỷ giá nói riêng và kinh tế VN nói chung, NHNN đã có giải pháp gì để chủ động ứng phó với điều này?
Tôi cho rằng trong thời gian tới, chính sách tỷ giá cũng có những thuận lợi. Thứ nhất là sự ổn định kinh tế vĩ mô đã và đang được chính phủ điều hành quyết liệt. Thứ hai, các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu đều đang hoạt động tích cực, hiệu quả, nguồn đầu tư trực tiếp – gián tiếp nước ngoài vẫn gia tăng và một số dự án cũng được giải ngân tích cực vào cuối năm. Thứ ba, theo ước tính của NHNN, cán cân thanh toán tổng thể cuối năm 2016 có thể đạt thặng dư khoảng 8,5 tỉ USD, kiều hối đến thời điểm hiện nay đạt gần 6,5 tỉ USD và cuối năm nay dự kiến khoảng 9 tỉ USD. Nghĩa là nguồn ngoại tệ cũng tương đối phong phú. Chưa kể một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đã và đang sẵn sàng đầu tư vào VN, tham gia vào các hoạt động về thoái vốn của DN nhà nước hay mua cổ phần của các DN lớn đang cổ phần hóa. Đây cũng là nguồn ngoại tệ hết sức phong phú để tăng lượng cung cho nền kinh tế.
Mặt khác, NHNN cũng tiếp tục thực hiện chính sách cho các DN xuất – nhập khẩu có nhu cầu vay bằng ngoại tệ kéo dài đến hết 2017. Tất nhiên khi cần thiết, NHNN hoàn toàn chủ động với nguồn ngoại tệ bán can thiệp thị trường. Những chính sách này tiếp tục tạo sự ổn định cho các DN có nhu cầu ngoại tệ và cho các ngân hàng thương mại, để đảm bảo khả năng cung ứng ngoại tệ đầy đủ cho khách hàng. Vì vậy, chúng tôi tin rằng tỷ giá VND với USD sẽ được NHNN điều hành đạt mục tiêu ổn định và linh hoạt một cách hợp lý.
Chúng tôi cũng khuyến cáo các DN, người dân, kể cả các ngân hàng thương mại cần thận trọng trong chính sách kinh doanh và sử dụng ngoại tệ của mình. Việc mua vào nhiều hoặc găm giữ ngoại tệ phải hết sức cân nhắc thận trọng để tránh những thiệt hại.
Thận trọng khi quyết định mua vàng lúc này
Không chỉ tỷ giá, thị trường vàng trong nước cũng đang có những xáo trộn mạnh. Cuối tuần qua, giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới tới gần 4 triệu đồng/lượng. Điều này có thể dẫn tới hoạt động vàng lậu và tác động đến tỷ giá. Ông có thể cho biết quan điểm của NHNN về việc này?
Thực ra, đây không phải là lần đầu chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế bị kéo giãn ra như vậy. Trong mấy năm qua, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cũng đã nhiều lần xuất hiện, thậm chí có những lúc lên đến hơn 5 triệu/lượng. Với lần này, chúng tôi cho rằng có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ. Ngay hôm đó, giá vàng thế giới đã tăng đột biến và giá vàng trong nước cũng tăng theo. Nhưng sau một thời gian, giá vàng thế giới đã giảm và hiện nay vẫn đang có xu hướng giảm. Giá vàng VN theo thông lệ thường giảm chậm hơn nên sau một thời gian khoảng chênh lệch này sẽ thu hẹp.
Thứ hai là do yếu tố tâm lý của người dân. Đặc biệt vừa qua lại có thông tin đổi tiền, một số người dân hoang mang có khi lại rút tiền tiết kiệm để mua vàng, tạo ra chênh lệch trong quan hệ cung cầu vàng có tính thời điểm. Tuy nhiên qua theo dõi, chúng tôi thấy tần suất thấp và khối lượng giao dịch thực tế trên thị trường là rất nhỏ. NHNN vẫn theo dõi và quản lý chặt chẽ giá vàng và các hoạt động kinh doanh vàng để có những biện pháp điều chỉnh khi cần thiết. Ngay cả khi giá vàng có những bất ổn thì NHNN vẫn có những giải pháp mạnh, kể cả trường hợp cần thiết phải bán can thiệp để đảm bảo ổn định thị trường vàng. Vì vậy, người dân cần thận trọng trong quyết định mua vàng lúc này, bởi giá vàng thế giới lên xuống vẫn thường xuyên diễn ra.