Cà phê được giá, nông dân vẫn… ‘méo mặt’
Hàng chục ngàn nông dân trồng cà phê Tây nguyên vẫn “méo mặt” dù giá cà phê cao hơn 10 triệu đồng/tấn so với niên vụ trước.
Cà phê được giá, nông dân vẫn… ‘méo mặt’
Hàng chục ngàn nông dân trồng cà phê Tây nguyên vẫn “méo mặt” dù giá cà phê cao hơn 10 triệu đồng/tấn so với niên vụ trước.
Kiếm nhân công khó
“Méo mặt” vì tìm nhân công thu hái cà phê không hề dễ. Lực lượng lao động từ các tỉnh miền Trung, phía bắc không đổ dồn về Tây nguyên như những năm trước. Anh Nguyễn Văn Hoà ở H.Mang Yang (Gia Lai) có 3 ha cà phê, lo lắng: “Cà phê nhà mình đã đến lúc phải thu hái nhưng không kiếm được nhân công. Bình thường giá nhân công tại chỗ chỉ 150.000 đồng/người/ngày, giờ tăng lên 200.000 – 220.000 đồng. Còn hái khoán tính theo ký thì giá công lên đến 1.100 đồng/kg quả tươi. Hái xong cà phê, tiền công tốn khoảng 25 triệu đồng. Cộng tiền chăm sóc, tiền phân bón, nước tưới… thì tiền lời chẳng là bao”.
Một vùng chuyên canh cà phê rộng lớn ở Gia Lai nói chung cũng như toàn Tây nguyên đang rất thiếu nhân công thu hái cà phê. Tại các vườn có năng suất cao, những người hái thuê thường ép chủ vườn hái khoán tính theo ký để được lợi công. Song, tác dụng ngược của cách khoán này là người hái vì cố hái càng nhiều cà phê càng tốt nên họ thiếu đi sự cẩn thận. Cành cà phê bị tuốt sạch, bị gãy… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất mùa sau. Chị Nguyễn Thị Hòa ở xã Đăk Smeik, H.Đăk Đoa (Gia Lai) có 1,3 ha cà phê, tiền thuê nhân công tốn hơn 10 triệu đồng, nói: “Cà phê của mình năm nay quả thưa nên tốn nhiều công. Thu hái vừa xong là mình bán liền, được hơn 2,5 tấn nhân, giá hơn 100 triệu đồng. Sau khi trừ tiền nhân công, phân bón, chăm sóc thì số tiền lời còn lại chưa đến 30 triệu đồng”.
Nhiều nông dân khi thuê được người thu hái phải “cưng như trứng mỏng” vì sợ phật ý, họ bỏ về thì không kiếm được ai thay. Vùng chuyên canh cà phê Tây nguyên lớn nhất cả nước, chiếm trên 95% diện tích với trên dưới 500.000 ha cà phê thiếu hàng trăm ngàn ngày công thu hái khi đến thời vụ. Hầu hết nông dân đều chọn giải pháp… tuốt sạch dù cà phê chưa chín đều vì thiếu nhân công, phần lo bị trộm.
Sản lượng giảm
Theo dự báo của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây nguyên, sản lượng cà phê niên vụ này giảm từ 10 – 30% tùy khu vực. Ngoài ra, theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), toàn vùng Tây nguyên có trên dưới 100.000 ha cà phê cần tái canh. Số diện tích này có sản lượng thấp kéo theo sản lượng toàn vùng đi xuống. Đây là niên vụ thứ hai sản lượng cà phê giảm. Tại Gia Lai, với trên dưới 80.000 ha cà phê đang kinh doanh trong đợt hạn hán do El Nino đã có trên 20.000 ha gặp hạn, giảm năng suất từ 30 – 70%.
Giá cà phê năm nay tăng hơn niên vụ trước cả chục triệu đồng/tấn. Lúc cao điểm vào tháng 10, cà phê nhân xô được mua vào với giá 45,2 triệu đồng/tấn. Hiện giá đang giữ ở mức trên dưới 43 triệu đồng/tấn. Giá tốt là vậy nhưng vì sản lượng giảm mạnh nên nông dân không thu lợi được bao nhiêu. Theo tính toán của nhiều nông dân, mỗi héc ta cà phê nếu chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng dao động từ 3 – 6 tấn nhân. Với giá trên mỗi héc ta thu được từ 160 – 250 triệu đồng. Tổng chi phí tốn chừng 1/3 số tiền thu được. Song, thực tế về sản lượng cà phê của niên vụ này là sự thật đáng buồn đối với hàng chục ngàn hộ trồng cà phê ở Tây nguyên.
Bắt nghi phạm hái trộm cà phê
Sau khi Thanh Niên phản ánh tình trạng trộm cà phê gây xôn xao dư luận ở Tây nguyên, ngày 3.12 Công an H.Đăk Hà (Kon Tum) cho biết đã theo dõi và bắt được một nghi phạm hái trộm cà phê của người dân trong vùng. Tại cơ quan chức năng, nghi phạm Võ Văn Nồng (20 tuổi, ở TT.Đăk Hà, H.Đăk Hà) khai nhận: Vào tối 17.10, Nồng đã cùng Lê Bá Toàn (cùng ở TT.Đăk Hà) vào rẫy cà phê của ông Hoàng Ngọc Lự ở cùng địa phương để bẻ cành, tuốt cà phê tươi với số lượng hơn 300 kg rồi mang đi bán được trên 2,1 triệu đồng chia nhau tiêu xài. Hiện nay, Toàn còn đang lẩn trốn.
Phạm Anh
|
Trần Hiếu