Biển Đông giữa “hai thế giới”
Có lẽ cuối năm 2016 sẽ là một thời điểm quan trọng khi nhiều sự kiện dồn dập đến cùng lúc liên quan đến Biển Đông, sau phán quyết của Tòa trọng tài và kết quả bất ngờ của bầu cử tổng thống Mỹ cuối tháng 11.
Biển Đông giữa “hai thế giới”
Có lẽ cuối năm 2016 sẽ là một thời điểm quan trọng khi nhiều sự kiện dồn dập đến cùng lúc liên quan đến Biển Đông, sau phán quyết của Tòa trọng tài và kết quả bất ngờ của bầu cử tổng thống Mỹ cuối tháng 11.
Tàu chiến 995 của Trung Quốc thời điểm tháng 11-2015 – Ảnh do thuyền viên tàu Hải Đăng 05 cung cấp |
Một Biển Đông yên tĩnh trong dữ tợn vì tính bất định của nó đã trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết |
Một Biển Đông yên tĩnh trong dữ tợn vì tính bất định của nó đã trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết. Đó là những cảm nhận của các học giả quốc tế tại Hội nghị Biển Đông lần thứ 8 được tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hoà) vừa qua.
Những cơn sóng dữ
Tân tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ làm gì? Và chính sách của chính quyền mới ở Washington đối với Biển Đông ra sao? Câu trả lời của Gregory Poling, chuyên gia Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Csis, Mỹ): “Mọi chuyện đều có thể và đều không thể”.
Một phần có nhiều chỗ ông Donald Trump vẫn chưa có quan điểm nhất quán. Không có một sự logic hiện thực hay logic tự do nào trong các quan điểm về đối ngoại của ông, theo quan điểm của nghiên cứu viên cao cấp của Csis.
Một phần khác là không phải một mình tổng thống là người có thể làm tất cả mọi thứ trong thể chế chính trị Mỹ. Hệ thống cân bằng và đối trọng của nền chính trị Mỹ sẽ hạn chế các quyết định phiêu lưu.
Nội các Trump phải chọn những cái ông có thể làm được và những cái không thể làm được. Tổng thống có thể có nhiều tự do trong chính sách đối ngoại nhưng bị ràng buộc trong chính sách đối nội.
Và nếu ông ưu tiên nước Mỹ và kinh tế là trên hết, một sự thỏa hiệp về chính sách đối ngoại sẽ diễn ra.
Sự bất định từ chính sách khiến các mũi dùi chĩa vào nước Mỹ. Washington chứ không phải Bắc Kinh mới là “con voi lớn trong phòng” theo quan điểm của một học giả người Philippines tại hội thảo (ở Nha Trang).
Quan điểm này được tranh cãi gay gắt. Nhưng nó cũng thể hiện được một phần xu thế của các nhà lãnh đạo Philippines đang chuyển động trước bối cảnh chưa rõ ràng về chiến lược.
Các quốc gia vừa và nhỏ tại khu vực đang phải tìm cách chung sống với độ dao động diễn ra mỗi ngày. Một mặt họ tìm những cách thức khác nhau thúc giục tình trạng bất định này kết thúc nhanh nhất có thể.
Mặt khác họ cũng thử nghiệm các mô thức hành động dựa trên tính toán lợi ích của từng nước. Bài toán thỏa hiệp được tính theo tầng tầng lớp lớp công thức khác nhau. Nhưng chắc chắn tình hình Biển Đông sẽ nguy hiểm hơn bởi những tính toán đơn phương đó.
“Cầu vồng” của những niềm hi vọng
Trong khi đó có nhiều dấu hiệu tốt trong năm 2016 đã xuất hiện. Một trong số đó là phán quyết của Tòa trọng tài vào tháng 7-2016.
Phiên về luật pháp quốc tế của hội thảo tại Nha Trang phân tích các điểm khác nhau về tác động với kết luận: phán quyết này không những tạo ra một nền tảng pháp lý quan trọng, mà còn thúc đẩy những khả năng về hợp tác giữa các quốc gia tại khu vực Trường Sa.
Bắt đầu lại các hợp tác về nghiên cứu khoa học biển là lĩnh vực các quốc gia cần tính. Học giả James Borten (Mỹ) nhận định rằng Việt Nam và Philippines đã cùng tiến hành các chuyến thám hiểm phục vụ hải dương học và nghiên cứu về khoa học hàng hải từ năm 1996 – 2007.
Những kinh nghiệm thu thập được đã góp phần tạo nên một hình mẫu về hợp tác trong nghiên cứu khoa học hàng hải.
Khoa học là một thử nghiệm về việc cùng ngồi lại với nhau và xây dựng các chuẩn mực chung. Vai trò trong việc tích hợp các nghiên cứu và giám sát các dữ liệu trong quá trình hợp tác có thể trở thành nhân tố thúc đẩy các quyết sách về địa chính trị.
Sự tương tác giữa những nhà khoa học, những người quản lý chính sách và công chúng giờ đây đã được định hình, giúp định hướng và định nghĩa các chiến lược cho sự tồn tại hoà bình trong việc quản lý các tài nguyên hàng hải quý giá.
Các đánh giá gần đây cho thấy Biển Đông đang đứng trước nguy cơ sống còn như vậy xét về mặt tài nguyên và môi trường.
Ước tính có đến 70 – 90% các loài cá đánh bắt được đang sống trong các rặng san hô ở Đông Nam Á và các rặng san hô này nuôi sống đến 25% các loài trên đại dương. Vấn đề là các rặng san hô này đang bị phá hủy hằng ngày.
Một đe doạ sống còn là động lực cho các hợp tác. Dù chỉ xuất hiện hiếm hoi sau cơn mưa nhưng đây vẫn được xem là cầu vồng của những niềm hi vọng.
Một tình hình khó đoán định Hơn một năm trước, ngày 13-11-2015, một tình huống “khó đoán định” đã diễn ra trên Biển Đông – một tuần ngay sau chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới Việt Nam ngày 5-11. Theo ông Nguyễn Duy Hiết – giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo, vào thời điểm đó (ngày 13-11-2015), tàu Hải Đăng 05 của công ty đang trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây thì bị các tàu Trung Quốc vây ép, chĩa súng thẳng vào. Thuyền trưởng Trần Văn Nga tường trình lại như sau: Khoảng 9g30 sáng 13-11, khi tàu Hải Đăng 05 đi ngang qua bãi đá Xu Bi (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) khoảng 12 hải lý thì Trung Quốc xua một tàu nhỏ ra đuổi. Đến 11g cùng ngày, hai tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 2305 và 35115 xuất hiện và tổ chức vây ép. “Tình huống lúc này rất nguy hiểm. Tàu hải cảnh 35115 xé nước từ phía sau lái tàu Hải Đăng 05. Còn tàu hải cảnh 2305 ép từ mạn phải, phía trước mũi tàu. Sau đó các tàu Trung Quốc thi nhau cắt mũi nhằm tạo tình huống ngụy tạo là tàu Việt Nam cố va chạm” – thuyền trưởng Trần Văn Nga kể. Khoảng 30 phút sau, tàu chiến 995 của Trung Quốc xuất hiện. Theo thuyền trưởng Nga thì đây là tàu đổ bộ, có độ giãn nước khá lớn, được trang bị pháo 37 ly cùng nhiều loại vũ khí khác. Tàu chiến 995 của Trung Quốc ngay lập tức vây ép tàu Hải Đăng 05 của Việt Nam, đồng thời bắn pháo hiệu liên tục qua tàu Hải Đăng 05 với hàm ý đe doạ. “Nhưng nghiêm trọng nhất là đến khoảng 12g thì tàu chiến 995 của Trung Quốc mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05” – thuyền trưởng Trần Văn Nga cho biết. “Anh em vẫn bình tĩnh, điều khiển tàu Hải Đăng 05 đi theo đúng hải trình đã định và cố gắng không để xảy ra va chạm, mắc bẫy các tàu Trung Quốc dù hành động của họ là trái với các quy tắc hàng hải và lộ rõ ý đồ khiêu khích” – thuyền trưởng Trần Văn Nga kể. Trước sự kiên cường của tàu Hải Đăng 05, đến 13g30 các tàu của Trung Quốc đã rút đi. |