23/12/2024

Quảng bá hàng Việt lép vế

Với nhiều ưu đãi về thuế quan, sau các hiệp định thương mại tự do VN ký kết với các nước có hiệu lực, thị trường hàng tiêu dùng Việt chứng kiến những cơn bão hàng Nhật, Thái, Hàn Quốc, Úc, New Zealand… đổ vào. Tuy nhiên, cơ hội xuất hiện hàng Việt tại các quốc gia này rất khiêm tốn.

 

Quảng bá hàng Việt lép vế

Với nhiều ưu đãi về thuế quan, sau các hiệp định thương mại tự do VN ký kết với các nước có hiệu lực, thị trường hàng tiêu dùng Việt chứng kiến những cơn bão hàng Nhật, Thái, Hàn Quốc, Úc, New Zealand… đổ vào. Tuy nhiên, cơ hội xuất hiện hàng Việt tại các quốc gia này rất khiêm tốn.




Hàng hóa VN trong một lần quảng bá tại hệ thống siêu thị lớn ở Thái Lan ///  Ảnh: H.N

 

 

Hàng hoá VN trong một lần quảng bá tại hệ thống siêu thị lớn ở Thái LanẢNH: H.N

 

Chỉ trong 1 tuần cuối tháng 11 vừa qua, đã có hàng loạt các hoạt động lễ hội hàng tiêu dùng, hội chợ thương mại, triển lãm – giao thương Hàn Quốc quy mô lớn được tổ chức rầm rộ tại Hà Nội và TP.HCM. Theo Giám đốc Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc tại TP.HCM (Kotra), các hoạt động này nhằm thúc đẩy thương mại và quảng bá các sản phẩm chất lượng cao, giúp người Việt “tiếp cận hàng hóa Hàn Quốc một cách trực tiếp”.
Hàng ngoại quảng bá rầm rộ
Đây không phải lần đầu tiên Hàn Quốc tổ chức quảng bá rầm rộ hàng tiêu dùng tầm quốc gia tại VN. Trước thời điểm Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn – Việt (12.2015) có hiệu lực, thông qua đại sứ quán Hàn Quốc, Kotra, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) tại VN, những hoạt động quảng bá theo nhóm các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện gia dụng… của nước này luôn được tổ chức hằng năm tại Hà Nội và TP.HCM. 

 
 
Quảng bá hàng Việt lép vế - ảnh 1
Thủ tục hành chính nhiêu khê từ tạm nhập, tái xuất khó khăn cũng là một trong những rào cản khiến DN Việt ngại đưa hàng đi triển lãm tại các nước. Cả DN và các hiệp hội ngành hàng vẫn thiếu tầm nhìn khi đưa hàng ra nước ngoài
Quảng bá hàng Việt lép vế - ảnh 2
 
Chuyên gia kinh tế luật, PGS-TSVõ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật kinh tế Đại học Kinh tế TP.HCM
 


Đặc biệt, mỗi lần đều có sự tham dự của các lãnh đạo thương mại cao cấp phụ trách nhóm hàng đó đến từ Hàn Quốc. Với Hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật (hiệu lực tháng 10.2009) cũng vậy, thuế nhập khẩu các mặt hàng từ hai quốc gia sẽ giảm theo lộ trình. Song đến nay, không chỉ hàng tiêu dùng, thực phẩm Nhật đã xâm nhập sâu vào thị trường VN bằng chuỗi những cửa hàng đồng giá: Hatchi Hatchi, Daiso, Komonoya, đại siêu thị Aeon và hàng loạt nhà hàng ẩm thực Nhật tại các trung tâm thương mại lớn. Ngoài ra, nông sản của Nhật, Úc, New Zealand cũng đổ vào VN ngày càng nhiều hơn.
Chính người Việt hiện nay đang thích thú với trái cam vàng Navel (Úc) mọng nước hơn trái cam xoàn của VN, với giá chênh nhau 10.000 – 15.000 đồng/kg. Chỉ riêng với các mặt hàng trái cây chủ lực, đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục sau đại học – Phát triển kinh tế – Khoa học và phát minh của New Zealand đã trực tiếp tới quảng bá tại hệ thống siêu thị bán sỉ ở VN.
Đến nay, táo, lê, kiwi, sữa từ đất nước này được tiêu thụ mạnh tại VN. Theo một nhà nhập khẩu trái cây lớn từ Úc và New Zealand tại TP.HCM, công ty của họ mua từ các trang trại cam, táo, nho, kiwi ở hai quốc gia này, mỗi lần thanh toán cả triệu USD và được cung cấp hàng tươi liên tục, luân phiên để không xảy ra tình trạng hết hàng. Quản lý nhập khẩu của công ty này cho biết: “Cách vài ngày nhập một container và hàng về liên tục. Nhu cầu tiêu dùng trái cây ngoại vài năm trở lại đây tăng mạnh, nếu tính lượng nhập của riêng công ty, có thể tăng hơn 30% trong năm nay”.
Với hàng Thái cũng vậy, để có thể chiếm thị phần lớn tại VN như hiện nay, Thái Lan miệt mài tổ chức hội chợ hàng Thái, tuần lễ hàng Thái, lễ hội ẩm thực Thái… từ nam chí bắc. Theo ông Thái Văn Nghiêm, đại diện công ty chuyên tổ chức hội chợ tại TP.HCM, tính trung bình mỗi tháng đều có ít nhất một hội chợ Thái Lan ở VN. “Thường các hội chợ bán hàng Thái được tổ chức kéo dài 1 tuần, sức công phá của hàng Thái cực lớn. Hàng gia dụng, mỹ phẩm, thời trang… Thái là mạnh nhất và thu hút người mua nhất vì giá rẻ và họ đã có lợi thế tận dụng được tâm lý người tiêu dùng bình dân Việt đã chuộng hàng này từ lâu rồi”, ông Nghiêm cho biết.
Hàng Việt thiếu tầm nhìn
Trong khi “các bạn” liên tục tổ chức hội chợ – triển lãm ở VN thì việc quảng bá hàng Việt ngược lại tại các thị trường này lại khá thưa thớt. Năm 2015, Bộ Công thương từng tổ chức Tuần hàng VN tại hệ thống siêu thị Pháp và Đức, Tuần hàng VN tại Hàn Quốc. Đến tháng 7 vừa qua, tuần quảng bá hàng Việt được tổ chức tại Thái Lan và đến tháng 9 là Triển lãm hàng VN tại tỉnh Saitama (Nhật).
Chuyên gia kinh tế luật, PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật kinh tế Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Nếu so sánh về cách quảng bá sản phẩm thương hiệu ra khỏi biên giới, VN thua các nước do yếu và thiếu tài chính hơn họ. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề để “bó hẹp” tất cả khả năng của chúng ta. Thủ tục hành chính nhiêu khê từ tạm nhập, tái xuất khó khăn cũng là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp (DN) Việt ngại đưa hàng đi triển lãm tại các nước.
Cả DN và các hiệp hội ngành hàng vẫn thiếu tầm nhìn khi đưa hàng ra nước ngoài. Với Thái Lan, họ không xác định triển lãm là thăm dò nữa, họ biết đánh vào đâu để thắng, bởi họ đã nghiên cứu thị trường VN từ cả chục năm nay. VN đã đi sau, nhưng có không ít cuộc đi triển lãm chỉ là kết hợp du lịch”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chiến lược quảng bá sản phẩm VN tại các nước đều đã có, nhưng cách làm vẫn thiếu tầm chiến lược của quốc gia, không đạt kết quả như mong muốn. “Một phần chúng ta không có điều kiện làm lớn, nhưng quan trọng là chúng ta chưa có chiến lược nghiên cứu sâu từng thị trường một cách bài bản. Chẳng hạn, người Nhật thích trái thanh long, chúng ta nghĩ tiếp nâng giá trị trái đó lên, nhưng chỉ làm được đến đó đã hết hơi rồi. Nhiều quốc gia như Nhật, Hàn đã đồng ý cho VN xuất một số loại trái cây, nhưng việc tận dụng để đưa hàng vào các thị trường đó cũng chỉ mới chờ đợi qua các kênh bán lẻ của các nước này chứ quảng bá chiều sâu như Nhật, Hàn làm với chúng ta thì chưa thấy, hoặc nếu có, chưa có gì rõ nét” , ông Phong nói.
PGS-TS Võ Trí Hảo đề nghị phải gắn trách nhiệm vào lợi ích của DN, của hàng hoá Việt, thương hiệu Việt, lúc đó sự cạnh tranh, quảng bá hàng Việt tại nước ngoài mới hiệu quả được. Các hội ngành phải chịu trách nhiệm sản phẩm và chất lượng hàng hoá mang đi “đánh” xứ người, chứ không phải Bộ chọn hàng nào đi là đi.
Quảng bá kiểu… hình thức
Từng tham gia chuyến đi quảng bá hàng tiêu dùng Việt tại Thái Lan, bà Bùi Thị Kim Thoa, Phó giám đốc marketing Công ty TNHH MTV trà Tâm Lan, nhận xét: “Việc đi quảng bá của hàng Việt vẫn còn chú trọng hình thức hơn là nội dung. Chẳng hạn thời gian đi quá ngắn, chỉ gói gọn trong buổi khai mạc rồi ai về nhà đó, không có cơ hội có mặt tại chỗ để giới thiệu, bất đồng ngôn ngữ nói không ai hiểu”. Tại tuần lễ giới thiệu hàng VN ở Thái được tổ chức trong năm nay, một số DN tham dự cho biết dù hàng Việt có khu vực trưng bày trong hệ thống siêu thị lớn của Thái nhưng các DN đi theo không có người biết tiếng Thái hay tiếng Anh để giới thiệu. Thế nên tan lễ hội, mọi người chỉ biết “xếp hàng trên kệ vào thùng đưa về VN”. “Chúng tôi thiết tha đưa hàng đi Thái, Hàn để bán lắm, nhưng cách làm như vậy cũng nản”, bà Thoa cho biết.

 

Hằng Nga