26/12/2024

Doanh nghiệp vẫn kêu chuyện hoàn thuế

Hàng trăm doanh nghiệp đã xếp hàng để đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trong buổi đối thoại sáng 30-11.

 

Doanh nghiệp vẫn kêu chuyện hoàn thuế

 Hàng trăm doanh nghiệp đã xếp hàng để đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trong buổi đối thoại sáng 30-11.

 

 

 

Doanh nghiệp vẫn kêu chuyện hoàn thuế
Đại diện các doanh nghiệp phản ảnh vướng mắc về thuế với ông Vũ Ngọc Anh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ở hội nghị đối thoại sáng 30-11 tại TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Đến hơn 12g trưa, dù hội nghị đối thoại đã kết thúc, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa được phát biểu vẫn lên bàn chủ tọa để được trình bày những vướng mắc, khó khăn.

Truy thu thì dễ,
truy hoàn quá khó

Ông Vương Nhật Bình, tổng giám đốc Công ty TNHH cơ điện lạnh và thương mại Hoà Bình (Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM), cho biết tháng 7 vừa qua DN bất ngờ nhận được quyết định kiểm tra 10 ngày của Cục Kiểm tra sau thông quan về tất cả hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc nhập khẩu trong vòng 5 năm.

Việc kiểm tra này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh vì công ty phải cung cấp, in ấn tài liệu, sản phẩm trong vòng 5 năm với hàng đống chứng từ.

Điều đáng nói là dù công văn hướng dẫn áp mã cho mặt hàng cây nước nóng lạnh mới ban hành từ ngày 29-6-2016 nhưng cơ quan chức năng lại truy lại và áp đặt là DN đã vi phạm, áp sai mã hàng, tiến hành truy thu thuế, truy thu khoản nộp chậm và phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 3 tỉ đồng của 5 năm trước.

Do sợ bị cưỡng chế, không thể mở tờ khai nhập hàng hoá, dẫn đến thiệt hại thương mại từ những hợp đồng đã ký kết còn lớn hơn số tiền đóng thuế nên DN đã phải nộp thuế.

Thế nhưng sau đó khi DN biết được có công văn hướng dẫn mới mà theo cách này Cục Kiểm tra sau thông quan sẽ phải hoàn lại một phần đã thu của DN thì thủ tục lại cực kỳ nhiêu khê, phải xét duyệt từng hồ sơ nhập khẩu và có thể 3 năm sau mới được hoàn.

“Chúng tôi kiến nghị phải xác nhận thời gian truy hoàn chính xác, tránh để DN phải đi đến từng chi cục hải quan” – ông Bình bức xúc.

Trả lời vấn đề này, ông Vũ Ngọc Anh – phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – khẳng định DN phải lưu giữ hồ sơ 5 năm và cơ quan chức năng có quyền kiểm tra trong thời gian này.

Tuy nhiên, trước thực tế phản ảnh của DN, ông Ngọc Anh công nhận sẽ phải hoàn lại nhưng ông chỉ đề nghị DN gửi hồ sơ cụ thể để… xem xét giải quyết sớm.

Doanh nghiệp – cơ quan thuế đối đáp chuyện hoàn thuế

Ông Đinh Công Khương, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH TM-DV thép Khương Mai, đầy tâm trạng khi cho rằng tất cả DN thép đều ngại… xuất khẩu vì không hoàn thuế được.

Lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 3%, trong khi phần nằm lại trong thuế là 7-8% nếu không được hoàn, xem như DN lỗ.

Ông Khương băn khoăn muốn hoàn thuế vẫn yêu cầu xác nhận số lượng hàng đã xuất khẩu và đặt vấn đề nếu thủ tục hoàn thuế nhiều năm không xong, làm sao DN xuất khẩu?

Đáp lại, ông Nguyễn Nam Bình – cục phó Cục Thuế TP.HCM – nêu ra hàng loạt khuất tất của DN. Ông Bình nêu cơ quan thuế đã kiểm tra và nhận thấy hơn 70% hoá đơn đầu vào nằm trong hồ sơ đề nghị hoàn thuế của Khương Mai là từ các DN đã ngưng kinh doanh.

Cục Thuế TP.HCM cũng đã tiến hành thanh tra thuế và ghi nhận công ty này có dấu hiệu mua bán hóa đơn… Xác minh đơn hàng cũng thấy nhiều giao dịch đáng ngờ. Như sau khi chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng thì có cá nhân đến rút tiền.

Xác minh nhân thân thì những người này là người thân của Công ty Khương Mai. Chính vì vậy, theo ông Bình, cơ quan thuế đã ra quyết định dừng thanh tra và chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Đây là lần đầu tiên Cục Thuế TP.HCM thông tin chính thức về trường hợp của Công ty Khương Mai. Tại các hội nghị đối thoại trước đây, ông Khương đã nhiều lần phản ảnh việc bị khó khăn trong hoàn thuế… Ông Đinh Công Khương đã có ý kiến phản hồi.

Theo ông Khương, DN xuất khẩu khoảng 70 tỉ đồng trên hàng trăm tỉ đồng doanh thu mỗi năm và chỉ đề nghị hoàn thuế gần 7 tỉ đồng.

Trong hồ sơ hoàn thuế có những hóa đơn của các bạn hàng đã ngừng kinh doanh, phá sản nhưng họ không đóng mã số thuế… Ông Khương cho biết cơ quan thuế thông báo thanh tra trong vòng 30 ngày nhưng kéo dài tới 90 ngày…

Cũng chuyện hoàn thuế GTGT, bà Mã Thị Thanh – phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng – khẳng định có trường hợp DN thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau nhưng lại bị chuyển sang kiểm tra trước hoàn thuế sau và không được hoàn.

Có DN bị nợ mấy chục tỉ đồng tiền hoàn thuế. Bà Thanh nêu DN nợ ngân hàng thì vẫn phải trả lãi nhưng cơ quan thuế hoàn chậm thì chẳng bao giờ trả lãi và cũng không quy định trách nhiệm nhân viên làm khó DN.

Đại diện Công ty Đường Quảng Ngãi lại bức xúc vì hiện nay văn bản trả lời của cục thuế mâu thuẫn với Tổng cục Thuế hoặc các cục thuế trả lời khác nhau khiến DN không biết đường nào mà lần.

Như Cục Thuế Quảng Ngãi nói DN kê khai thuế đầu vào ở Bình Dương thì phải hoàn thuế ở Bình Dương. Nhưng Cục Thuế Bình Dương lại nói không có cơ sở hoàn cho DN. Điều này khiến DN rất khó xử.

Thuế khoán không công bằng!

Đại diện Hiệp hội DN Sóc Trăng, bà Mã Thị Thanh nêu chính sách thuế khoán hiện nay với hộ kinh doanh cá thể là không công bằng. Có hộ doanh thu lớn nhưng lại được nộp thuế khoán ít hơn khiến nhiều hộ không muốn đăng ký lên DN.

Không chỉ các hộ kinh doanh mà ngay các DN vừa và nhỏ có doanh số hàng trăm triệu đồng/ngày cũng bán hàng không có hoá đơn. Điều này làm thất thu ngân sách và tạo ra sự bất bình đẳng.

Ông Cao Anh Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, xác nhận tình hình trên phổ biến trong cả nước. Ông Tuấn nêu ngành thuế tiếp thu và sẽ… động viên các cơ sở kinh doanh thực hiện xuất hoá đơn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó sẽ rà soát để quản lý sát những cơ sở có doanh thu lớn nhưng nộp thuế ít. Ông Tuấn khẳng định thời gian tới cũng sẽ đưa nhiều cơ sở kinh doanh lớn lên DN.

ÁNH HỒNG