Các nước Baltic gia tăng quân sự hoá
Trong lúc chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump chưa được công bố chính thức, các nước cộng hoà Baltic phải gia tăng quân sự hoá, đồng thời cũng phải đối phó với những bất ổn trong nước.
Các nước Baltic gia tăng quân sự hoá
Trong lúc chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump chưa được công bố chính thức, các nước cộng hoà Baltic phải gia tăng quân sự hoá, đồng thời cũng phải đối phó với những bất ổn trong nước.
Cẩm nang bỏ túi hướng dẫn công dân Litva từ cách phân biệt vũ khí dùng trong quân đội Nga cho đến việc trở thành du kích quân, cách ăn mặc, cách đoán giờ bằng ánh nắng mặt trời… – Ảnh: rt.com |
Trong khi đó, Matxcơva cũng đang củng cố các căn cứ quân sự ở Kaliningrad trên biển Baltic, gần biên giới Lithuania.
Chi trả nhiều hơn cho an ninh
Tháng 9-2014, Tổng thống Barack Obama đã nói với các nước Baltic về sự bảo đảm vô điều kiện khi tuyên bố tại thủ đô Tallinn của Estonia: “Việc bảo vệ Tallinn, Riga (thủ đô của Latvia) và Vilnius (thủ đô của Litva) cũng quan trọng như bảo vệ Berlin, Paris và London”.
Ông cam kết nghĩa vụ “vĩnh viễn” bảo vệ Estonia với 1,3 triệu dân căn cứ vào điều 5 của quy chế NATO và hứa sẽ gửi bộ binh Mỹ tới trong những trường hợp xấu nhất.
Tuy nhiên, trong một lần trả lời phỏng vấn tờ The New York Times sau đó, Tổng thống mới đắc cử Trump tuyên bố: “Liên minh quân sự là một hệ thống quá tốn kém và cồng kềnh” và nêu rõ những vấn đề của NATO: “Chúng ta chi cho họ quá nhiều, mà nước Mỹ hiện nay thật sự không có tiền. Brussels là một cái lỗ chết tiệt” và “điều đó không hợp lý”.
Ba nước Baltic đang yêu cầu EU phải gia tăng đáng kể chi phí quốc phòng theo sau chỉ trích của ông Trump với NATO. Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius trong một trả lời phỏng vấn ở Paris đã nói: “Có lẽ cách ông ấy nói hơi gay gắt nhưng sự chỉ trích là đúng và chúng ta phải đóng góp nhiều hơn”.
Một ngày sau chiến thắng của ông Trump, Ngoại trưởng Linkevicius xác nhận rằng ông có liên hệ chặt chẽ với đội ngũ của ông Trump.
“Chúng tôi đã sẵn sàng làm việc với chính quyền mới trong tinh thần đã được xây dựng nhiều thập niên qua… Những mối liên hệ truyền thống chiến lược, mạnh mẽ không thể phai mờ.
Chúng tôi có lý do để nói như thế vì chúng tôi biết Đảng Cộng hoà rất rõ và chúng tôi có nhiều bạn bè ở đó. Trên thực tế, chúng tôi có một số liên lạc trong số những người xung quanh ông Trump” – ông Linkevicius nói.
Theo ông Linkevicius, còn quá sớm để nói về chính sách đối ngoại của ông Trump, và cũng không nên xem quá nghiêm trọng những tuyên bố từ cuộc vận động tranh cử của ông Trump. Các chính sách còn lệ thuộc nhiều vào đội ngũ cố vấn của tổng thống mới.
Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics cũng phát biểu trong một phỏng vấn rằng ông hiểu những lời kêu gọi phải chi trả nhiều hơn và ủng hộ chúng.
Litva và Latvia đã tuyên bố gia tăng chi phí quân sự vào năm 2018. Estonia đã chi hơn 2% GDP theo yêu cầu của NATO cho các mục đích quân sự kể từ năm 2007.
Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Warsaw đầu tháng 7-2016, những người tham gia đã quyết định việc đồn trú thường xuyên của 4.000 quân ở các nước Baltic và Ba Lan.
Cùng lúc, các chính quyền Estonia, Latvia và Litva gia tăng chi phí quốc phòng. Riêng Estonia đã đồng ý tăng hơn 13 triệu euro cho việc xây dựng doanh trại mới.
Những nạn nhân gián tiếp
Nhưng vấn đề là các nước Baltic với 6,1 triệu dân lại lệ thuộc mạnh về kinh tế với Nga cũng như có nhiều gắn bó Nga. Các biện pháp trả đũa của Nga đối với cấm vận của EU đã tấn công vào khu vực nông nghiệp của các nước này.
Các nông phẩm như thịt và sữa đã mất thị trường tại Nga. Bloomberg dẫn lời một chủ trại thịt ở Rezekne (Latvia) than phiền công ty ông đã mất khoảng 1 triệu euro mỗi tháng do lệnh cấm nhập thịt của Nga.
Do không còn những hợp đồng từ Nga, nhà máy sửa chữa đường sắt ở Daugavpils đã phải sa thải một nửa lực lượng lao động từ năm ngoái. Công ty giờ đang đối mặt với việc phá sản vì không thể tiếp cận vốn vay mà nguyên nhân chính là việc xấu đi quan hệ Nga – EU.
Vào giữa tháng 11, Uỷ hội châu Âu xác nhận thâm hụt ngân sách của Litva, cùng với tám thành viên EU khác, không còn nằm trong khuôn khổ giới hạn được EU cho phép. Cả Latvia và Litva đã phải giảm dự báo tăng trưởng đưa ra hồi đầu năm.
Chính quyền ở ba nước này cũng đang thiếu ổn định. Như một tình cờ, chỉ một ngày sau bầu cử tổng thống Mỹ, liên minh chính phủ thân châu Âu cũng sụp đổ ở Estonia, quốc hội đã lật đổ Thủ tướng Taavi Roivas trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ông này lên nắm quyền hồi tháng 3-2014. Lãnh đạo Đảng Trung tâm, Juri Ratas, đã xác nhận sẽ là người kế nhiệm ông Roivas, mặc dù đảng này, lớn thứ hai trong quốc hội, trước đó đã bị truất quyền vì có mối liên hệ với Nga.
Chính phủ ở Litva thì bị trừng phạt trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 10: Liên minh xanh và nông dân (LPGU), một đảng nhỏ với chỉ vài trăm thành viên và chỉ có một đại diện trong chính phủ mới ra đi, đã lớn lên thành đảng lớn thứ hai và dường như sẽ bổ nhiệm thủ tướng tương lai.
Với số cử tri 2,5 triệu người, số người đi bỏ phiếu là 38%, căn cứ theo uỷ ban bầu cử. Trong điều kiện nạn nghèo đói và thất nghiệp lan tràn, ngày càng có nhiều người trẻ Litva di cư sang nước khác. Khoảng 370.000 người đã rời bỏ đất nước kể từ khi Cộng hòa Litva gia nhập EU năm 2004.
Vận động chống Nga Cùng với việc xây dựng quân đội, các chính quyền cánh hữu Baltic đã gia tăng cuộc vận động chống Nga. Bộ Quốc phòng Litva hồi tháng 10-2016 đã cho in 30.000 cẩm nang bỏ túi cảnh báo nhân dân về “nguy cơ xâm lược từ phía đông” và kêu gọi người Litva sẵn sàng cho chiến tranh du kích. Sách kêu gọi: “Hãy sẵn sàng sống sót trong tình trạng khẩn cấp cũng như trong chiến tranh. Các công dân phải luôn chuẩn bị và phải có ý chí kháng cự. Nếu ý chí này mạnh mẽ, quân xâm lược sẽ khó có điều kiện để xâm chiếm quân sự”. |
Kêu gọi hợp tác với ông Trump Tờ báo cánh hữu Latvia Latvijas Avĩze ủng hộ lập trường của ngoại trưởng nước này và kêu gọi tăng cường hợp tác với ông Trump. “Đầu tiên, các chính khách cần phải trả lời câu hỏi liệu Mỹ có còn là đồng minh của chúng ta không. Nếu câu trả lời là có, giới lãnh đạo Latvia phải tôn trọng kết quả bầu cử Mỹ ngay cả khi có những làn sóng cảm xúc cá nhân mạnh mẽ. Thật tốt khi ngoại trưởng Latvia hiểu được điều đó” – tờ báo viết. |