Pin năng lượng mặt trời của học sinh
Đề tài Hệ thống nhật động pin năng lượng mặt trời theo hệ tọa độ xích đạo thiên cầu đã xuất sắc đoạt giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc và được nhiều chuyên gia đánh giá cao về tính sáng tạo, ứng dụng.
Pin năng lượng mặt trời của học sinh
Đề tài Hệ thống nhật động pin năng lượng mặt trời theo hệ tọa độ xích đạo thiên cầu đã xuất sắc đoạt giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc và được nhiều chuyên gia đánh giá cao về tính sáng tạo, ứng dụng.
Đề tài do Đặng Hoàng San, Huỳnh Tăng Tuấn, Trần Hữu Nhật Huy, Đặng Văn Hùng, học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thừa-Huế) sáng tạo. Đặng Hoàng San, trưởng nhóm, chia sẻ: “Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng vĩnh cửu, rất dễ khai thác, nhất là ở các nước nhiệt đới. Xuất phát từ thực trạng các hệ thống pin mặt trời chưa đạt hiệu quả tối ưu, chúng em mong muốn đem đến một hệ thống mới cải thiện tình hình và có khả năng ứng dụng hàng loạt”.
Theo Trần Hữu Nhật Huy, hệ thống có 3 bộ phận chính gồm: bộ điều khiển sạc, động cơ nhật động và bộ phận điều hướng. Hệ thống vận hành theo nguyên tắc nhật động. Thiết kế linh hoạt theo 4 trục, dựa trên cảm biến của con trở ánh sáng để tự động điều chỉnh tấm pin luôn hướng thẳng góc với mặt trời, tự động ngắt hoặc khởi động khi có nguồn sáng thích hợp.
“Chúng em vốn rất yêu thích tìm hiểu thiên văn học và cũng là thành viên của câu lạc bộ thiên văn học do San sáng lập và chủ nhiệm với gần 300 thành viên, vì thế nắm được các quy luật chuyển động của các vật thể trên bầu trời, nên chúng em mới lên ý tưởng cho đề tài này”, Huy nói thêm.
Hệ thống này được ban giám khảo đánh giá là độc đáo, có tính ứng dụng cao và thân thiện với môi trường. Huỳnh Tăng Tuấn cho biết: “Trên thế giới hiện nay có rất nhiều hệ thống nhật động tương tự nhưng các sản phẩm đó họ chỉ lắp đặt các cảm biến và để cho chúng bám theo một cách cảm tính. Vì thế công suất và hiệu suất không tối ưu, khả năng áp dụng hạn chế. Nắm rõ được quy luật chuyển động của mặt trời nên sản phẩm của chúng em sẽ khắc phục được nhược điểm của các hệ thống cũ, tăng hiệu suất lên và khả năng áp dụng vào thực tế là rất cao. Chi phí cho một sản phẩm khoảng 2 triệu đồng”.
Tính mới của đề tài là kiểu chân nhật động pin mặt trời tuân thủ theo hệ tọa độ xích đạo thiên cầu đầu tiên và duy nhất trên thế giới, các trục định hướng và nhật động được thiết kế với cơ cấu thích hợp cả quy mô nhỏ lẫn ứng dụng hàng loạt ở quy mô công nghiệp, được sáng tạo hoàn toàn. Cơ cấu nhật động thông minh không phụ thuộc vào vị trí ban đầu và vận hành theo cơ chế không liên tục giúp tiết kiệm tối đa năng lượng cho hệ nhật động. “Hy vọng đề tài sẽ được mọi người quan tâm, xem xét và hoàn thiện, phát triển thêm, từ đó ứng dụng ra thực tiễn ở miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo, những nước nghèo đang phát triển…”, Đặng Văn Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Thí, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học Huế, cho biết: “Các em đều là học sinh giỏi nhiều năm liền và cùng say mê sáng tạo khoa học. Đề tài được các chuyên gia đánh giá cao sẽ là động lực giúp các em tiếp tục sáng tạo. Ngoài đề tài này, các em còn có các đề tài khác đoạt giải cao tại các cuộc thi sáng tạo”. Với sản phẩm này, Đặng Hoàng San và nhóm đã vinh dự giành các giải cao như: giải nhất cuộc thi Intel ISEF cấp tỉnh; giải nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh; giải nhì Intel Isef cấp quốc gia và giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp quốc gia…
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh (Đại học Bonn, Đức) nhận xét: “Tôi có cảm tưởng rất tốt về công trình sáng tạo khoa học của em Đặng Hoàng San và nhóm. Các em ở lứa tuổi 17 còn học trung học mà đã có một công trình khoa học có tính sáng tạo, vừa kết hợp lý thuyết và ứng dụng, chứng tỏ các em có niềm đam mê khoa học và ý muốn phát minh có thể tạo ra giá trị kinh tế hữu ích cho xã hội”.
|
Tuyết Khoa