Tương quan vũ khí hạt nhân Ấn Độ – Pakistan
Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ chạy đua hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan trong bối cảnh căng thẳng song phương đang dâng cao.
Tương quan vũ khí hạt nhân Ấn Độ – Pakistan
Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ chạy đua hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan trong bối cảnh căng thẳng song phương đang dâng cao.
Pakistan hiện sở hữu khoảng 130 – 140 đầu đạn hạt nhân và có dấu hiệu đang mở rộng kho vũ khí hủy diệt, theo 2 chuyên gia Hans M.Kristensen và Robert S.Norris thuộc Hội Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ.
Trong bài phân tích trên chuyên san Bulletin of Atomic Scientists, hai ông nhận định với đà tiến triển hiện nay, Pakistan có thể sở hữu 220 – 250 đầu đạn vào năm 2025. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng mức độ tăng cường năng lực hạt nhân của nước này còn tùy thuộc vào các động thái hạt nhân của láng giềng Ấn Độ. Nếu New Delhi không mở rộng kho vũ khí hạt nhân thì Islamabad sẽ dừng lại ở những chương trình phát triển hiện nay.
Trong khi đó, Ấn Độ được cho là cũng đang nâng cao khả năng hạt nhân. Theo hai chuyên gia Mỹ, Ấn Độ có thể đã chế tạo 110 – 120 đầu đạn hạt nhân và 540 kg plutonium cấp độ vũ khí, đủ để sản xuất thêm 125 – 180 đầu đạn. Theo một số đánh giá khác, New Delhi có thể sở hữu 328 đầu đạn hạt nhân trong giai đoạn 2020 – 2030.
Sức mạnh hạt nhân Pakistan
Bulletin of Atomic Scientists ước tính với những cơ sở hạt nhân của mình, Pakistan đang có khả năng sản xuất nguyên liệu đủ để chế tạo 14 – 27 đầu đạn mới mỗi năm. Bên cạnh đó, theo hai chuyên gia Kristensen và Norris, sứ mệnh tấn công hạt nhân của nước này có thể được trao cho các phi đội chiến đấu cơ F-16 và Mirage III/V. Không quân Pakistan được cho là sở hữu tổng cộng 84 chiếc F-16 và chúng rất có khả năng được trang bị bom nguyên tử.
Máy bay tiêm kích – ném bom Mirage III/V vừa được triển khai phóng thử tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Ra’ad. Chưa hết, không quân đang tiến hành bổ sung tính năng tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay này nhằm nâng cao đáng kể khả năng tấn công hạt nhân. Theo các nguồn tin quân sự, Pakistan hiện sở hữu 165 chiếc Mirage III/V và đang cân nhắc bổ sung khả năng hạt nhân cho chiến đấu cơ JF-17 mua từ Trung Quốc.
Về tên lửa, Pakistan được cho là đang sở hữu 6 loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân gồm 4 loại tầm ngắn Abdali, Ghaznavi, Shaheen-1 và NASR (tầm bắn từ 180 – 750 km) và 2 tên lửa tầm trung Ghauri và Shaheen-2, tầm bắn 1.500 – 2.000 km.
Theo hai chuyên gia Kristensen và Norris, Pakistan còn đang phát triển nhiều loại tên lửa mới như tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Babur và Ra’ad. Babur được phóng từ mặt đất với tầm bắn 700 km, còn Ra’ad được phóng từ trên không có tầm bắn 350 km. Các dự án khác bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung mang tên Shaheen-1A and Shaheen-3 với tầm bắn 1.500 – 2.750 km. Trong đó, Shaheen-3 được đánh giá có khả năng vươn tới nhiều mục tiêu trong lãnh thổ Ấn Độ, thậm chí cả quần đảo Nicobar và Andaman trên Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, lực lượng tên lửa đạn đạo di động trên bộ đang triển khai 4 – 5 đơn vị đồn trú dọc biên giới với láng giềng chịu trách nhiệm triển khai những tên lửa tầm ngắn cộng thêm 3 đơn vị đóng sâu trong lãnh thổ Pakistan có nhiệm vụ điều khiển tên lửa tầm trung. Để hoàn thành “bộ ba hạt nhân” trên không, trên bộ và trên biển, chính quyền Islamabad đang nghiên cứu vũ khí hạt nhân cho tàu ngầm với sự hỗ trợ của đồng minh Bắc Kinh và mục tiêu ban đầu là một loại tên lửa hành trình mới, theo Bulletin of Atomic Scientists.
TIN LIÊN QUAN
Uy lực đoàn tàu tử thần của Nga
Nga đang nỗ lực tăng cường kho vũ khí quân đội với việc khôi phục những đoàn tàu hạt nhân có thể mang theo tên lửa liên lục địa.
Tên lửa lợi hại của Ấn Độ
Theo giới quan sát, các chiến lược gia Ấn Độ cho rằng nước này có nhu cầu cấp bách hơn để tăng cường hạt nhân nhằm ứng phó viễn cảnh phải cùng lúc đối đầu với cả Pakistan lẫn Trung Quốc trong một cuộc xung đột 2 mặt trận. Hiện Ấn Độ sở hữu nhiều chiến đấu cơ có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân, gồm có SEPECAT Jaguar (139 chiếc), Su-30MKI (đã nhận 242 máy bay trong tổng số đặt hàng 314 chiếc) và Dassault Mirage-2000 (gần 60 chiếc).
Hồi tháng 9, New Delhi còn ký thỏa thuận mua 36 chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale có khả năng răn đe hạt nhân của Pháp với trị giá 8,7 tỉ USD. Ngoài ra, Ấn Độ tuyên bố đạt bước tiến lớn trong việc phát triển tên lửa đạn đạo. Cụ thể, nhóm tên lửa đối đất Prithvi-I (tầm bắn 150 km), Prithvi-II (250 km) và Prithvi-III (350 km) đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ 500 – 1.000 kg. Đáng chú ý là tên lửa Agni-IV có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân bay xa tới hơn 3.500 km và Agni-V có tầm bắn tới 5.000 km.
Hồi tháng 8.2016, Ấn Độ còn đưa vào biên chế tàu ngầm tự đóng đầu tiên có khả năng mang 4 – 12 tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân, tờ Business Standard dẫn lời giới chức cho biết. New Delhi có kế hoạch đóng 3 tàu ngầm loại này, với chiếc thứ 2 sẽ được triển khai vào năm 2018, dự kiến sẽ được trang bị tên lửa K-4 có tầm bắn 2.000 – 3.500 km.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi kiềm chế
Ngày 25.11, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng dâng cao ở khu vực Kashmir và kêu gọi Ấn Độ, Pakistan mau chóng cùng làm việc hướng tới hòa bình bền vững.
Căng thẳng leo thang dọc đường biên giới thực tế ở Kashmir đã dẫn đến nhiều cuộc giao tranh kể từ tháng 9 đến nay, gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Chỉ tính riêng đợt đụng độ ác liệt trong ngày 22 – 23.11 đã khiến tổng cộng 25 người thiệt mạng, trong đó có 12 dân thường.
Cùng ngày, AP dẫn lời Tư lệnh không quân Pakistan Sohail Aman ngày 24.11 cảnh báo căng thẳng có thể dẫn đến chiến tranh tổng lực. Cảnh báo được đưa ra sau khi Islamabad cáo buộc đạn pháo của đối phương đã làm 12 dân thường và 3 binh sĩ thiệt mạng ở phía Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Trong khi đó, Tư lệnh lục quân Raheel Sharif tuyên bố lực lượng của ông “đủ khả năng dạy Ấn Độ một bài học” nếu tình hình leo thang, theo Hãng tin IANS. Cho đến ngày 25.11, chưa có thông tin về phản ứng của New Delhi trước những phát biểu nói trên.
|
Văn Khoa