23/12/2024

Hàng Việt khó tiếp cận ‘Black Friday’

Quy định khống chế tỷ lệ khuyến mãi không quá 50% giá trị sản phẩm khiến hàng Việt chịu nhiều thiệt thòi ngay trên sân nhà trong dịp mua sắm được mong chờ nhất năm trên toàn thế giới.

 

Hàng Việt khó tiếp cận ‘Black Friday’

Quy định khống chế tỷ lệ khuyến mãi không quá 50% giá trị sản phẩm khiến hàng Việt chịu nhiều thiệt thòi ngay trên sân nhà trong dịp mua sắm được mong chờ nhất năm trên toàn thế giới.




 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngày hội mua sắm “Black Friday” không chỉ diễn ra ở Mỹ mà nay đã lan rộng sang VN khi người tiêu dùng chen nhau xếp hàng để mua nhiều món hàng giảm giá mạnh. Tại VN, giới kinh doanh còn nhiệt tình hưởng ứng khi giảm giá dịp “Black Friday” từ ngày 25 – 27.11.
Hàng ngoại hút khách
Chỉ mới hơn 13 giờ ngày 25.11 – “Black Friday” tại Trung tâm thương mại Vincom (Q.1, TP.HCM), chị Ngân hai tay bận bịu với hàng loạt túi to túi nhỏ với nhiều món hàng vừa mua được, từ giày cho người lớn đến đồ chơi, quần áo cho con nít. Chị chia sẻ đã mua được sản phẩm phù hợp cho chồng và con gái, sẽ đi mua thêm cho mình. Những món hàng chị Ngân lựa chọn đều là thương hiệu nước ngoài như Bata, Babier, Mango… 



Hàng Việt khó tiếp cận 'Black Friday' - ảnh 1
Không nên bó buộc hoạt động thương mại vào trong khuôn khổ quá cứng nhắc như trước đây. Hơn nữa, thị trường thế giới đã là như thế rồi và VN cũng không nên đứng ngoài cuộc chơi chung. Việc sửa đổi quy định sẽ góp phần thúc đẩy phát triển cho hàng hóa VN, gia tăng khả năng cạnh tranh với hàng ngoại
Hàng Việt khó tiếp cận 'Black Friday' - ảnh 2

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long


“Ngày này tôi chỉ tập trung mua sản phẩm thương hiệu ngoại vì họ giảm giá mạnh. Ví dụ, một đôi giày của nam ngày thường có giá đến 3,5 triệu đồng thì nay chỉ còn một nửa. Thậm chí giày cho con gái có nơi giảm đến 70% và chỉ còn chưa tới 200.000 đồng/đôi. Mẫu mã phong phú, chất lượng tốt nên với số tiền này thì tôi muốn mua hàng ngoại. Hơn nữa, những thương hiệu lớn của VN lại không thấy có chương trình giảm giá mạnh như vậy nên làm sao cạnh tranh thu hút được khách hàng”, chị Ngân nói.
Với gương mặt đang khá vui vì đã chọn được 2 đôi giày, 1 túi xách và một số sản phẩm khác, chị Hương, một khách hàng cũng đang có mặt tại Vincom, chia sẻ dù xếp hàng rất lâu tại gian hàng của Aldo nhưng vì muốn mua được hàng với giá chỉ còn 50% so với ngày thường nên “chấp nhận hết”. Chị Hương phân tích: Các thương hiệu nước ngoài giảm giá tương tự như công ty mẹ ở Mỹ dịp “Black Friday” nên khách hàng thấy hài lòng. “Mua hàng hiệu với giá giảm chỉ còn 50% hoặc thậm chí như GAP nhiều món giảm đến 60% thì ai cũng thích. Ngay cả Zara dù không có chương trình riêng dịp Black Friday nhưng nhiều sản phẩm được giảm giá chỉ còn từ 129.000 đồng/món cũng đã hút được rất đông khách hàng. Vì vậy hàng VN làm sao cạnh tranh được trong dịp này”.
Hàng Việt khó tiếp cận 'Black Friday' - ảnh 3

Xếp hàng mua đồ thương hiệu ngoại dịp “Black Friday” tại Vincom, TP.HCMẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Hai bạn trẻ Huyền và Nhung khá vội vã khi cho biết tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy ra Vincom lùng hàng giảm giá. Nhưng khi đến đoạn tính tiền ở gian hàng GAP thì đành tiếc nuối để hàng lại và ra về vì dòng người quá đông, chờ sẽ không kịp giờ làm buổi chiều. Sau khi hàng loạt thương hiệu ngoại có mặt tại VN thì ngày kích cầu Black Friday cũng đã dần phổ biến tại VN và thu hút rất nhiều người tham gia. Đến chiều tối qua, những con đường tập trung nhiều cửa hiệu thời trang như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (Q.1), Cách Mạng Tháng 8 (Q.3)… đều tập trung khách hàng đi “săn” hàng giảm giá. 



Ghim hàng, chỉ bán cho khách quen…
Bà Nguyễn Thu Hồng chia sẻ: Ngoài việc không được giảm giá mạnh như nước ngoài, một số nhà kinh doanh hàng thời trang cao cấp như áo quần, giày dép… đôi khi lại ém hàng để bán sau hoặc chỉ bán cho người quen, khách hàng VIP… Chính cách làm đó mà VN chưa tạo được mùa mua sắm hấp dẫn như Malaysia, Thái Lan hay Singapore.



Không có thời gian cũng như ngán cảnh xếp hàng dài chờ đợi nhưng nhiều người không bỏ qua cơ hội mua sắm nhân ngày “Black Friday” qua hình thức đặt hàng quốc tế từ các trang web bán hàng ở Mỹ, châu Âu. Theo chị Vy, một nhân viên công sở tại Q.3 (TP.HCM), nếu một áo thun trẻ em của GAP tại VN có giá 350.000 đồng sau khi giảm 50% vẫn còn cao hơn sản phẩm tương tự tại trang web của GAP ở Mỹ. Đặc biệt với những hàng vừa qua mùa thì các thương hiệu ở Mỹ đều giảm giá đến 70 – 80%, thậm chí giảm lên tới 90%. Một áo thun trẻ em của Mỹ sau khi giảm giá thì cộng tất cả chi phí về đến tay chị Vy chỉ ở mức từ 100.000 – 140.000 đồng. “Quan trọng nhất là có nhiều món tại VN được xem là hàng mới về nên chỉ giảm giá 10 – 15% trong dịp Black Friday, nhưng cũng món hàng đó ngay tại Mỹ đã được giảm giá 70%. Vì vậy, mua hàng qua mạng sẽ có được nhiều sản phẩm mới mẫu mã đa dạng phong phú hơn”, chị Vy chia sẻ thêm.
Nhiều cá nhân chuyên bán hàng qua Facebook cũng nhân dịp này “trữ hàng” bằng cách đặt mua trực tuyến tại nước ngoài để bán dần trong thời gian tới. Chủng loại sản phẩm được mua trữ cũng rất đa dạng, từ quần áo, vật dụng… đến đồng hồ.
Khống chế khuyến mãi, khó kích cầu hàng việt
Tuy nhiên, đáng buồn nhất trong dịp mua sắm “khủng” này là hàng VN dường như đã nằm ngoài lề. Với quy định chỉ cho phép giảm giá tối đa 50% của VN, hàng hóa trong nước càng không thể cạnh tranh được với hàng ngoại. Bà Nguyễn Thu Hồng, chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm túi xách, ví, đồng hồ, hiện có hai quầy hàng bán các sản phẩm trên tại Diamond Plaza (Q.1, TP.HCM), cho rằng chỉ các sản phẩm thật “hot”, hiếm, giảm 50% mới hấp dẫn người mua. Chẳng hạn, mua đôi giày hàng mới của Nine West bằng nửa giá của ngày hôm trước, mua cái đồng hồ Coach bằng nửa giá mua từ đầu tuần… mới khiến người mua móc hầu bao. Chứ hàng thường thường, mua ngày thường đã được giảm 30 – 40% rồi, ngày hội mua sắm chỉ giảm 50% thì không “ăn” được.
Hàng Việt khó tiếp cận 'Black Friday' - ảnh 4

Theo ông Liên An Thạch – Giám đốc kinh doanh siêu thị điện máy Chợ Lớn, với quy định khống chế tỷ lệ khuyến mãi không quá 50% giá trị như hiện nay, doanh nghiệp (DN) lớn không dám. Chuyên gia tư vấn chiến lược DN Robert Trần cho rằng VN không nên giới hạn tỷ lệ giảm giá. Bởi việc quy định mức giảm kịch trần chỉ 50% khó tạo độ hấp dẫn cho người tiêu dùng Việt và cũng khó để giúp DN “dọn kho” tháng cuối năm như kỳ vọng. “Điều thị trường mua sắm tại VN đang cần là một ngày hội mua sắm, có lợi cho nhà sản xuất, nhà kinh doanh và cả người tiêu dùng”, ông Robert Trần nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng luật là phải bám theo cuộc sống, bám theo thị trường. Quy định giảm giá tối đa 50% đã trở nên lạc hậu khi vòng đời của hàng hoá, đặc biệt là hàng thời trang đã rút ngắn rất nhiều. Hơn nữa nhu cầu cạnh tranh, khuyến mãi để gia tăng sức mua cũng như xả hàng qua mùa, thu hồi vốn là việc làm thường xuyên của các DN. Do đó cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét, điều chỉnh và nên để cho DN tự quyết.
“Nếu để thanh lý hàng tồn kho, kích cầu mua sắm… thì DN có thể giảm đến 90% cũng không sao. Còn nếu giảm giá để dìm chết đối thủ thì chúng ta sẽ kiểm tra xử lý theo quy định bán phá giá. Vì vậy chúng ta chỉ nên xét theo mục đích và tuỳ thuộc vào loại hàng hoá nào. Không nên bó buộc hoạt động thương mại vào trong khuôn khổ quá cứng nhắc như trước đây. Hơn nữa, thị trường thế giới đã là như thế rồi và VN cũng không nên đứng ngoài cuộc chơi chung. Việc sửa đổi quy định sẽ góp phần thúc đẩy phát triển cho hàng hóa VN, gia tăng khả năng cạnh tranh với hàng ngoại”, ông Ngô Trí Long nhận định.
Mở đầu mùa mua sắm
“Black Friday” là ngày thứ sáu ngay sau lễ Tạ ơn ở Mỹ (ngày lễ Tạ ơn rơi vào ngày thứ năm lần thứ 4 trong tháng 11), nên rơi vào khoảng từ ngày 23 – 29.11 hằng năm.
Đến nay, có nhiều cách giải thích về tên gọi của ngày này, bởi dù chữ “Black” (mang nghĩa “màu đen”) thường gắn liền với những sự kiện ảm đạm như thiên tai, khủng bố, thị trường chứng khoán sụp đổ…, nhưng với “Black Friday” (thứ sáu đen tối) thì lại là ngày khởi đầu mùa mua sắm trong năm tại Mỹ.
Cụ thể, đây là giai đoạn khởi đầu chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và năm mới, vốn là những ngày lễ dài. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, bán lẻ cũng thường tài trợ cho các chương trình lễ hội trên đường phố trong lễ Tạ ơn, để qua đó giới thiệu các chương trình khuyến mãi. Chính vì thế, vào những ngày kế tiếp, người dân đi mua sắm rất đông, đường phố nhộn nhịp hơn khiến cho từ thập niên 1970, nhiều cảnh sát giao thông Mỹ gọi đây là “Black Friday” do giao thông đông đúc.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ Mỹ khi viết sổ sách kế toán thường dùng mực đỏ để biểu thị các số liệu kinh doanh ảm đạm, với số liệu kinh doanh tích cực thì được thể hiện bằng mực đen. Vì vậy, vào ngày kế sau lễ Tạ ơn thì số liệu bán hàng thường đổi sang màu đen sau một thời gian dài “đỏ ảm đạm”. Bên cạnh đó, còn có nhiều lý giải khác, và dần dần khoảng vài thập niên qua, “Black Friday” trở thành tên gọi cho ngày khởi đầu dịp mua sắm.
Phát Tiến


 

Mai Phương – Hằng Nga