23/12/2024

Việt Nam tiếp tục hút vốn Nhật

Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư lâu năm tại VN đã không ngừng tăng vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh như một cam kết gắn bó với thị trường VN.

 

Việt Nam tiếp tục hút vốn Nhật

 Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư lâu năm tại VN đã không ngừng tăng vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh như một cam kết gắn bó với thị trường VN. 

 

 

 

Việt Nam tiếp tục hút vốn Nhật
Nhà đầu tư nước ngoài muốn tiếp cận với người tiêu dùng VN thông qua chiến lược phát triển lâu dài ở đây. Trong ảnh: khách hàng tìm hiểu sản phẩm tại showroom TOTO vừa mới khai trương ở quận 1, TP.HCM – Ảnh: HỮU QUÝ

Cùng với đó là sự hiện diện ngày càng nhiều các DN vừa và nhỏ Nhật vào VN.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến tháng 10-2016, Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,92 tỉ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư đăng ký vào VN của các nhà đầu tư ngoại, tăng một bậc so với tháng trước.

Gia tăng đầu tư

Những ngày giữa tháng 
11-2016, Công ty TOTO VN trực thuộc Tập đoàn TOTO Nhật Bản, chuyên về lĩnh vực nội thất phòng tắm, đã khai trương showroom đầu tiên do công ty trực tiếp điều hành tại thị trường VN với mặt bằng rộng 1.000m2 tại số 1A Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM.

Đây là showroom thứ hai tại VN và đầu tiên tại TP.HCM do DN này trực tiếp điều hành, cùng với hàng loạt showroom do DN này hợp tác với các đối tác VN để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng VN.

Ông Masao Yamasaki, tổng giám đốc TOTO VN, cho biết đến nay DN này đã đầu tư hơn 170 triệu USD tại VN và sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư, dự kiến khánh thành nhà máy thứ tại Hưng Yên vào tháng 9-2017.

Việc mở showroom là một phần trong hoạt động mở rộng của công ty tại VN. Và sau gần 15 năm có mặt tại VN, từ quy mô vài trăm nhân viên ban đầu, đến nay toàn công ty có hơn 3.000 lao động, với hệ thống đại lý phân phối rộng khắp VN.

“TOTO VN có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tập đoàn, với doanh thu năm 2015 tăng 160% so với năm trước đó và năm 2016 này, tốc độ tăng trưởng đạt 130% so với năm 2015, chúng tôi muốn gắn bó lâu dài ở đây”, ông Masao Yamasaki nói.

Không chỉ riêng TOTO VN, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại VN cũng không ngừng mở rộng đầu tư vào VN, như Công ty thực phẩm House Việt Nam (HFV) chuyên sản xuất các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu làm bánh của Nhật Bản, hay dự án trị giá 50 triệu USD (thuộc Tập đoàn A-Z, Nhật Bản) chuyên sản xuất khăn tắm, khăn mặt cao cấp…

Theo ông Obayashi Isao – tổng thư ký Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM, VN hấp dẫn đối với các DN Nhật vì người Việt rất có thiện cảm với những thương hiệu Nhật, đó là điều thuận lợi để các DN Nhật thâm nhập thị trường này.

Hơn nữa, dung lượng thị trường VN vẫn còn nhiều cơ hội, cạnh tranh chủ yếu diễn ra ở khía cạnh phân phối, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các bí quyết và công nghệ phát triển sản phẩm mang dấu ấn Nhật Bản.

Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO), gần 70% DN Nhật mong muốn mở rộng đầu tư và sản xuất tại VN. Các khoản đầu tư và mở rộng này cũng đa dạng hơn.

Ngoài các lĩnh vực vốn thế mạnh của Nhật Bản (xây dựng, giao thông, cơ sở hạ tầng và thiết bị điện tử), các DN Nhật cũng rót vốn vào nhiều dự án bất động sản, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là ngày càng có nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại VN.

Chờ dòng vốn mới

Không chỉ dòng vốn chảy vào nhiều hơn, VN còn đón nhiều đoàn DN Nhật từ các thị trường xung quanh sang VN tìm hiểu cơ hội đầu tư trong mục tiêu cân bằng đầu tư, hài hoà việc kinh doanh giữa thị trường Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Trao đổi với Tuổi Trẻ trong chuyến làm việc đến VN hồi tháng 9-2016, ông Amano Shinya, tổng giám đốc JETRO tại Quảng Châu, Trung Quốc, cho rằng khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là VN, đang hấp dẫn DN Nhật làm ăn ở thị trường Trung Quốc, do chi phí lao động tại Trung Quốc đang tăng lên.

Nhiều DN Nhật khẳng định VN đang là sự lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư Nhật khi ra bên ngoài.

Theo ông Hirotaka Yasuzumi – giám đốc Tổ chức Hỗ trợ DN vừa và nhỏ Nhật Bản, do sự mất giá của đồng yen Nhật so với USD và suy thoái kinh tế của Nhật, số vốn đầu tư của Nhật vào VN có bị sụt giảm, nhưng số lượng DN Nhật Bản đến VN đầu tư trong năm nay không sụt giảm so với năm trước.

“Tuy số vốn đăng ký có giảm đi nhưng số lượng các dự án FDI của Nhật Bản vào VN vẫn tăng lên. Điều đó cho thấy đây là thời điểm của làn sóng đầu tư DN vừa và nhỏ Nhật Bản”, ông Hirotaka Yasuzumi nói.

Trong báo cáo đánh giá dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào VN vừa được công bố, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết Nhật Bản có 4,7 triệu DN vừa và nhỏ, đang có xu hướng đầu tư mạnh ra nước ngoài, trong đó có VN.

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, Chính phủ Nhật đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại, Hội DN VN để triển khai công cụ kết nối giữa cộng đồng DN vừa và nhỏ hai nước có tên J-GoodTech.

Đây là mô hình kết nối giao thương trực tuyến nhằm hỗ trợ các DN tìm kiếm kết nối, hợp tác sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực chế tạo, công nghệ, sản xuất… hoàn toàn miễn phí.

“Việc triển khai dự án ra biên giới xuất phát từ nhu cầu mở rộng làm ăn, sản xuất của DN Nhật với thị trường VN. Qua các cuộc kết nối chúng tôi nhận thấy DN Nhật muốn gặp gỡ DN Việt nhiều nhất nhưng cả hai đều thiếu thông tin, các cuộc gặp trực tiếp lại tốn kém chi phí, hiệu quả thấp”, ông Yasuzumi nói.

Xuất khẩu hơn 40% sản phẩm 
“made in VN”

Theo ông Masao Yamasaki, do tuân thủ theo đúng chất lượng của TOTO toàn cầu, hơn 40% sản lượng từ các nhà máy của DN này tại VN được xuất khẩu đi các nước.

Đặc biệt, ông Masao Yamasaki cho rằng thứ quan trọng nhất đi cùng với các khoản đầu tư tại VN là tầm nhìn môi trường toàn cầu, hướng tới tương lai bằng việc trân quý tài nguyên hiện tại như sử dụng nước một cách tiết kiệm, hạn chế sự nóng lên của Trái đất…

Các sản phẩm sản xuất được đảm bảo thân thiện với thiên nhiên, là một phần của thiên nhiên, tránh phá hủy nguồn tài nguyên.

“Chúng tôi sẽ đưa vào sử dụng lò công nghệ mới nhất có hiệu quả cao, tiết kiệm năng lượng, tổng hợp những kỹ thuật mới nhất và bí quyết riêng đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nhà máy”, ông Masao Yamasaki nói.

N.BÌNH