Hiện mỗi năm ngư dân Phú Yên có nhu cầu đóng mới khoảng 70 – 100 tàu cá và sửa chữa khoảng 30% số tàu cá của tỉnh…, trong đó có rất nhiều tàu công suất lớn.
Phú Yên khuyến khích đóng tàu lớn
Hiện mỗi năm ngư dân Phú Yên có nhu cầu đóng mới khoảng 70 – 100 tàu cá và sửa chữa khoảng 30% số tàu cá của tỉnh…, trong đó có rất nhiều tàu công suất lớn.
Thế nhưng, năng lực đóng, sửa chữa loại tàu lớn ở địa phương lại rất hạn chế nên tỉnh đang khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 lao động tham gia đóng mới, sửa tàu thuyền, mỗi năm có khả năng đóng mới khoảng 80 tàu và sửa chữa khoảng 6.250 tàu thuyền. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này có quy mô nhỏ, chủ yếu đóng sửa tàu vỏ gỗ công suất nhỏ, còn việc đóng mới, sửa chữa lớn tàu công suất lớn thì ngư dân thực hiện ở các tỉnh khác.
Ngư dân chịu thiệt
Đến nay, Phú Yên chưa có cơ sở nào đóng mới, sửa chữa tàu cá hiện đại bằng các loại vật liệu mới. Ngư dân Lê Thái Bình ở P.6 (TP.Tuy Hoà), cho biết: “Phú Yên đã có hai cơ sở đóng, sửa tàu thuyền đạt tiêu chuẩn theo Nghị định 67 của Chính phủ và được tỉnh công bố. Tuy nhiên, các cơ sở này chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đóng mới tàu cá công suất lớn, nên khi triển khai đóng mới tàu cá công suất trên 700 CV, gia đình tôi phải ra Bình Định. Tiền vay theo Nghị định 67 để đóng chiếc tàu này là rất lớn, gia đình tôi phải tìm hiểu nhiều cơ sở có kinh nghiệm để thực hiện thì mới yên tâm”.
Theo quy hoạch, tỉnh khuyến khích đầu tư xây dựng mới các nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu cá vật liệu mới như composite, polypropylene polystone compolymer, thép và khuyến khích ngư dân từng bước thay thế các tàu cá vỏ gỗ
Ông Nguyễn Tri Phương Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên
Giống như ngư dân Lê Thái Bình, ngư dân Võ Văn Lành cũng ở P.6 (TP.Tuy Hoà) cho rằng về quy cách, chất lượng gỗ và đội ngũ công nhân để thực hiện đóng mới các tàu cá theo Nghị định 67 thì các cơ sở đóng tàu ở Bình Định hơn hẳn. Còn ngư dân Tống Thái Tân (KP.Phú Thọ, TT.Hoà Hiệp Trung, H.Đông Hoà), cho biết ngư dân thường có quan niệm đánh bắt cá không hiệu quả thì đưa tàu lên sơn, sửa lại. “Mà mỗi lần như vậy phải chạy ra Bình Định nên tốn tiền dầu, ăn ở… khiến chi phí tăng lên gấp 2 – 3 lần. Trường hợp đóng mới, ngư dân phải trực suốt nên tổng chi phí đội lên gần 30%”, ông Tân nói.
Khuyến khích đầu tư
Theo Chi cục Thuỷ sản Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 cơ sở đóng sửa tàu thuyền, trong đó 21 cơ sở đang hoạt động (8 cơ sở đóng mới và sửa tàu thuyền, 13 cơ sở làm dịch vụ kéo và sửa tàu thuyền). Các cơ sở này đóng và sửa chữa tàu cá theo phương pháp truyền thống, thủ công nên nhà xưởng, trang thiết bị hầu như chỉ có các dụng cụ cầm tay, chưa đầu tư nhiều máy móc. Các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá trong tỉnh đều sử dụng phương pháp thủ công theo kinh nghiệm dân gian nên chưa đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật có trình độ theo quy định.
Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Phú Yên, cho biết: “Qua kiểm tra, hoạt động đóng mới và cải hoán tàu cá ở Phú Yên còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tất cả các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá này chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện đối với ngành nghề đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thủy sản cũng như nhà xưởng, trang thiết bị chưa đạt quy chuẩn. Chi cục Thủy sản kiến nghị Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên có kiến nghị UBND tỉnh quy hoạch khu đất cố định tại các huyện, thị xã, thành phố để thu hút cá nhân, tổ chức có năng lực đóng mới, cải hoán và sửa chữa tàu cá đến đầu tư, từng bước phát triển ngành đóng tàu cá của địa phương ngày càng mạnh và hoàn thiện hơn theo hướng công nghiệp hóa”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết để đảm bảo nhu cầu đóng mới, cải hoán, nâng cấp và sửa chữa tàu cá trên địa bàn tỉnh, Phú Yên đã có chủ trương duy trì và phát triển hệ thống cơ sở cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền ở các địa phương ven biển. “Tỉnh đang khuyến khích các cơ sở này đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, đội ngũ công nhân đạt chuẩn, dây chuyền công nghệ hiện đại, quy mô lớn để đáp ứng đủ năng lực đóng mới, sửa chữa tàu cá công suất lớn. Cụ thể, theo quy hoạch, tỉnh khuyến khích đầu tư xây dựng mới các nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu cá vật liệu mới như composite, polypropylene polystone compolymer, thép và khuyến khích ngư dân từng bước thay thế các tàu cá vỏ gỗ”, ông Phương nói.