24/12/2024

Tự tạo cơ hội: Nuôi bồ câu lai trên đệm lót sinh học

Nhờ mô hình nuôi bồ câu lai Pháp trên đệm lót sinh học, ông Hứa Công Lương ở TP.Đà Nẵng dù một mình vẫn chăm sóc đến 1.000 cặp chim sinh sản, cho thu nhập 15 triệu đồng/tháng.

 

Tự tạo cơ hội: Nuôi bồ câu lai trên đệm lót sinh học

Nhờ mô hình nuôi bồ câu lai Pháp trên đệm lót sinh học, ông Hứa Công Lương ở TP.Đà Nẵng dù một mình vẫn chăm sóc đến 1.000 cặp chim sinh sản, cho thu nhập 15 triệu đồng/tháng.




Ông Lương bên mô hình chăm sóc bồ câu lai hiện đại của mình
 ///  Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Lương bên mô hình chăm sóc bồ câu lai hiện đại của mìnhẢNH: HOÀNG SƠN

Cách đây 10 năm, khi đang làm nghề lái xe, ông Lương (55 tuổi, trú thôn An Ngãi Đông, xã Hoà Sơn, H.H Vang, TP.Đà Nẵng) đã mua 20 cặp bồ câu Pháp về “nuôi chơi mà không hề nghĩ có ngày mình sẽ lập nên trang trại và gắn bó luôn với nghề này”. “Khi đó tôi chỉ nghĩ, mỗi tháng có vài cặp bồ câu để có thêm thức ăn tẩm bổ cho con là vui rồi. Không ngờ nhiều người hỏi mua, càng nuôi càng mê, nên tôi quyết định bỏ nghề lái xe để ở nhà lập trang trại”, ông Lương kể.
Từ những cặp bồ câu đầu tiên, sau vài năm nhân giống, ông Lương đã có một trang trại ở vườn nhà với quy mô hàng trăm con. Tuy nhiên, đến năm 2012, ông Lương thất bại khi đàn bồ câu gặp dịch bệnh. Vừa phải xử lý số chim chết vừa tìm cách trị bệnh cho đàn chim, vợ chồng ông Lương xót xa nhận ra nếu bồ câu uống thuốc kháng sinh thì sẽ bị “tiêu trứng” và không thể sinh sản được nữa. Năm đó, ông lỗ khoảng 150 triệu đồng.
Sau bài học trên, ông Lương quyết tâm gầy dựng lại. Hằng ngày, ông đọc sách, tìm tòi trên mạng cách chăm nuôi bồ câu thương phẩm. Từ đó ông tự đúc kết rằng, chăm bồ câu tuy dễ hơn chăm gà, vịt… vì ít dịch bệnh nhưng không vì thế mà chủ quan. “Nếu khi mình đã chú tâm và đam mê với nghề thì chỉ cần một con chim bỏ bữa hoặc có biểu hiện “buồn buồn” là nhận ra nó đang bị bệnh gì”, ông Lương nói. Nhờ thường xuyên theo dõi đàn chim mà ông nhận ra bồ câu Pháp “to con” và khỏe mạnh hơn, nhưng lại chậm đẻ trứng (khoảng 50 – 60 ngày). Trong khi đó, bồ câu trong nước tuy nhỏ nhưng lại có chu kỳ sinh sản nhanh hơn (khoảng 35 ngày). Vì thế, ông tìm cách phối giống để cho ra con lai thụ hưởng những ưu điểm trên.
Tự tin vào kiến thức vừa bổ sung, ông Lương đã mở rộng chuồng trại lên đến 1.000 cặp chim giống với hệ thống chăm sóc rất hiện đại. Ngoài hệ thống châm nước uống được dẫn đến tận mỗi lồng nuôi do ông đặt hàng tại Bình Dương, ông Lương còn áp dụng kỹ thuật nuôi trên đệm lót sinh học vừa an toàn vừa tiết kiệm công chăm sóc.
Đệm lót sinh học được làm bằng nguyên liệu có độ trơ, không bị nước làm nhũn nát như trấu, mùn cưa… trộn với men vi sinh để phân hủy phân, nước tiểu của gia súc, gia cầm nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng, tạo môi trường trong sạch.
“Được địa phương hỗ trợ đệm lót sinh học 15 triệu đồng cho lồng nuôi 500 con, tôi đã mạnh dạn đầu tư ra toàn bộ trang trại. Trước đây, cứ khoảng 7 – 10 ngày, tôi phải dọn vệ sinh chuồng trại một lần thì nay với đệm lót này tôi chỉ việc châm chế phẩm sau 3 tháng. Nhờ vậy, tuy chỉ một mình tôi vẫn có thể chăm sóc 1.000 cặp chim”, ông Lương nói. Với quan niệm cho ra thị trường loại thịt bồ câu sạch, ông Lương đã mày mò và tự lên “thực đơn” mỗi bữa ăn cho chim với thành phần chủ yếu gồm bột ngô và lúa.
Hiện bồ câu từ trang trại ông Lương chỉ đủ xuất bán ra các chợ ở Đà Nẵng. Nhiều nhà hàng tại Huế biết ông Lương bán bồ câu đã tìm đến đặt mua, nhưng do lo lắng không đủ cung hàng cho các mối quen nên ông đã từ chối. Ông Lương cho biết, mỗi tháng trang trại ông xuất ra khoảng 350 cặp chim thương phẩm. Với giá 70.000 đồng/cặp chim, mỗi tháng sau khi trừ các chi phí thức ăn, công chăm sóc, ông thu 15 triệu đồng tiền lãi. Chia sẻ về sự thành công của mô hình, ông Lương ngắn gọn: “Nuôi bồ câu không khó nhưng phải chịu khó để ý đến tình trạng sức khoẻ của đàn, chú ý tiêm thuốc phòng bệnh, nước uống sạch sẽ. Vì là nuôi nhốt nên phải đảm bảo mật độ đàn, khoảng 5 – 10 cặp/lồng… Đặc biệt để đàn bố mẹ sinh sản ổn định, trong cách chăm sóc cần “nói không” với chất tăng trưởng”.
Bạn đọc quan tâm mô hình nuôi bồ câu của ông Hứa Công Lương có thể liên hệ qua số điện thoại: 0934806288. H.S

 

Hoàng Sơn