01/11/2024

Ba tháng chưa dán xong nhãn năng lượng cho một động cơ

Doanh nghiệp ở phía nam chỉ nhập 1 cái động cơ điện để phục vụ sản xuất nhưng phải mang ra tận Hà Nội để kiểm tra, thời gian kéo dài đến 3 tháng vẫn chưa xong.

 

Ba tháng chưa dán xong nhãn năng lượng cho một động cơ

Doanh nghiệp ở phía nam chỉ nhập 1 cái động cơ điện để phục vụ sản xuất nhưng phải mang ra tận Hà Nội để kiểm tra, thời gian kéo dài đến 3 tháng vẫn chưa xong.



Các sản phẩm điện lạnh, điện tử... đều dán nhãn năng lượng /// Ảnh: Ngọc Tuấn

Các sản phẩm điện lạnh, điện tử… đều dán nhãn năng lượngẢNH: NGỌC TUẤN

Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) đã cho biết như vậy khi góp ý với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) liên quan đến vấn đề đơn giản thủ tục dán nhãn năng lượng.
Lý do, theo phản ánh của doanh nghiệp (DN), việc thử nghiệm hiệu suất năng lượng mặt hàng động cơ được Bộ Công thương chỉ định duy nhất cho Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1). Thế nhưng có DN cho hay bản thân Quatest 1 cũng không làm được việc này, phải nhờ Nhà máy động cơ Việt – Hung (ở Đông Anh, Hà Nội) thực hiện, gây rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí cho các DN nói chung, các DN ở miền Trung, miền Nam nói riêng.
Do đó, VCCI kiến nghị, Thông tư sửa đổi, bổ sung về việc quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng cần tập trung sửa đổi các quy định có liên quan về trình tự, thủ tục thử nghiệm, dán nhãn để giảm các chi phí không cần thiết, tạo gánh nặng và tăng chi phí cho DN.
Góp ý về vấn đề này, VCCI đề xuất cho phép sử dụng phương thức thử nghiệm mẫu điển hình, kết hợp với việc giám sát thông qua thử nghiệm lấy mẫu trên thị trường.
Cụ thể, giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng sẽ được cấp cho nhãn hàng của nhà sản xuất (model) chứ không phải cho từng lô hàng. Nếu đạt thì giấy chứng nhận này sẽ được áp dụng cho mọi sản phẩm của cùng model đó ở tất cả các lô hàng sau, kể cả khác nhà nhập khẩu. Nếu có sự thay đổi về thiết kế kỹ thuật của mặt hàng đó thì phải kiểm tra lại. Cùng với đó bổ sung quy định về hậu kiểm hàng hoá trên thị trường.
Theo đó, cơ quan nhà nước có quyền lựa chọn ngẫu nhiên một sản phẩm được lưu thông trên thị trường và đưa đi kiểm tra. Nếu kết quả thử nghiệm không phù hợp với nhãn năng lượng đang được dán thì thông báo cho DN và tiến hành kiểm tra với mẫu lớn hơn. Nếu kết quả kiểm tra mẫu lớn hơn cho thấy sản phẩm của DN không đáp ứng được mức tiêu hao năng lượng như sản phẩm mẫu thì tiến hành xử lý vi phạm theo các hình thức như phạt tiền, buộc thu hồi sản phẩm, buộc bồi thường cho người mua hàng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội lừa dối khách hàng nếu mức thu lợi bất chính lớn…
Bên cạnh đó, VCCI cũng lập luận, thực tiễn phát hiện hàng hóa không đạt chuẩn rất thấp. Theo kết quả khảo sát nhiều đơn vị hải quan, nhiều DN trong 3 năm liền (từ 2014 – 2016) của dự án USAID – GIG, tỷ lệ các trường hợp hàng hoá không đạt chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định chưa bao giờ tới 1% tổng số lô hàng được kiểm tra.
Ngoài ra, sự chồng chéo với nhiều nội dung kiểm tra khác cũng gây tốn kém. Ví dụ, nồi cơm điện, quạt điện vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng để dán nhãn năng lượng, vừa phải kiểm tra chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với các thiết bị điện và điện tử. Hay máy điều hoà nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, vừa phải kiểm tra chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng. Cả hai thủ tục đều yêu cầu phải thử nghiệm, mỗi thủ tục phải nộp một mẫu sản phẩm để thử nghiệm, thậm chí nhiều trường hợp phải phá huỷ sản phẩm có giá trị lớn.

 

Chí Hiếu