26/12/2024

Tự tạo cơ hội: Trồng bưởi ‘khổng lồ’

Gọi là “khổng lồ” vì trái bưởi bình thường chỉ nặng trên dưới 1 kg, còn giống bưởi này cho trái nhỏ nhất nặng 4 kg và trái lớn nhất nặng tới 6 kg.

 

Tự tạo cơ hội: Trồng bưởi ‘khổng lồ’

Gọi là “khổng lồ” vì trái bưởi bình thường chỉ nặng trên dưới 1 kg, còn giống bưởi này cho trái nhỏ nhất nặng 4 kg và trái lớn nhất nặng tới 6 kg.




Ông Tám bên cây bưởi cho trái “khổng lồ”ẢNH: BẢO TRÂM

Ông Ngô Văn Tám (62 tuổi, ngụ ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), chủ vườn bưởi “khổng lồ”, kể: “Cách đây chừng 7 năm, trong một lần đi làm mướn ở xã Long An (H.Châu Thành, Tiền Giang), thấy vườn người ta có giống bưởi lạ, trái bự quá, tui nài mua một nhánh với giá 50.000 đồng. Đem về trồng được 3 năm thì cây bưởi cho trái. Lúc bấy giờ bán được 50.000 đồng một trái”. Thấy bưởi bán được giá, ông tiếp tục chiết nhánh trồng thêm được vài chục cây. Mỗi cây một năm thu hoạch được vài chục trái. Sau đó, trong một lần xã tham gia triển lãm ở hội chợ của TP.Mỹ Tho, địa phương mang một cặp bưởi khổng lồ, mỗi trái nặng 6 kg, tới trưng bày. Từ đó, giống bưởi ông Tám trồng càng được nhiều người biết tới.
Theo ông Tám, loại bưởi này khi chín vỏ màu vàng, trong ruột màu đỏ hồng. Vì vậy, dù ăn không ngon bằng bưởi da xanh hoặc năm roi, nhưng người ta chuộng để chưng vào dịp Tết Nguyên đán. Còn ngày thường, người ta chỉ mua đem chưng vào dịp nhà có đám tiệc. “Do thời gian từ khi bưởi ra hoa đến khi thu hoạch khá dài, khoảng 8 tháng, nên tôi chủ động xử lý cho cây ra hoa vào thời điểm thích hợp để thu hoạch vào dịp tết và bán được với giá rất cao”, ông Tám chia sẻ.
Khu vườn của ông Tám rộng 3.000 m2, trồng xen nhiều loại cây, trong đó có khoảng 50 cây bưởi khổng lồ. Tết Nguyên đán 2016 có vài chục cây cho trái và ông đã bán được hơn 100 trái cho khách từ TP.HCM xuống mua tại vườn với giá 1 triệu đồng/trái, là giá cao nhất từ trước đến nay. “Từ sau lần được UBND xã Đạo Thạnh mua để đem đi triển lãm, nhiều khách hàng đã tìm tới nhà đặt mua, vì vậy khi tết đến không có đủ bưởi để bán”, ông Tám cho biết.
Theo ông Tám, kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi “khổng lồ” khó hơn các giống bưởi khác. Chẳng hạn bình thường cây bưởi vẫn ra hoa thường xuyên, nhưng để có trái bán đúng vào dịp tết thì từ đầu tháng 4 âm lịch hằng năm phải xử lý ra hoa như cắt nước, đậy gốc… giống như cây sầu riêng, vì thời điểm này đang vào mùa mưa. Khoảng một tháng sau thì dỡ tấm ni lông đậy gốc ra và bắt đầu bón phân, tưới nước, cho cây ra tược, sau đó thì ra hoa. Trồng loại bưởi này tốn nhiều công chăm sóc, vì phải theo dõi hằng ngày, nhưng khó nhất là xử lý cho ra hoa đúng thời điểm.
“Xung quanh nhà tôi có khoảng 3 người đang trồng giống bưởi khổng lồ, nhưng chưa thành công lắm vì cây bưởi bị hư trước khi cho trái. Loại bưởi này rất kén đất, nếu chăm sóc không kỹ thì chỉ thu hoạch được vài lần là cây bị chết. Đất thì phải chọn nơi đất thịt tốt, phân bón chủ yếu là phân chuồng. Phân hóa học sử dụng ít thôi. Mỗi khi thu hoạch xong phải cắt tỉa, bón phân để cho cây ra hoa tiếp. Hơn nữa, vì đây là loại bưởi chưng tết nên phải giữ cho trái đẹp, bóng, không để bị sần sùi, khách hàng chê”, ông Tám chia sẻ.
Ngoài bưởi “khổng lồ”, bưởi da xanh, khu vườn của ông Tám còn trồng xen mận và dừa. Cứ nửa tháng ông bán dừa một lần, kiếm được chừng 10 triệu đồng. Mận thì bữa bán, bữa nghỉ, mỗi lần bán chừng vài trăm ký, chở bằng xe ba bánh. “Riêng bưởi khổng lồ từ đầu tháng chạp khách hàng tới xem vườn, làm hợp đồng, đặt cọc, đến 25 tết là tới cắt. Tết Nguyên đán năm nay tui ước sẽ thu hoạch được chừng 150 trái. Giá thì chưa biết có tăng hơn năm ngoái hay không?”, ông Tám thật thà và cho biết sẵn sàng chia sẻ “bí quyết” trồng bưởi cho những người quan tâm qua số điện thoại 073.3501853 vì “tui không biết xài điện thoại di động”.

 

Bảo Trâm