Tự tạo cơ hội: Làm giàu từ vườn lan
Với diện tích 2.500 m2, vườn lan Mokara của chị Phạm Thị Nhung ở Ninh Thuận cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng.
Tự tạo cơ hội: Làm giàu từ vườn lan
Với diện tích 2.500 m2, vườn lan Mokara của chị Phạm Thị Nhung ở Ninh Thuận cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng.
Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị Nhung (xã Tân Hải, H.Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) được bố mẹ chuyển giao 2.500 m2 ruộng lúa để ra làm ăn riêng.
Ngoài việc đồng áng, vợ chồng chị còn chăn nuôi heo, bò nhưng kinh tế gia đình vốn thiếu trước hụt sau. Năm 2012, trong một lần vào H.Củ Chi (TP.HCM) thăm người thân, chị như bị “hút hồn” bởi một trang trại trồng lan thương mại đẹp mắt và nung nấu về quê xây dựng vườn lan trên mảnh đất của gia đình mình.
Sau chuyến đi, chị Nhung bàn với chồng cải tạo diện tích 1.000 m2 đang trồng lúa để lập vườn lan. Với tổng chi phí đầu tư cho vườn lan lên đến 1,2 tỉ đồng, chị cho biết gia đình mình không có nhiều tiền như vậy mà nhờ gom góp từ việc dành dụm, vay mượn bạn bè người thân, thế chấp nhà cửa, đất đai để vay vốn ngân hàng. “Ngày mới bắt tay vào xây dựng, không chỉ người thân mà ngay những người hàng xóm, họ đều nói vợ chồng tôi bị “hâm”, vì xưa nay chưa ai đầu tư mô hình trồng lan ở xứ nắng, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì, làm cho bằng được”, chị Nhung kể.
Để giảm bớt lượng ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp cũng như mưa gió ảnh hưởng đến cây lan, vườn lan được thiết kế theo mô hình nhà lưới 2 lớp và chọn giống Mokara để chăm sóc vì giống này thích nghi với thời tiết nắng nóng. Để giữ được độ ẩm cho cây lan phát triển, ngoài việc đầu tư hệ thống tưới phun sương tự động, các luống trồng được xây bằng gạch có chiều rộng từ 0,8 – 1,2 m; chiều cao 0,3 m; luống cách luống 0,5 m để cây phát triển đồng đều. Bên dưới mỗi luống trải lót một lớp cát mịn, tiếp theo là đất, trên cùng rải lớp vỏ lạc (đậu phụng); khi phát triển, các nhánh lan được cột vào ống nhựa dọc luống để không bị gãy, ngã. Theo chị Nhung, những ngày đầu mới bắt tay vào chăm sóc chị gặp rất nhiều sự cố tưởng chừng như thất bại.
“Sau khi đưa giống vào sản xuất, mình áp dụng tất cả các kỹ thuật chăm sóc đã được hướng dẫn, nhưng cây chậm phát triển và bị chết từ từ không rõ nguyên nhân. Cứ tưởng giống lan này không thích ứng với điều kiện thời tiết ở Ninh Thuận nhưng sau thời gian tìm hiểu thì phát hiện ra nguyên nhân do nguồn nước tưới được bơm từ giếng khoan có độ phèn rất cao mà bơm tưới trực tiếp làm cây bị chết”, chị Nhung kể. Sau đó, vợ chồng chị xây một bể chứa nước để khử phèn trước khi đưa nước ra phun tưới cho cây lan.
Hơn một năm chăm sóc, 4.000 gốc lan Mokara của chị Nhung cho thu hoạch ổn định, bình quân một gốc nảy được 7 – 8 nhánh. Thấy mô hình trồng lan đem lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa, chị Nhung tiếp tục chuyển thêm diện tích (1.500 m2) ruộng còn lại sang trồng lan. Hiện vườn lan chị Nhung có hơn 10.000 gốc đang trong giai đoạn thu hoạch, bình quân mỗi tháng chị cắt được 6.000 cành bán ra thị trường. Chị Nhung cho biết, hiện giá dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/cành, mỗi tháng gia đình chị thu nhập hơn 50 triệu đồng từ vườn lan này.
“Mokara thuộc nhóm lan thích nghi với khí hậu nắng nóng. Ở Ninh Thuận do nắng nóng quanh năm, về đêm ít sương muối nên cây cho hoa rất đều, bông to hơn những nơi khác. Vào những lúc trời nắng gắt, người trồng cần tăng cường tưới nhiều lần trong một ngày để cây luôn giữ được nước và tránh rụng lá làm cây mất sức”, chị Nhung chia sẻ kinh nghiệm.
Nói về đầu ra sản phẩm, chị Nhung cho biết lan Mokara khi nở hoa, thu hoạch bằng cách cắt từng cành, đem bỏ mối cho các shop hoa và chợ hoa. “Lượng hoa lan ở vườn chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thị trường Ninh Thuận. Ở một số shop hoa các tỉnh lân cận thường gọi điện đến đặt hàng nhưng tôi từ chối vì không có hàng để cung cấp”, chị Nhung nói. Bạn đọc có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm trồng lan Mokara của chị Phạm Thị Nhung có thể liên hệ số điện thoại: 01214418966.
Thiện Nhân