27/12/2024

Mỹ khẳng định không rời bỏ châu Á

Sự hiện diện của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ không bị tiết giảm dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.

 

Mỹ khẳng định không rời bỏ châu Á

Sự hiện diện của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ không bị tiết giảm dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.




Hải quân Mỹ vẫn sẽ duy trì hoạt động tại châu Á – Thái Bình DươngBLOOMBERG

Đó là khẳng định của Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ. Reuters ngày 16.11 dẫn lời ông Harris tuyên bố Washington vẫn sẽ duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác ở châu Á.
Đây được xem là lời trấn an sau khi nảy sinh lo ngại tại khu vực về việc Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể thay đổi đáng kể chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, bao gồm cả chiến lược xoay trục do Tổng thống Barack Obama khởi xướng và thực hiện.
“Sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là hết sức cần thiết và có ích. Điều này đã được chứng minh bằng thực tế suốt nhiều thập niên qua”, Đô đốc Harris phát biểu trong một sự kiện tại thủ đô Washington và nói thêm là Mỹ vẫn tiếp tục duy trì “cam kết kiên định” với các đồng minh, đối tác trong khu vực.
Theo giới quan sát, vẫn phải chờ cho đến khi Tổng thống đắc cử Trump công bố các vị trí quan trọng trong nội các thì mới có thể xác định quan điểm đối ngoại của ông. Tuy nhiên, dấu hiệu đầu tiên cho chính sách đối với châu Á sẽ được thể hiện trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào hôm nay 17.11 tại New York.
Reuters dẫn lời các cố vấn của ông Trump tiết lộ rằng nhân cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định về hợp tác với Tokyo lẫn các bên khác trong khu vực. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang hướng đến xây dựng lòng tin với chủ nhân mới của Nhà Trắng. Giới chức ngoại giao Nhật cho biết ưu tiên hiện nay của Thủ tướng Abe là thiết lập quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống đắc cử Trump hơn là sa vào tranh luận về các vấn đề chính sách cụ thể.
Các chuyên gia nhận định ông Trump và ông Abe có nhiều điểm chung như đều mạnh mẽ, quyết đoán và đều đang hướng tới quan hệ êm đẹp hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc điện đàm ngày 15.11, ông Trump và ông Putin nhất trí làm việc để cải thiện quan hệ song phương. Trong khi đó, ông Abe đang muốn tăng cường hợp tác với Nga để tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán về nhóm đảo đang tranh chấp nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc.
Một vấn đề cũng được giới quan sát chú ý là quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines, vốn đang trắc trở kể từ sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, Đô đốc Harry Harris cho biết ông lo ngại về một số tuyên bố của Tổng thống Duterte nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác quân sự song phương. Ông khẳng định hai bên chưa có ý định cụ thể về rút các cố vấn quân sự Mỹ khỏi miền nam Philippines và máy bay trinh sát của Mỹ vẫn tiếp tục triển khai luân phiên tại căn cứ trên đảo Luzon.
Ngoài ra, theo đô đốc Mỹ, thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng đã ký giữa 2 nước, vốn cho phép Mỹ sử dụng luân phiên một số căn cứ của Philippines, vẫn còn nguyên giá trị. Dự kiến vào tuần tới, Đô đốc Harris sẽ gặp giới chức quốc phòng cấp cao của Philippines để thảo luận cụ thể về hợp tác và các cuộc tập trận chung trong tương lai. Đáng chú ý là khác với thái độ đối với Tổng thống Obama, ông Duterte đến nay đã dành nhiều lời lẽ tốt đẹp cho ông Trump kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8.11.
Bên cạnh đó, trong bài viết trên chuyên san Foreign Policy, 2 cố vấn thân cận của ông Trump trong quá trình tranh cử là Alexander Gray và Peter Navarro tiết lộ ông có ý định tăng số tàu chiến sẵn sàng triển khai của Mỹ từ 274 chiếc hiện nay lên 350 chiếc. Hai tác giả này cho rằng đây là bằng chứng về cam kết dài hạn của chính quyền mới trong việc duy trì vai trò của Mỹ tại các vùng biển trên thế giới, bao gồm cả châu Á. Ông Gray và Navarro còn chỉ trích chiến lược xoay trục của chính quyền sắp mãn nhiệm là chưa đủ độ cứng rắn và “nói nhiều hơn làm”.

Triều Tiên “tạm ngừng thử hạt nhân”
Theo 38 North, website chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), không còn dấu hiệu nào cho thấy nước này sắp phóng tên lửa hay thử hạt nhân. Cụ thể, hình ảnh vệ tinh chụp từ bãi thử Punggye-ri cho thấy chỉ có các hoạt động bảo trì quy mô nhỏ.
Tại khu vực thử tên lửa Dongchang-ri cũng không xuất hiện dấu hiệu chuẩn bị thử động cơ tên lửa hay phóng vệ tinh. Giới quan sát cho rằng có thể Bình Nhưỡng đang tạm ngưng các hoạt động bị cho là đối đầu để chờ xem chính quyền mới của Mỹ sẽ đưa ra chính sách như thế nào về bán đảo Triều Tiên.
Ngày 16.11, Reuters dẫn lời ông Kim Yong-ho, quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, tuyên bố nước này “không quan tâm ai là tổng thống Mỹ” mà vấn đề cơ bản là Washington có thay đổi “thái độ thù địch” với Bình Nhưỡng hay không.
Trong đợt vận động tranh cử hồi tháng 5.2016, ông Donald Trump tuyên bố “sẵn sàng nói chuyện” với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về vấn đề hạt nhân. Sau đó, truyền thông Triều Tiên đã ca ngợi ông Trump là người “có tầm nhìn xa”.

 

Khánh An