Hạn chế giao dịch của người dân
|
|
|
Điều quan trọng nhất là làm thế nào để mọi người thấy được việc thanh toán điện tử sẽ có lợi hơn dùng tiền mặt. Khi đó chắc chắn người dân sẽ tự động thực hiện
|
|
|
Luật sư Trần Xoa
|
|
|
Hôm qua 27.4, chị Ngọc Yến (ngụ Q.3, TP.HCM) nhận được gói hàng đặt trên một chợ điện tử trước đó 1 ngày. Như thường lệ, nhận hàng chị mới trả tiền cho nhân viên giao nhận dù chị có tài khoản ở ngân hàng và cũng sử dụng nhiều loại ví điện tử khác nhau. Chị chia sẻ lý do: Có lần đặt mua tã giấy cho con, đã chuyển khoản trả trước và nhờ người nhà nhận giùm nhưng tã giao không đúng kích cỡ nên phải đổi lại. Tuy nhiên, đợi lấy được hàng đổi rất lâu. “Vì thanh toán trước nên có cảm giác người bán không mặn mà đổi hàng dù lỗi là phía họ. Vì vậy sau này mình chỉ nhận hàng, kiểm tra đúng mới trả tiền”, chị Yến cho biết. Tâm lý của chị Yến giống với đa số cá nhân mua hàng online hiện nay. Thói quen này chắc chắn sẽ làm khó cho đề xuất của Bộ Tài chính như nói trên.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM), cho biết tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch hàng hóa qua mạng của VN hiện nay vẫn hơn 80%. Ngoài việc lo ngại trả tiền trước hàng hóa giao không đúng quảng cáo, sai kích cỡ, phía vận chuyển làm mất hay hư hỏng… thì thói quen của người VN vẫn là phải giao tận tay, có ký nhận để làm chứng từ cho cả phía mua và bán. “Người dân ở các tỉnh thành xa, vùng xa vẫn chưa có tài khoản ngân hàng thì quy định đó đã chặn họ quyền mua bán qua mạng. Vì vậy chỉ nên đưa ra hướng khuyến khích thay vì bắt buộc”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, nhiều quốc gia đã phát triển mạnh về thương mại điện tử (TMĐT) vẫn chưa có nơi nào bắt buộc người mua hàng qua mạng phải thanh toán qua ngân hàng. Nếu bắt buộc chỉ còn một cách trả tiền qua ngân hàng hay ví điện tử thì sẽ làm hạn chế giao dịch trong TMĐT. Đề xuất của Bộ Tài chính là can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Không khả thi
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích: Theo quy định, doanh nghiệp giao dịch trên 20 triệu đồng buộc phải thông qua ngân hàng mới được tính vào chi phí hợp lệ. Dự kiến, quy định này sẽ giảm xuống mức từ 5 triệu đồng trong thời gian tới. Do vậy dù không bị bắt buộc, các doanh nghiệp cũng sẽ không dùng tiền mặt để thanh toán. Tuy nhiên, giao dịch giữa cá nhân với cá nhân thì rất khó bắt buộc. Số tiền nhỏ nhưng phải thanh toán điện tử có thể khiến họ không tham gia giao dịch TMĐT. Đó là chưa kể cơ quan quản lý nhà nước làm thế nào để kiểm soát được các giao dịch giữa cá nhân với nhau cũng như các biện pháp chế tài để thực thi quy định.
“Điều quan trọng nhất là làm thế nào để mọi người thấy được việc thanh toán điện tử sẽ có lợi hơn dùng tiền mặt. Khi đó chắc chắn người dân sẽ tự động thực hiện. Quy định đưa ra nhưng không khả thi, lại không mang tính răn đe thì không có ý nghĩa và đừng nên ban hành”, luật sư Trần Xoa nói.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, đề xuất này cho thấy Bộ Tài chính vẫn loay hoay trong hoạt động quản lý thuế đối với TMĐT. Đề xuất nhằm không bỏ sót nguồn thu từ giao dịch TMĐT, nhưng VN có thể thay đổi các chính sách về thuế như yêu cầu mọi người dân đều phải khai báo thuế hằng năm khi có thu nhập, gia tăng mức giảm trừ chi phí thiết yếu cho người khai thuế và người phụ thuộc. Nếu phát hiện có gian lận sẽ phạt nặng, thậm chí xử lý hình sự. Đây là quá trình lâu dài và dần dần sẽ hình thành ý thức khai báo, nộp thuế đầy đủ của người dân như ở nhiều nước phát triển. Từ đó, các giao dịch của cá nhân dù qua mạng hay không đều vẫn có cơ sở để thu được thuế.
MAI PHƯƠNG