27/12/2024

Xuất khẩu trái cây VN bị cản đường

Dù công bố mở cửa được hàng loạt thị trường nhưng xuất khẩu trái cây của VN vẫn gặp khó do đủ thứ rào cản của đối tác…

 

Xuất khẩu trái cây VN bị cản đường

Dù công bố mở cửa được hàng loạt thị trường nhưng xuất khẩu trái cây của VN vẫn gặp khó do đủ thứ rào cản của đối tác…

 

 

 

Xuất khẩu trái cây VN bị cản đường
Xuất khẩu trái cây của VN vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: kiểm tra xoài trước khi xuất khẩu tại một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở Bình Dương – Ảnh: TRẦN MẠNH

Các nước công bố mở cửa thị trường nhưng áp điều kiện ngặt nghèo, cước phí vận chuyển cao là những rào cản lớn để trái cây VN vào các thị trường cao cấp.

Phụ thuộc một người Đài Loan

Hồi tháng 4-2016, Bộ NN&PTNT thông tin thị trường Đài Loan mở cửa trở lại cho trái thanh long VN sau khi tạm ngưng từ đầu năm 2009.

Đây là một tin vui, bởi sau Trung Quốc đại lục, Đài Loan là thị trường xuất khẩu thanh long lớn thứ hai của VN với trên 10.000 tấn/năm. Và đây cũng là một trong những thị trường khó tính với các đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm và an toàn 
dịch hại.

Để được xuất khẩu trở lại vào Đài Loan, ngoài các tiêu chuẩn về vùng trồng và an toàn dư lượng hóa chất, trái thanh long phải được xử lý bằng hơi nước nóng để diệt trừ dịch hại (giống thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc).

Đến nay đã có ba nhà máy của VN được phía Đài Loan công nhận đủ điều kiện xử lý thanh long. Thế nhưng, theo một số doanh nghiệp (DN), xuất khẩu vào Đài Loan không dễ và không thể đạt được mức kỳ vọng trên 10.000 tấn như trước đây mà sẽ thấp hơn nhiều.

Ông Chu Hồng Châu, phó giám đốc Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), nêu hiện có ba nhà máy của VN đạt chuẩn xử lý hơi nước nóng với trái thanh long xuất khẩu sang Đài Loan nhưng họ chỉ có một chuyên gia tại VN.

Phía Đài Loan yêu cầu mỗi lô thanh long xử lý đều phải có chuyên gia của họ giám sát.

“Điều này đồng nghĩa với việc chuyên gia của Đài Loan đến nhà máy nào giám sát thì hai nhà máy kia tạm ngưng. Hiện họ đang chia thời gian là mỗi tháng sẽ làm việc tại một nhà máy”, ông Châu cho hay.

Theo các DN xuất khẩu, với cách làm này, DN quá khó để xuất khẩu sang Đài Loan được vì mỗi ngày máy chạy hai ca chỉ xử lý được khoảng 10 tấn. Như thế thì cả tháng VN cũng chỉ xuất khẩu được khoảng 300 tấn thanh long.

Chưa kể, nếu đợi thì cứ phải đợi ba tháng DN mới đến lượt được xử lý thanh long để xuất khẩu. Không khách hàng nào đợi được như thế.

Các DN cho rằng đây như là một rào cản thương mại của Đài Loan với trái thanh long của VN, dù họ có thông báo là mở cửa thị trường nhưng không cử người sang VN giám sát thì cũng coi như là không cho nhập khẩu.

Bên cạnh thanh long, trái xoài của VN xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng gặp khó khi Hàn Quốc chỉ cho phép một DN được xuất khẩu xoài vào nước họ.

Bà Masumi Watanabe, giám đốc Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka (Bình Dương), cho hay dù đã chuẩn bị vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nhà máy xử lý hơi nước nóng với công nghệ hiện đại của Nhật nhưng công ty vẫn không thể xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc.

“Chúng tôi đã liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật nhưng nhận được trả lời là hiện mới chỉ có một đơn vị ở Long An được xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc. Không hiểu sao lại như vậy”, bà Masumi Watanabe cho biết.

Một chuyên gia về thương mại nông sản cho hay quy định của phía Hàn Quốc về việc chỉ có một DN được xuất khẩu xoài vào nước họ là sai quy tắc quốc tế và có dấu hiệu của sự can thiệp cục bộ.

“Chính vì những rào cản này mà xuất khẩu trái xoài của VN sang Hàn Quốc không đạt như kỳ vọng. Dù Hàn Quốc trở thành một trong những thị trường lớn nhất của trái xoài VN nhưng 8 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 11,89 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái”, vị chuyên gia này cho hay.

Ông VƯƠNG ĐÌNH KHOÁT 
(giám đốc Công ty TNHH Hugo, TP.HCM):

Cước máy bay lấy hết lợi nhuận của DN

Cước phí máy bay làm giảm sức cạnh tranh của trái cây VN vào các thị trường cao cấp, lấy hết lợi nhuận của DN. 

Thái Lan hay các nước xuất khẩu khác có nhiều máy bay vận chuyển hơn nên cước phí của họ rẻ, chưa kể họ có những chính sách hỗ trợ xuất khẩu trợ giúp cho các DN rất nhiều. Còn trái cây ở VN xuất khẩu thì các DN phải tự lo hết…

Gặp khó vì cước phí

Bên cạnh việc bị làm khó bởi các thủ tục từ quốc gia nhập khẩu, xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường khó tính của VN vẫn chưa thể “cất cánh” được là do cước phí vận chuyển quá cao.

Theo bà Masumi Watanabe, sau một số lô hàng xuất khẩu xoài sang Nhật Bản vào cuối năm ngoái, đơn vị này đã tạm ngưng xuất khẩu xoài sang Nhật.

Nguyên nhân chính là do cước vận chuyển bằng đường hàng không của VN quá cao nên giá thành xoài VN khó cạnh tranh với xoài của các nước khác.

“Hồi đầu chúng tôi xuất khẩu sang Nhật thì phí máy bay là trên 2 USD/kg, đến nay đã giảm xuống còn 1,8 USD/kg nhưng vẫn cao hơn 50% so với cước phí của Thái Lan dù đường bay ngắn hơn. Dù xoài của VN thơm ngon hơn nhưng giá cao vậy khó cạnh tranh với xoài các nước khi họ đã đưa xoài vào Nhật Bản nhiều năm rồi”, bà Masumi Watanabe nói.

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt (Hiệp hội Rau quả VN), trái cây tươi của VN vào các thị trường khó tính vẫn tăng trưởng nhờ bán vào thời điểm trái vụ hoặc khi các nước khác không có hàng. Nhưng để tăng trưởng mạnh mẽ và cạnh tranh được với trái cây của các nước thì cần có những biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả hơn.

Trái cây của VN sang Mỹ chủ yếu bán cho các siêu thị của người châu Á do người Hoa làm chủ nên không có lời nhiều.

“Nếu Nhà nước và DN cùng nhau tham gia sâu vào chuỗi phân phối bán lẻ ở một số thị trường trọng điểm thì cơ hội đưa trái cây VN xuất ngoại sẽ tăng cao. Hãy xem Thái Lan họ đã xuất khẩu trái cây sang VN tăng ngoạn mục thế nào sau khi mua lại các DN bán lẻ tại VN thời gian qua”, ông Đạt nói.

TRẦN MẠNH