28/12/2024

Mỹ hoà dịu với Nga, căng với Trung Quốc?

Quan hệ Mỹ – Nga đang có triển vọng cải thiện nhưng tình hình có vẻ không thuận lợi giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và Trung Quốc.

 

Mỹ hoà dịu với Nga, căng với Trung Quốc?

Quan hệ Mỹ – Nga đang có triển vọng cải thiện nhưng tình hình có vẻ không thuận lợi giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và Trung Quốc.



 

Cả Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đã điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald TrumpREUTERS

Sau cuộc điện đàm hôm qua 15.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trên cơ bản nhất trí rằng hai bên cần phải nỗ lực bình thường hoá quan hệ sau thời gian dài vô cùng trắc trở, AFP dẫn thông báo từ Điện Kremlin cho biết. 

 
 
Hai đại cử tri sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump
Theo tờ Politcio, 2 đại cử tri Bret Chiafolo (bang Washington) và Michael Baca (Colorado) bất ngờ tuyên bố “nổi loạn”, không bỏ phiếu cho ông Donald Trump vào ngày 19.12, đồng thời kêu gọi nhiều người khác theo chân mình. Trong cuộc bầu cử ngày 8.11, ông Trump tuy thua đối thủ Hillary Clinton về số phiếu phổ thông nhưng lại giành chiến thắng ở các bang có số phiếu đại cử tri lớn để lấy được 306 phiếu đại cử tri, vượt xa con số 270 cần thiết. Hiện 2 ông Chiafolo và Baca đang ra sức vận động kiếm thêm ít nhất 35 người nữa không chọn ông Trump. Khi đó, ông chỉ còn 269 phiếu, không đủ để bước vào Nhà Trắng. Trong trường hợp này, Mỹ sẽ phải kích hoạt Tu chính án 12 trong hiến pháp để Hạ viện lựa chọn tổng thống trong số 3 ứng viên đạt nhiều phiếu đại cử tri nhất.
Lâu nay, cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri chỉ mang tính thủ tục vì rất hiếm trường hợp họ làm ngược lại kết quả bầu cử toàn quốc. Tùy quy định của từng bang, các đại cử tri “nổi loạn” có thể ngồi tù, bị phạt tiền hoặc không phải chịu trách nhiệm gì. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định kết quả bầu cử năm nay rất khó bị đảo ngược và nếu thật sự xảy ra thì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy khó lường về chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội.

 


Tương lai Mỹ – Nga
Trong cuộc trao đổi, cả hai nhà lãnh đạo đều lưu ý đến “tình trạng đặc biệt không hề tốt đẹp trong quan hệ Nga – Mỹ vào thời điểm hiện tại”, và nhấn mạnh cần phải tích cực hợp tác cải thiện quan hệ song phương. Ông Putin hy vọng ông Trump thành công trong việc thực hiện cam kết tranh cử và bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy thiết lập “tiến trình đối thoại hướng đến xây dựng quan hệ đối tác với chính quyền mới của Mỹ dựa trên nền tảng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào các vấn đề nội vụ của đối phương”.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần phải cùng nỗ lực để chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố quốc tế và chủ nghĩa cực đoan. Theo giới chức Nga, ông Putin và ông Trump còn thảo luận vấn đề Syria, và chỉ thị cho cấp dưới chuẩn bị cho một cuộc gặp trực tiếp trong tương lai gần.
Về phần mình, đội ngũ tiếp nhận quyền lực của Tổng thống đắc cử Trump cho hay 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận “những mối đe dọa và thách thức” mà hai quốc gia đang phải đối mặt, cũng như những vấn đề về kinh tế và “mối quan hệ lịch sử Mỹ – Nga kéo dài hơn 200 năm qua”. Reuters dẫn lời ông Trump nói chính quyền mới của Mỹ mong đợi sẽ thiết lập “quan hệ chặt chẽ, lâu dài” với chính quyền Moscow và người dân Nga.
Trước đó, vào rạng sáng 9.11 (giờ địa phương), ngay khi vừa có kết quả bầu cử tại Mỹ, Tổng thống Putin đã gửi điện tín chúc mừng thắng lợi của ông Trump, bày tỏ tinh thần muốn hợp tác nhằm làm tan băng quan hệ hai nước. Theo giới truyền thông, sự ủng hộ ngầm của chủ nhân Điện Kremlin dành cho ông Trump trong suốt quá trình tranh cử là “điều ai cũng biết”. Bản thân tổng thống đắc cử Mỹ cũng từng nhiều lần tán dương ông Putin và tuyên bố sẵn sàng hợp tác với nhà lãnh đạo Nga.
Cứng rắn tại châu Á
Trong khi đó, nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ – Trung Quốc sắp tới sẽ càng gập ghềnh hơn so với thời Tổng thống Barack Obama. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump liên tục chỉ trích nặng nề Trung Quốc về vấn đề tiền tệ, thương mại và việc làm. Tổng thống đắc cử Mỹ cũng từng doạ sẽ áp thuế 45% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đồng thời chính thức liệt nước này vào danh sách “thao túng tiền tệ”.
Ngoài ra, trong bài viết mới đây trên chuyên san Foreign Policy, 2 cố vấn thân cận của ông Trump trong quá trình tranh cử là Alexander Gray và Peter Navarro chỉ trích chính quyền của Tổng thống Barack Obama chưa đủ độ cứng rắn trong vấn đề an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương. Hai chuyên gia này nhận định chiến lược xoay trục của chính quyền sắp mãn nhiệm là “yếu ớt” và “nói nhiều hơn làm”, khiến Trung Quốc lấn tới ở các vùng biển trong khu vực. Từ đó, ông Gray và ông Navaroo cho rằng ông Trump sẽ đưa ra đường lối cứng rắn hơn nhằm “theo đuổi hoà bình bằng sức mạnh”.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu đáp trả khi tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận tuyên bố ông Trump là “kẻ ngốc nếu muốn khai chiến toàn diện về thương mại”. “Nếu ông Trump phá hoại quan hệ thương mại Mỹ – Trung, một loạt các ngành công nghiệp Mỹ sẽ bị chao đảo”, bài viết tuyên bố.
Hoàn Cầu còn lớn tiếng đe dọa rằng bất kỳ động thái tăng cường thuế quan nào của chính quyền ông Trump cũng sẽ lập tức hứng đòn trả đũa từ Bắc Kinh. “Những đợt đặt hàng Boeing sẽ bị thay thế bằng Airbus. Doanh thu bán ô tô Mỹ và điện thoại iPhone tại Trung Quốc sẽ sụt giảm. Các lô hàng nhập khẩu đậu nành và bắp sẽ bị ngưng trệ. Trung Quốc cũng sẽ giới hạn số sinh viên theo học tại Mỹ”, tờ báo viết.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố bất kỳ người nào lên làm tổng thống Mỹ “sẽ triển khai chính sách có lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Mỹ – Trung nếu thật sự quan tâm đến lợi ích của người dân nước mình”.

 

Thuỵ Miên