Không TPP, hội nhập sẽ chật vật hơn
Nhiều ý kiến vẫn tự tin cho rằng, không có TPP, nền kinh tế hội nhập của VN vẫn ở thế chủ động, tuy nhiên, con đường hội nhập ấy sẽ có không ít chật vật và khó khăn trong tương lai gần.
Không TPP, hội nhập sẽ chật vật hơn
Nhiều ý kiến vẫn tự tin cho rằng, không có TPP, nền kinh tế hội nhập của VN vẫn ở thế chủ động, tuy nhiên, con đường hội nhập ấy sẽ có không ít chật vật và khó khăn trong tương lai gần.
Việc ông Donald Trump, người từng vận động bầu cử bằng chính sách bảo hộ mậu dịch Mỹ, sẽ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thắng cuộc đua vào Nhà Trắng khiến nhiều dự báo cho rằng TPP đang đi vào “ngõ cụt”. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, kết quả bầu cử tại Mỹ khiến diễn biến thương mại thế giới có thể sẽ phức tạp nhưng VN vẫn luôn ở thế chủ động hội nhập cần thiết.
Ra biển lớn bằng sức vóc của mình
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, ngành công thương đã có những bước chuẩn bị cần thiết về việc quốc hội Mỹ có thông qua TPP hay không. VN có chính sách nhất quán trong việc hội nhập một cách chủ động với thế giới và tham gia TPP cũng nằm trong hướng đi đó. “Bất luận thế nào, chúng ta vẫn xác định ra biển lớn bằng sức vóc của mình là chính. Quan điểm của chúng ta trong phát triển thương mại quốc tế là định hướng phát triển đa phương hóa và đa dạng hoá các mối quan hệ thương mại. Bản thân TPP cũng chỉ là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà chúng ta tham gia. Bên cạnh TPP, VN còn tham gia các FTA khác. Tất nhiên TPP có tầm vóc rất lớn với 12 đại diện tham gia trong đó có nhiều đối tác lớn ở châu Á và thế giới và ảnh hưởng rất mạnh, rất sâu đến thương mại thế giới nếu có hiệu lực thực tế. Tuy nhiên, như tôi đã nói là còn quá sớm để đưa ra bất kỳ đoán định nào liên quan đến TPP trong thời gian tới”.
Cũng theo ông Tuấn Anh, cho dù trong hoàn cảnh nào thì VN cũng sẵn sàng hội nhập và không phụ thuộc vào TPP, đây không phải là yêu cầu, mà là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, người đã liên tục đưa ra những cảnh báo cho rằng, VN không nên quá kỳ vọng, tin tưởng vào TPP bởi rất khó để thông qua trong tương lai gần, nói: “Khả năng bỏ TPP là rất lớn. Ngoài ra, khả năng thay đổi một số điều khoản trong TPP hiện tại để trình quốc hội Mỹ cũng được xem xét đến. Với kinh tế VN, điều lo ngại là các dự án bất động sản được xây dựng với mục đích đón đầu TPP, các dự án nông sản cũng được xây dựng chỉ để xuất khẩu phục vụ TPP. Với kết quả bầu cử Mỹ, tôi nghĩ VN sẽ mất nhiều năm nữa để nói chuyện tăng tốc đưa hàng vào 12 nước trong khối TPP. Tuy nhiên, không nên quá bi quan bởi nếu liên quan đến thương mại, bên cạnh TPP, chúng ta vẫn còn những cánh cửa thương mại khác, các FTA đã ký với ASEAN, Hàn Quốc, EU…”.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: “Chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump là có thật. Thế nhưng, nhìn vào thực tế là chỉ trong vòng sau 5 ngày sau khi có kết quả bầu cử, tân Tổng thống nước Mỹ đã có đến 7 lần thay đổi các lời hứa trước đây của mình với người dân Mỹ. Chẳng hạn, giữ lại cơ bản chính sách bảo hiểm y tế ObamaCare mà ông từng ví như “thảm hoạ” và bác bỏ trước đây. Hoặc ông từng tuyên bố không hỗ trợ cho quân đội Hàn Quốc nữa, nhưng sau cuộc điện đàm với người đứng đầu Hàn Quốc, ông Trump lại thay đổi quan điểm. Thế nên, khó để đưa ra dự báo cánh cửa TPP với nước Mỹ sẽ đóng sập ngay lập tức hay sẽ có những thay đổi và vào đàm phán tiếp. Hoặc không loại trừ khả năng, chính quyền mới dưới thời tân Tổng thống Mỹ sẽ soạn thảo hiệp định thương mại khác thay thế cho TPP”.
Để hội nhập không bị “chới với”
Tuy nhiên, ông Doanh vẫn đưa ra kịch bản xấu nhất là Mỹ sẽ bỏ TPP. Như vậy, kinh tế Mỹ cũng ảnh hưởng. Bởi khi hạn chế nhập khẩu hàng VN, đánh thuế đến 45% hàng từ Trung Quốc, chính người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt. Ông Doanh phân tích: “Nền thương mại giữa VN và Mỹ khác rất nhiều so với thương mại giữa VN với các nước ASEAN hay với Nhật, Hàn Quốc. Với Mỹ, chúng ta giao thương theo hình thức đôi bên cùng có lợi. Chúng ta có nhân công giá rẻ, sản xuất và bán hàng sang Mỹ với giá tốt nhất. Đổi lại, Mỹ bán máy bay, công nghệ hiện đại sang VN. Trong khi giao thương giữa VN với Hàn Quốc và ASEAN là cạnh tranh, sống còn và quyết liệt hơn”. Từ phân tích này, ông Doanh cho rằng VN sẽ vô cùng khó khăn để tìm thị trường thay thế trong trường hợp xấu nhất bị giảm xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định để kiếm một thị trường mới khác thay thế thị trường xuất khẩu Mỹ là điều vô cùng khó khăn vì không có thị trường nào lớn hơn thị trường này. Theo ông Hiếu, xuất khẩu của VN đang dựa vào 60% từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nếu Mỹ có chính sách thay đổi như thu hút các nhà sản xuất Mỹ về nước, thị trường lao động của VN sẽ “chới với”. “Chính nền công nghiệp dựa vào gia công của VN là “kỳ đà cản mũi” phát triển của chính chúng ta. Nên song song việc tìm thị trường mới từ châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, VN phải quay về thị trường nội địa một cách bài bản, có đầu tư chiều sâu và phát triển nền kinh tế công nghiệp hoá hiện đại chứ không thể lấy nền kinh tế nông nghiệp làm chủ lực như lâu nay”, ông Hiếu nhận định và đưa ra bài học quay về thị trường nội địa của Trung Quốc trước sức ép giảm xuất khẩu làm ví dụ.
“Dưới góc độ người quan sát và phân tích thị trường tài chính, tôi thấy, mất TPP là chúng ta mất cơ hội lớn để thay đổi và cải tiến sâu sắc hơn. WTO mang đến cho chúng ta cơ hội phát triển thương mại, song chính TPP mới có thay đổi sâu sắc cho một cơ hội thay các vấn đề về luật pháp, việc làm… mang tính đột phá. Việc chúng ta không có TPP, tiến trình hội nhập sâu rộng sẽ chật vật hơn. Chậm xâm nhập vào thị trường Mỹ ngày nào, chúng ta sẽ mất đi những cơ hội lớn mạnh như kỳ vọng. Theo tôi, Chính phủ phải có quyết sách lớn, mạnh hơn nữa để quá trình hội nhập của VN không bị “chới với” vì mất TPP”, ông Hiếu nói thêm.
Hằng Nga – Nguyên An